Theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao Quốc gia, Giám đốc Bệnh viện Phổi TƯ, lao là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và đáng sợ hơn khi dễ dàng lây lan ra cộng đồng nếu bệnh nhân không được chữa trị đúng cách. Bênh lao là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 2 trong các bệnh nhiễm trùng với khoảng 10 triệu bệnh nhân lao mới hằng năm và gần 1,6 triệu người tử vong do lao trên toàn cầu.
Hiện nước ta vẫn nằm trong 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao và lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Trong đó, 63% bệnh nhân lao thường, 98% bệnh nhân lao kháng thuốc và gia đình đối mặt với những chi phí thảm họa - nghĩa là chi phí cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh lao vượt quá 20% thu nhập hằng năm của cả hộ gia đình. 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động. Vì vậy, lao thực sự là một vấn đề ảnh hưởng đến kinh tế từng gia đình nói riêng và đất nước nói chung. Đầu tư cho chấm dứt bệnh lao là đầu tư cho phát triển bền vững.
Theo các báo cáo, hằng năm cả nước phát hiện và đưa vào điều trị hơn 100.000 người mắc lao. Điều đáng mừng là tỷ lệ khỏi bệnh được duy trì ở mức cao, trên 90% với bệnh nhân lao mới, 75% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ dài hạn và 80% với bệnh nhân đa kháng thuốc sử dụng phác đồ ngắn hạn.
"Các kỹ thuật công nghệ mới, thuốc mới, tiếp cận mới trên thế giới đã được áp dụng hiệu quả cao tại Việt Nam, ngay cả với lao đa kháng và siêu kháng thuốc", PGS.TS Nguyễn Viết Nhung nhấn mạnh.
Những người tử vong do lao chủ yếu là chưa được phát hiện và điều trị kịp thời. Hiện nay, chương trình đã điều trị hơn 100.000 bệnh nhân mỗi năm, số người tử vong khi đã được phát hiện và điều trị chỉ là hơn 2.000 người bệnh. Để mọi người bệnh có thể được phát hiện và điều trị kịp thời, cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành và đặc biệt là của phụ nữ và cả cộng đồng, không kỳ thị mặc cảm mà chủ động tham gia phát hiện bệnh khi có triệu chứng.
Chương trình chống lao Quốc gia Việt Nam đặt ra mục tiêu có ít nhất 20 triệu phụ nữ trong 20 triệu gia đình Việt Nam có kiến thức và thực hành bảo vệ chính gia đình họ không mắc bệnh lao. Hội Phổi Việt Nam vừa thành lập Chi hội Phụ nữ và đây sẽ là nòng cốt trong công tác tuyên truyền hướng dẫn phòng, chống lao đến từng hội viên, phụ nữ trong toàn quốc.
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung cho rằng, nếu công tác phòng, chống lao cũng nhận được sự quan tâm, đầu tư đúng mức, được sự chung tay của các cấp, các ngành và của cả cộng đồng thì mục tiêu loại bỏ bệnh lao vào năm 2030 hoàn toàn có thể thực hiện được.
Nước ta có mạng lưới phát hiện và điều trị lao từ trung ương đến địa phương và sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các tổ chức quốc tế trong đẩy lùi căn bệnh này. Vì thế, mục tiêu Việt Nam chấm dứt bệnh lao vào năm 2030 rất khả thi.
Theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Tổ chức Y tế thế giới nhận định Việt Nam đang trên con đường chấm dứt bệnh lao. Chúng ta đã hội tụ gần đủ các yếu tố để chấm dứt bệnh lao vào năm 2030. Cụ thể là Nghị quyết số 20 kỳ họp thứ VI BCH Trung ương Đảng khóa XII đã nêu rõ đến năm 2030 cơ bản chấm dứt bệnh lao với những chỉ đạo về quan tâm đầu nguồn lực cũng như chính sách hỗ trợ cho tiến trình chấm dứt bệnh lao trên phạm vi toàn quốc. Năm 2014, Chính phủ đã ban hành Chiến lược Quốc gia phòng chống lao đến năm 2020, tầm nhìn 2030…
Bên cạnh đó, ngày 4/12/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định thành lập Ủy ban Quốc gia về chấm dứt bệnh Lao (Ủy ban Quốc gia). Ủy ban sẽ có nhiệm vụ giúp Thủ tướng chỉ đạo, đôn đốc, điều phối các bộ, ban, ngành, đoàn thể, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và của cộng đồng trong phòng, chống bệnh lao nhằm chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2030, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Ngoài ra, Việt Nam đã có Chương trình Chống lao quốc gia, với mạng lưới rộng khắp trên toàn quốc mà nòng cốt là Bệnh viện Phổi Trung ương, có Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao (PASTB)… Tất cả những điều đó sẽ giúp Chương trình chống lao quốc gia (CTCLQG) đạt được mục tiêu đã đề ra: Đến năm 2030 giảm số người mắc bệnh lao trong cộng đồng xuống dưới 20/100.000 người dân và giảm số người chết do bệnh lao, để người dân Việt Nam được sống trong môi trường không còn bệnh lao.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn