Phản ứng mạnh mẽ của nữ giới trước nạn quấy rối tình dục
09:41 | 26/10/2017;
Hàng triệu phụ nữ đã chia sẻ câu chuyện cá nhân về việc bị quấy rối tình dục và bạo lực tình dục với hashtag #MeToo (Tôi cũng thế). Phó Tổng Thư ký LHQ, Tổng Giám đốc UN Women toàn cầu Phumzile Mlambo-Ngcuka đã lên tiếng ủng hộ chiến dịch này.
Khi chuyện ông trùm Hollywood Harvey Weinstein vẫn gây bão tại Hollywood, một phong trào mới được xướng lên khuyến khích nạn nhân bị quấy rối cất lên tiếng nói. "Me too (Tôi cũng thế)" hiện trở thành từ khóa biểu tượng cho phong trào này.
Khởi đầu cho làn sóng này là lời kêu gọi của nữ diễn viên Alyssa Milano trên mạng xã hội Twitter. "Nếu bạn từng bị quấy rối hay xâm hại tình dục, hãy đáp lại dòng tweet này bằng lời chia sẻ Me Too - Tôi cũng thế. Chúng ta cần giúp mọi người nhận thức được mức độ nghiêm trọng của vấn nạn này ".
Ngay lập tức, làn sóng hashtag #MeToo đã bùng nổ từ ca sĩ Lady Gaga, Sheryl Crow hay diễn viên Anna Paquin cùng nhiều người nổi tiếng khác. Lời kêu gọi đã được đáp lại như một cách để mọi người thấy được tầm nghiêm trọng của vấn đề quấy rối và xâm hại tình dục. Tiếng nói của người nổi tiếng đã tạo động lực cho những người khác dũng cảm công khai câu chuyện "Tôi cũng thế" của mình với hy vọng góp phần tạo nên sự thay đổi.
Từ khóa #MeToo ngay lập tức trở thành xu hướng nổi bật trên Twitter và thậm chí một vài nạn nhân là nam giới cũng lên tiếng. Hàng triệu phụ nữ khác cũng đã chia sẻ câu chuyện cá nhân về việc bị quấy rối tình dục và bạo lực tình dục. Làn sóng "Me Too - Tôi cũng thế" đã tạo nên một vòng tròn đoàn kết để nhiều nạn nhân biết rằng họ không cô đơn. Bằng cách cất lên tiếng nói của mình, họ đang tạo ra một thứ vũ khí mạnh mẽ chống lại vấn nạn này.
Sự kiện này thể hiện tính cấp thiết phải tìm kiếm một tiếng nói chung và cả quy mô của các cuộc tấn công tình dục mà trước đây không hề được biết đến. Góp tiếng nói mạnh mẽ, bà Phumzile Mlambo-Ngcuka, Phó Tổng Thư ký Liên hợp uốc, Tổng Giám đốc Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) đã có bài phát biểu đanh thép về #MeToo.
Dưới đây là toàn văn bài phát biểu của bà Phumzile:
“Những người đàn ông tốt không nên là những khán giả im lặng: Liệu sự phản đối kịch liệt của công chúng có thể chấm dứt đặc quyền tàn nhẫn được miễn truy cứu trách nhiệm của thủ phạm quấy rối và bạo lực tình dục?
Mạng xã hội tuần qua đã được phủ kín với nỗi đau và sự tức giận của hơn một triệu người đăng bài với hashtag #MeToo (Tôi cũng thế) kể về những câu chuyện cá nhân liên quan đến việc bị quấy rối hoặc tấn công tình dục.
Cuộc diễu hành ảo của tình đoàn kết này thể hiện tính cấp thiết phải tìm kiếm một tiếng nói chung và cả quy mô bị che giấu của các cuộc tấn công tình dục mà trước đây không hề được biết đến. Khi phụ nữ gần như vô hình, khi họ không thực sự được nhìn thấy, dường như mọi người không quan tâm đến những gì xảy ra với họ.
Sự phản đối trực tuyến này rất quan trọng vì nó mang lại tiếng nói cho những hành động quấy rối tình dục công khai nhưng lại bị chìm trong im lặng và bị vô hiệu hóa bởi các quy ước xã hội. Việc có khả năng quấy rối một cô gái hoặc một người phụ nữ mà không bị trừng phạt là một đặc quyền tàn nhẫn, nhưng trong nhiều trường hợp đây lại là điều bình thường. Những gì chúng ta đang chứng kiến xác nhận tính đúng đắn của việc phải lên tiếng khi phụ nữ cùng xây dựng và hỗ trợ lẫn nhau, còn nam giới thì tham gia thừa nhận vai trò của mình. Chúng ta cũng thấy sức mạnh của những con số tích lũy từ những trải nghiệm cá nhân bị dồn nén không được công bố.
Khi rất nhiều phụ nữ kể lại câu chuyện của mình, chúng ta bắt đầu thấy hình ảnh thực sự của cuộc sống. Những chỉ trích ngày càng gia tăng đã chứng tỏ sự sai trái vô bờ bến của một nền văn hóa im lặng tạo điều kiện cho nhiều người trở thành thủ phạm mà không bị trừng phạt.
Làn sóng trực tuyến cũng hưởng ứng những phong trào khác thể hiện hành động đoàn kết của phụ nữ: các cuộc tuần hành "ni una menos" của người Mỹ Latinh để phản đối bạo lực đối với phụ nữ và đặc biệt đối với những người có ít đặc quyền nhất; những cuộc tuần hành của phụ nữ diễn ra trên khắp thế giới vào đầu năm nay để ủng hộ các quyền của phụ nữ và các quyền tự do khác; và các cuộc tuần hành tại Ba Lan và Ireland chống lại các quy định cấm phá thai.
Sự im lặng bao trùm cũng đã bảo vệ những kẻ tấn công vào các cộng đồng đồng tính, song tính, chuyển giới và liên giới tính (LGBTI) và những người dễ bị tổn thương khác chỉ vì họ thuộc dân tộc thiểu số, sống trong nghèo đói, hoặc tuổi tác khác biệt. Những phụ nữ này là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất, ít được nhận thấy nhất và là những người nhận được nhiều nhất từ sức mạnh của tiếng nói tập thể tạo nên áp lực và sự thay đổi văn hoá. Sau tất cả, chính Tarana Burke, người tổ chức cộng đồng tại New York hoạt động vì những phụ nữ trẻ da màu khởi nguồn phong trào “Me Too”, và bạn của cô ấy, Alyssa Milano, là những người đã biến phong trào này thành hiện thực và trở thành chất xúc tác cho hàng tỉ người được tiếp cận với thông điệp của phong trào.
Sự tham gia đầy đủ và tự do của phụ nữ trong xã hội, chính trị, và tại nơi làm việc là rất cần thiết cho tiếng nói của phụ nữ được lắng nghe và các quyền của họ được tôn trọng. Càng nhiều phụ nữ có vai trò lãnh đạo trong các lĩnh vực công và tư, sẽ càng có nhiều cơ hội để thay đổi nền văn hoá tồn tại sự vô hình và miễn truy cứu trách nhiệm đối với thủ phạm, nơi mà phụ nữ trở thành con mồi cho những người đàn ông có quyền lực hơn. Các hành vi quấy rối tình dục và các hình thức quấy rối khác tại nơi làm việc, trong gia đình và nơi công cộng là không thể chấp nhận được và không thể bị lờ đi.
Sự dửng dưng thờ ơ và việc mọi người nói "không có gì" đối với các hành vi quấy rối và tấn công tình dục cần phải chấm dứt. Số lượng nam giới tham gia vào chiến dịch này (30%, theo một báo cáo) là rất hứa hẹn nhưng vẫn chưa đủ. Sự che đậy một cách ngang nhiên và các sự việc được coi là bình thường đã tồn tại quá lâu. Đây chính là lúc cả phụ nữ và nam giới cần thay đổi phản ứng của họ đối với các hành vi tấn công tình dục và cùng đoàn kết hành động để các hành vi đó trở nên rõ ràng và không thể dung thứ. Những người đàn ông tốt không nên là những khán giả im lặng.
Tất cả phụ nữ cần được trao quyền để lên tiếng, quyền và cơ thể của họ phải được tôn trọng, và những hành vi được thiết lập và được coi là bình thường phải bị định tội. Chúng ta không thể chấp nhận tình trạng miễn truy cứu trách nhiệm của thủ phạm thêm nữa!
Chúng tôi bày tỏ sự khâm phục hàng nghìn phụ nữ đã và đang đấu tranh chống lại tất cả các hình thức vi phạm quyền con người của phụ nữ và trẻ em gái và kêu gọi các nguồn đầu tư mới cho cuộc đấu tranh chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ trên toàn thế giới”.