Chương trình đề ra các chỉ tiêu chủ yếu. Cụ thể: 100% cơ sở Hội triển khai thực hiện tuyên truyền có hiệu quả các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước liên quan đến người khuyết tật.
Giai đoạn 2021-2025, có 60% phụ nữ khuyết tật được Hội trợ giúp bằng các hình thức khác nhau (mỗi năm, Hội LHPN cấp cơ sở giúp được ít nhất 1 phụ nữ khuyết tật/gia đình về sinh kế, nâng cao năng lực, xây dựng các công trình vệ sinh, nước sạch, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, tiếp cận các dịch vụ trợ giúp xã hội, mái ấm tình thương; phụ nữ khuyết tật tự nguyện tham gia sinh hoạt tại các chi tổ hội, câu lạc bộ…). 70% các hoạt động trợ giúp, các sản phẩm tuyên truyền, giáo dục của Hội đảm bảo tiếp cận dễ dàng, không còn rào cản đối với phụ nữ khuyết tật.
Giai đoạn 2026-2030, phấn đấu 80% phụ nữ khuyết tật được Hội trợ giúp bằng các hình thức khác nhau… 90% các hoạt động trợ giúp, các sản phẩm tuyên truyền, giáo dục của Hội đảm bảo tiếp cận dễ dàng, không còn rào cản đối với phụ nữ khuyết tật.
Để thực hiện các chỉ tiêu trên, Chương trình hành động trợ giúp phụ nữ khuyết tật giai đoạn 2021-2030 nêu ra các nhiệm vụ và giải pháp. Trong đó có việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ Hội, hội viên, phụ nữ và cộng đồng về thực hiện công tác trợ giúp phụ nữ khuyết tật.
Đẩy mạnh các hoạt động và nâng cao chất lượng hỗ trợ của các cấp Hội. Cụ thể: Từng cấp Hội đẩy mạnh công tác phối hợp, nghiên cứu, rà soát, thống kê và cung cấp các địa chỉ, dữ liệu toàn diện, các chỉ số về bình đẳng giới, thiết lập hệ thống thông tin dữ liệu cập nhật về phụ nữ, trẻ em gái khuyết tật theo từng dạng tật, hoàn cảnh khác nhau… để hoà mạng Địa chỉ nhân đạo quốc gia, bản đồ số (VMAP) của Hội, làm cơ sở đề xuất chính sách cho phụ nữ khuyết tật. Tham mưu, đề xuất, tạo điều kiện, tập trung giúp các hộ gia đình và phụ nữ khuyết tật nghèo có nhu cầu được tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi…
Nâng cao năng lực cán bộ, chất lượng tổ chức Hội. Thực hiện tốt công tác giám sát, phản biện xã hội, đề xuất chính sách, với các giải pháp như: phát huy vai trò đại diện của tổ chức Hội trong tham mưu, đề xuất, xây dựng, thực chính sách an sinh xã hội và lĩnh vực người khuyết tật. Đảm bảo chú trọng lồng ghép giới, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ khuyết tật. Đưa nội dung giám sát việc thực hiện Công ước của Liên hiệp quốc về Người khuyết tật; Cam kết quốc tế liên quan tới phụ nữ khuyết tật mà Việt Nam tham gia; Luật Người khuyết tật; Chỉ thị số 39-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật"; Quyết định số 1190/QĐ-TTg, Quyết định số 753/QĐ-TTg, Quyết định số 622/QĐ-TTg về Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững… của Thủ tướng Chính phủ… vào nội dung giám sát hàng năm của các cấp Hội. Vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ và nhân dân giám sát thường xuyên, phát hiện và phản ánh kịp thời những trường hợp vi phạm pháp luật về người khuyết tật…
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn