Cho ý kiến về dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia được cho là khá “nóng” của nghị trường Quốc hội, khi rất nhiều ý kiến “vênh” nhau. Nhiều đại biểu cho rằng, dự luật trình lấy ý kiến lần này đã “giảm tông” so với lần trước, trong đó nhiều ý kiến góp ý không được đưa vào với lý do đưa ra là thiếu khả thi, không thực tế.
Giữa các quan điểm, dường như đang có xung đột ở một bên là sức khỏe cộng đồng và một bên là ngành sản xuất rượu, bia. Trong khi nhiều đại biểu đề nghị siết chặt hơn với sản xuất thứ đồ uống này thì một số lại cho rằng ngành rượu, bia đang bị đối xử bất công như một tội đồ.
Một số đại biểu, trong đó có bà Phạm Thị Minh Hiền – PGĐ Sở LĐTBXH tỉnh Phú Yên, thể hiện sự thất vọng khi nhiều vấn đề bức xúc đề nghị bổ sung vào luật, chưa được giải quyết thỏa đáng hoặc không đưa vào bổ sung. Đặt mình vào góc tiếp cận của phụ nữ và trẻ em, bà Minh Hiền cho rằng, dự thảo luật lần này chưa thực sự cứng rắn và quyết liệt như bà mong đợi.
Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền đã có cuộc trao đổi rất tâm tư với báo chí về điều này vào chiều 23/5 bên hành lang Quốc hội.
“Nếu khó rồi buông, thì xây dựng pháp luật để làm gì?”
> Thưa bà, cơ quan thẩm tra dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia dường như đang giảm nhẹ một số điều khoản, viện dẫn lý do là nhiều nội dung góp ý không khả thi, thiếu thực tế. Bà có suy nghĩ gì về điều này?
- Mỗi người có cách tiếp cận, quan điểm khác nhau khi góp ý xây dựng luật. Có người tiếp cận quan điểm của Ủy ban thẩm tra, cơ quan soạn thảo. Có người đặt mình vào đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh.
Riêng với Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, trước kỳ họp tôi đã có khảo sát đánh giá, thảo luận nhóm và PV sâu với nhóm trẻ em. Vì luật này tác động trực tiếp đến trẻ em nên tôi đặt mình vào vị trí trẻ em để phân tích.
Tôi không tranh luận nhiều về các góc độ, nhưng ở góc nhìn của tôi, thì tôi có khảo sát thực tế, bên cạnh đó là các báo cáo đánh giá của các tổ chức. Chúng ta không thể làm luật với tư duy như Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá trước đây. Bài học cho thấy là đến bây giờ, luật này có hiệu quả thật sự hay không? Nếu vẫn theo lối xây dựng luật pháp vậy liệu có hiệu quả không, hay chỉ tốn kém hơn mà thôi?
> Quan điểm của bà khi xây dựng luật này là như thế nào?
Bằng các điều khoản, tôi nghĩ rằng phải cứng rắn, phải áp dụng theo lộ trình khi xây dựng luật này, không áp đặt phải thực hiện ngay. Ví dụ đối vơi việc quy định độ tuổi mua rượu bia. Ở các nước phát triển, cho đến giờ, họ vẫn lúng túng trong việc kiểm soát độ tuổi, đặt hàng, mua và giao hàng. Thế nhưng, lúng túng mà người ta vẫn làm vì dự báo được tình hình.
Còn ta thì với tư duy là khó làm thì thôi, không đưa vào luật nữa. Đấy là tư duy rất nguy hiểm trong quá trình xây dựng pháp luật. Theo tôi, với luật này, cần phải cứng rắn, mạnh mẽ, có dự báo trên cơ sở đưa ra lộ trình, có như vậy thì mới dần dần thay đổi được suy nghĩ, nhận thức của người dân trong quá trình sử dụng rượu bia
Nếu thấy rằng khó quá, chúng ta làm chừng mực thôi, cái nào dễ mới làm, khó thì thôi thì xây dựng pháp luật làm gì? Vì suy cho cùng, pháp luật chính là điều chỉnh hành vi của người dân, vào trong một khuôn khổ. Nếu mình mềm quá thì không nên đưa vào luật nữa, tôi nghĩ người dân sẽ đánh giá không cao cơ quan lập pháp.
“Đe dọa tính mạng người dân, là mức báo động cao nhất rồi!”
> Có ý kiến cho rằng dự luật không điều chỉnh được vì thói quen uống rượu, bia là vấn đề truyền thống, thậm chí là văn hóa. Nếu giảm tác hại rượu bia phải thay đổi từ chính tư duy văn hóa chứ không nên kỳ vọng quá vào luật này. Bà đánh giá gì về điều này?
Chúng ta cứ nói đến văn hóa truyền thống mà quên đi thói quen hàng ngày. Có những hành vi được tạo thành từ thói quen. Nhưng có rất nhiều thói quen không hề tốt trong giai đoạn hiện nay, thì rõ ràng chúng ta phải điều chỉnh.
Cứ nói rằng để thay đổi văn hóa rất khó. Tôi thì không nghĩ vậy! Văn hóa là nhận thức, muốn thay đổi thì phải có thời gian, điều này đúng. Nhưng có những vấn đề đặt ra quá cấp bách rồi, chúng ta đừng vin vào chuyện là văn hóa, là truyền thống nữa. Nếu văn hóa truyền thống đó hình thành từ thói quen có hại cho xã hội thì chúng ta phải dùng pháp luật, không thể bác bỏ tính hiệu lực, hiệu quả, cứng rắn của luật ta xây dựng nên được.
Với các nước phát triển, tôi thấy quan điểm làm luật của họ rất cứng rắn. Điều gì mà liên quan đến tính mạng của con người thì phải sử dụng đến luật. Tác hại rượu bia đã đụng chạm đến sưc khỏe, tính mạng, sự phát triển tương lai của quốc gia, của con người, thì không thể nào nói rằng tuyên truyền dần dần được. Đồng ý là trong luật có những quy định về mặt tuyên truyền, nhưng mục tiêu cuối cùng đặt ra là phòng chống tác hại của rượu bia. Vì vậy, phải cứng rắn tỉnh táo trong việc xây dựng luật này.
> Bà kỳ vọng điều gì nhất khi xây dựng luật này?
Tôi rất tâm tư với dự luật này. Vì vậy mới có khảo sát ở nhóm trẻ địa phương, đặt góc tiếp cận từ quyền trẻ em, bảo vệ các nhóm quyền trẻ em, chưa nói đến các đối tượng khác có sự tác động đến luật này.
Trẻ em không hình dung được vấn đề là truyền thống hay văn hóa, một khi là nạn nhân của rượu bia. Nếu mình trong tâm thế của những nạn nhân này thì mình sẽ biết làm gì trong quá trình xây dựng.
Rồi cả phụ nữ - nạn nhân hàng ngày của bạo lực, xâm hại, ốm đau bệnh tật, tai nạn giao thông. Khi tôi đi tư vấn trợ giúp cho nhóm nạn nhân này, phần lớn phụ nữ và trẻ em, bị trút lên mình những bạo lực, xâm hại, bị mất đi những trụ cột gia đình từ các vụ tai nạn giao thông thương tâm, đều xuất phát từ tác hại của rượu, bia.
Chúng ta phải nhìn ở những phương diện này để cứng rắn khi xây dựng luật. Đã là tính mạng của người dân rồi, là mức báo động cao nhất rồi thì ta phải cứng rắn! Không thể nói là văn hóa, truyền thống trong vấn đề liên quan đến sự phát triển sức khỏe, tính mạng của con người được.
> Xin cám ơn bà!