Phản hồi sau bài “Thực hư “bao đậu” lý thuyết thi lấy bằng lái xe máy”: Mời công an điều tra

07:18 | 04/11/2022;
Sau loạt bài “Thực hư “bao đậu” lý thuyết thi lấy bằng lái xe máy”, phóng viên Báo PNVN đã có cuộc làm việc với Sở Giao thông Vận tải Hà Nội. Cơ quan này cho rằng, có một số văn phòng, trung tâm Đào tạo lái xe tự lập nên để tuyển sinh và lừa học viên. Hiện Sở đã làm việc với cơ quan công an để xác minh, làm rõ.
Nhiều văn phòng tuyển sinh "chui"

Ông Lê Ngọc Diễn, Trưởng phòng Quản lý phương tiện và người lái, Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội, cho biết, sau khi tiếp nhận các thông tin, Phòng đã cho kiểm tra, xác minh. "Trung tâm Đào lái xe Hà Nội không nằm trong hệ thống quản lý của Sở GTVT Hà Nội và cũng không được cấp phép đào tạo lái xe", ông Diễn thông tin.

Đối với thông tin "bao đậu" lý thuyết như quảng cáo của nhân viên tư vấn cùng với cam kết đề thi do Sở ra và học viên sẽ biết trước đề, ông Diễn khẳng định: Người quảng cáo không nắm được quy trình thi lý thuyết sát hạch GPLX nói chung, hạng A1 nói riêng. Bởi lẽ, lý thuyết được thi trên máy tính. Sở GTVT Hà Nội cũng không ra đề thi. Đề thi do Tổng cục Đường bộ (Bộ GTVT) chuyển giao và trộn hàng trăm đề với nhau. Thí sinh sau khi nhập số báo danh, câu hỏi sẽ được trộn ngẫu nhiên nên không ai can thiệp, biết trước được. 

"Hơn nữa, phòng máy cũng đặt nhiều camera, quay hết các góc trong phòng nên hầu như không có sự tiếp tay của cán bộ sát hạch. Sở GTVT Hà Nội cũng cương quyết kỷ luật nghiêm nếu sát hạch viên nào vi phạm quy trình", ông Diễn nói.

Ông Diễn cho biết, hiện nay có một số cá nhân, đơn vị tự lập nên văn phòng tuyển sinh. Các trung tâm, văn phòng này thường đưa ra những lời quảng cáo "có cánh" để thu hút học viên như trường hợp bài báo phản ánh về Trung tâm Đào tạo lái xe Hà Nội. Ngoài ra, còn nhiều trung tâm, văn phòng khác nữa quảng cáo, nhận tiền của học viên rồi "biến mất". "Chúng tôi đã làm việc với Công an kinh tế (Công an TP Hà Nội) để xác minh làm rõ hoạt động của các trung tâm này", ông Diễn chia sẻ.

Về câu hỏi: Có hay không các văn phòng, trung tâm tuyển sinh không được cấp phép liên kết với các trung tâm được cấp phép trong tuyển sinh? ông Diễn cho rằng Sở GTVT Hà Nội đã có nhiều văn bản nghiêm cấm tất cả các trường hợp liên kết như vậy. Ngoài ra, Sở cũng có văn bản yêu cầu các trung tâm, văn phòng nếu tuyển sinh thì phải thực hiện đầy đủ thủ tục theo quy định. Phòng Quản lý phương tiện và người lái cũng đã tham mưu cho Giám đốc Sở lên danh sách, rà soát các sân tập lái tự phát, văn phòng tuyển sinh… chuyển cho Thanh tra Sở GTVT Hà Nội kiểm tra xử lý; đồng thời, phối hợp với Sở Thông tin truyền thông Hà Nội đã xác định 18 sân tập lái, 14 văn phòng tuyển sinh không phép. Kết quả xử lý các sân tập, văn phòng tuyển sinh "chui" này như thế nào Sở GTVT sẽ thông báo lại. 

"Người dân có nhu cầu học, thi GPLX các hạng thì nên đến những địa điểm trung tâm thuộc Sở GTVT hoặc nhà nước quản lý, không vào các văn phòng tuyển sinh trá hình, vì dễ bị lừa đảo", ông Diễn khuyến cáo.

Có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Đối với thông tin học viên nộp tiền "bao đậu" lý thuyết nhưng thực tế không được hỗ trợ và thi trượt, luật gia Trần Quốc Tuấn (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng trong vụ việc này có dấu hiệu "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Theo luật gia Trần Quốc Tuấn, dấu hiệu bắt buộc của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là người phạm tội sử dụng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác do mình thực hiện hành vi là gian dối, trái pháp luật. Đồng thời, thấy trước hậu quả của hành vi đó là tài sản của người khác bị chiếm đoạt trái pháp luật và mong muốn hậu quả đó xảy ra. Người phạm tội dùng thủ đoạn gian dối là đưa ra thông tin giả (không đúng sự thật) nhưng làm cho người khác tin đó là thật và giao tài sản cho người phạm tội. Việc đưa ra thông tin giả có thể bằng nhiều cách khác nhau như bằng lời nói, bằng chữ viết (viết thư), bằng hành động và bằng nhiều hình thức khác như giả vờ vay, mượn, thuê để chiếm đoạt tài sản.

Trong vụ việc học viên nộp tiền để "bao đậu" lý thuyết nhưng thực tế nhân viên tư vấn đã gian dối. Bởi lẽ, nhân viên tư vấn biết không thể "bao" đậu lý thuyết, cũng không thể tác động đến các cán bộ coi thi hỗ trợ học viên, thậm chí còn không nghe điện thoại hay trả lời học viên. Tuy nhiên, những nhân viên này vẫn quảng cáo và thu tiền để chiếm đoạt. Đây là sự cố ý và là hành động có chủ đích. Tùy vào tính chất, mức độ và hậu quả nghiêm trọng của hành vi sẽ bị xử lý hành chính hoặc xử lý luật hình sự lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định pháp luật.

Theo luật gia Trần Quốc Tuấn, hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm sẽ bị xử lý hình sự về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Khung hình phạt tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" thì hình phạt tù cao nhất lên đến tù chung thân. "Trong vụ việc này, nếu chỉ chiếm đoạt của một người là 300.000 đồng thì chưa bị khởi tố hình sự. Tuy nhiên, nếu số tiền chiếm đoạt của nhiều người từ 2 triệu đồng trở lên thì sẽ bị khởi tố theo điều 174 Bộ luật Hình sự", luật gia Trần Quốc Tuấn nói.

Ngoài ra, nếu số tiền chiếm đoạt dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản chưa được xoá án tích mà còn vi phạm thì người thực hiện hành vi nêu trên mới phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này. Cơ quan chức năng cũng sẽ xác minh, làm rõ hành vi phạm tội có tổ chức hay thực hiện đơn lẻ để xử lý theo quy định, luật gia Trần Quốc Tuấn thông tin.

Cũng theo luật gia Trần Quốc Tuấn, trường hợp chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự (chiếm đoạt dưới 2 triệu đồng) sẽ bị xử lý hành chính theo quy định tại Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, với mức phạt tiền lên đến 3 triệu đồng. Ngoài ra, người phạm tội còn bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn