Phấn đấu giảm 1/2 số hộ nghèo, cận nghèo trong 5 năm tới

16:50 | 23/07/2021;
Chính phủ vừa trình Quốc hội xem xét Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, trong đó phấn đấu giảm 1/2 số hộ nghèo, hộ cận nghèo trong 5 năm tới.

Việt Nam là  điểm sáng về giảm nghèo trên thế giới

Tiếp tục phiên làm việc, chiều nay 23/7, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung thừa ủy quyền Chính phủ trình Quốc hội về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025.

Theo ông Đào Ngọc Dung, Đảng và Nhà nước ta xác định công tác giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn, quan trọng, nhất quán, xuyên suốt trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước. Kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, đã góp phần hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu Đảng, Quốc hội, Chính phủ đề ra.

Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 9,88% năm 2015 xuống còn 2,75% năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 4%/năm, có hơn 8 triệu người thoát nghèo, cận nghèo; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo cuối năm 2020 giảm xuống còn 23,42%, trung bình giảm 5,4%/năm; có 32 huyện nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, 125 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo đạt chuẩn nông thôn mới. 

"Người nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn nghèo, khó khăn được chú trọng hỗ trợ đào tạo kỹ năng nghề, hỗ trợ sinh kế, có việc làm, nâng cao thu nhập, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin" - ông Dung nhấn mạnh. 

Cũng theo tờ trình, Việt Nam lần đầu tiên và là một trong 30 quốc gia áp dụng chuẩn nghèo đa chiều, bảo đảm mức sống tối thiểu gắn với mục tiêu phát triển bền vững, hoàn thành sớm mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về xoá đói, giảm nghèo, được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng về giảm nghèo trên thế giới. 

"Kết quả trên có ý nghĩa rất to lớn, khẳng định ý chí, quyết tâm cao của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và toàn dân ta trong công cuộc xoá đói, giảm nghèo, thể hiện tính ưu việt và bản chất tốt đẹp của chế độ ta. Để tiếp tục phát huy các thành tựu và khắc phục tồn tại, hạn chế trong công tác giảm nghèo thời gian qua, việc xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trong điều kiện mới là rất cần thiết, cấp bách trong giai đoạn hiện nay" - ông Đào Ngọc Dung nêu rõ.

Chính phủ phấn đấu giảm 1/2 số hộ nghèo, cận nghèo đến 2025 - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung trình bày tờ trình Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững 2021 - 2025. Ảnh: Quochoi.vn

Mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2021 – 2025

- Phấn đấu giảm 1/2 số hộ nghèo, hộ cận nghèo so với đầu kỳ theo tiêu chí nghèo đa chiều của quốc gia; 30% số huyện nghèo, 30% số xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.

- Hỗ trợ thí điểm, phát triển trên 1.000 mô hình giảm nghèo tạo sinh kế, việc làm bền vững, thu nhập tốt, thích ứng với biến đổi khí hậu cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; thu nhập bình quân đầu người của hộ gia đình tham gia dự án tăng ít nhất 25%/năm; bình quân mỗi năm có 500 nghìn hộ gia đình tham gia dự án, mô hình giảm nghèo.

- Tỷ lệ người lao động thuộc vùng nghèo, vùng khó khăn qua đào tạo đạt 60%, trong đó có bằng cấp chứng chỉ là 25%; 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu, được hỗ trợ đào tạo kỹ năng nghề phù hợp.

- Phấn đấu hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo có ít nhất một thành viên trong độ tuổi lao động có việc làm bền vững. Hỗ trợ kết nối việc làm thành công cho ít nhất 100.000 người lao động, trong đó có trên 50% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, vùng nghèo, vùng khó khăn; khoảng 5.700 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

- 90% hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu được tiếp cận sử dụng các dịch vụ viễn thông, internet. 100% cán bộ làm công tác giảm nghèo được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản về quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách, dự án giảm nghèo.

Để thực hiện chương trình, Chính phủ đặt ra 6 dự án và 11 tiểu dự án liên quan đến hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng, phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm và nhà ở, truyền thông và giảm nghèo về thông tin và nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá Chương trình.

Theo Tờ trình, tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025 là 75.000 tỷ đồng. Trong đó: Ngân sách Trung ương: 48.000 tỷ đồng (vốn đầu tư tối thiểu: 20.000 tỷ đồng, vốn sự nghiệp: 28.000 tỷ đồng); Ngân sách địa phương: 12.690 tỷ đồng (vốn đầu tư: 2.200 tỷ đồng, vốn sự nghiệp: 10.490 tỷ đồng); Huy động hợp pháp khác: 14.310 tỷ đồng (vốn đầu tư: 2.600 tỷ đồng, vốn sự nghiệp: 11.710 tỷ đồng). Chính phủ có giải pháp huy động các nguồn lực khác để cùng với nguồn lực ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình hiệu quả.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn