Theo chị Mai Thị Huệ, Chủ tịch Hội LHPN huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai), hiện nay, rác thải ngày càng nhiều. Việc xử lý rác thải sinh hoạt ở nông thôn còn nhiều khó khăn. Người dân chủ yếu là đốt rác tại hộ gia đình, vứt rác ra đường, ao, hồ, sông, suối... Vì vậy, việc hướng dẫn hội viên, phụ nữ và nhân dân thu gom, phân loại, xử lý rác thải tại hộ gia đình là cần thiết. Việc tạo ý thức, hình thành thói quen trong mỗi gia đình rất cần được chú trọng, để hội viên vừa bảo vệ môi trường vừa tận dụng nguồn rác thải làm kinh tế.
Theo đó, Hội LHPN huyện Long Thành đã có nhiều mô hình như "Phân loại rác thải tại nguồn vì sức khỏe phụ nữ và cộng đồng", "Tiết kiệm bán rác thải tái chế hỗ trợ phụ nữ và bảo vệ môi trường", "Giảm thiểu túi nylon, bảo vệ môi trường", "Đổi rác thải tái chế lấy quà tặng"...
Qua thời gian triển khai, các mô hình trên đã được nhiều hội viên đồng tình hưởng ứng, được cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận, đánh giá cao. Từ việc thu gom, bán rác thải nhựa, các cơ sở Hội đã tiết kiệm được vốn để mua giỏ tặng hội viên đi chợ, giảm lượng rác thải nhựa dùng một lần. Đặc biệt, Hội đã tiết kiệm được một khoản kinh phí từ mô hình bán rác thải để hỗ trợ phụ nữ và trẻ em nghèo tại địa phương.
"Các cấp Hội trong huyện đã tặng trên 2.500 giỏ nhựa cho hội viên đi chợ, 20 thùng đựng rác, tổng trị giá 140 triệu đồng. Thông qua mô hình "Tiết kiệm bán rác thải tái chế hỗ trợ phụ nữ và bảo vệ môi trường", 14/14 cơ sở Hội triển khai thực hiện, đã tiết kiệm được trên 36 triệu đồng, giúp 94 hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, để hạn chế rác thải nhựa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, Hội đã phát động sử dụng chai nước thủy tinh tại các hội nghị thay chai nhựa. Hiện nay, các cấp Hội đã trang bị 3.000 chai thủy tinh cho cán bộ, hội viên khi tham gia hội họp. Việc sử dụng chai nước thủy tinh thay chai nhựa tại các hội nghị đã góp phần bảo vệ môi trường cũng như tiết kiệm một khoản kinh phí đáng kể", chị Huệ thông tin.
Các mô hình nêu trên vừa giúp người dân nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường, vừa góp phần đảm bảo công tác an sinh xã hội trên địa bàn. Qua thực hiện mô hình, các chị em biết cách và hướng dẫn người thân trong gia đình phân loại rác tại nguồn. Sau nhiều năm thực hiện, mô hình "Tiết kiệm bán rác thải tái chế, hỗ trợ phụ nữ và bảo vệ môi trường" đã có sự lan tỏa. Đây cũng là biện pháp tuyên truyền hữu hiệu, sinh động nhất và phù hợp với thực tiễn cuộc sống hằng ngày của người dân.
Chị Huệ chia sẻ, trong thời gian tới, Hội LHPN huyện Long Thành tiếp tục tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, hội viên, phụ nữ và người dân về thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Đồng thời, vận động, hướng dẫn, tuyên truyền cán bộ, hội viên phụ nữ và cộng đồng tham gia tập trung một số hoạt động thiết thực, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm. Cùng với đó là thực hiện thu gom, phân loại rác sinh hoạt tại hộ gia đình, khu dân cư; phân loại các sản phẩm đã sử dụng làm từ nhựa, bao bì, túi nylon khó phân hủy và vận chuyển đến nơi tái chế, xử lý theo quy định; thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần trong đời sống sinh hoạt và ưu tiên lựa chọn các sản phẩm tái chế, thân thiện với môi trường.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn