Pháp lo tái diễn thảm kịch 15.000 người chết khi nắng nóng lên tới 45,9 độ C

22:43 | 29/06/2019;
Người dân Pháp đang gồng mình trong đợt nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao kỷ lục lên tới 45,9 độ C. Ngày càng có nhiều cuộc gọi yêu cầu cấp cứu do những bệnh liên quan đến nắng nóng. Nước này lo sợ thảm kịch quay trở lại như năm 2003, mức nhiệt 44,1 độ C đã làm 15.000 người chết.
phap-nong-ky-luc-3.jpg
Pháp và châu Âu đối mặt với nắng nóng kỷ lục

 

Nước Pháp ghi nhận nhiệt độ cao kỷ lục mới ở nước này từ trước tới nay, với nhiệt độ 45,9 độ C được ghi nhận ở miền Nam nước này. Cơ quan khí tượng quốc gia Pháp đã đưa ra lệnh báo động đỏ chưa từng có cho 4 khu vực miền Nam nước Pháp là Gard, Vaucluse, Hérault và Bouches-du-Rhône. Mức nhiệt cao kỷ lục đã được ghi nhận ở làng Gallargues-le-Montueux. Phần còn lại của đất nước hầu hết nằm ở mức cao thứ hai trong thang báo động, báo động cam.
 
Chính phủ Pháp vừa gửi thông điệp khẩn cấp kêu gọi người dân Pháp tạm quên việc thi cử, đến bể bơi tắm mát và ăn uống đầy đủ trong bối cảnh một đợt nóng sắp sửa thiêu đốt châu Âu với nền nhiệt dự báo sẽ tăng từ 6 - 16oC trên mức bình thường do các luồng khí nóng sa mạc tại Tây Ban Nha và Sahara tràn về. Đi kèm với nóng là bụi siêu mịn PM 2.5 trong không khí. Bụi siêu mịn PM 2.5 có thể gây viêm nhiễm đường hô hấp và làm tăng nguy cơ tử vong ở những người mắc bệnh ung thư phổi và bệnh tim.
 
4.000 trường học tại Pháp đã phải đóng cửa trong khi các biện pháp hạn chế sử dụng nước cũng đã được áp dụng. Giới chức Pháp đã hoãn kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia dự kiến diễn ra vào ngày 28/6, lắp đặt đài phun nước tạm thời và hồ nước di động ở các khu dân cư đông đúc, mở cửa công viên lớn qua đêm và bể bơi đến 22h30, phát 5.000 chai nước uống cho người vô gia cư, lập trên 900 "phòng làm mát" cho cư dân. Các hoạt động trên được triển khai với hy vọng, có thể ngăn chặn được số người thiệt mạng khủng khiếp vào đợt nóng kỷ lục năm 2003 khi chỉ trong 2 tháng 7 và 8, có đến 70.000 người khắp châu Âu tử vong liên quan đến nắng nóng. Mức nhiệt kỷ lục từng được ghi nhận là 44,1 độ C  đã giết chết 15.000 người Pháp.
 
Bộ trưởng Y tế Agnès Buzyn cho biết, bà rất lo ngại khi ngày càng có nhiều cuộc gọi yêu cầu cấp cứu do những bệnh liên quan đến nắng nóng. Nguy cơ ngã bệnh đối với người già và trẻ nhỏ do nắng nóng đang tăng cao. Bộ trưởng cũng kêu gọi người dân không nên có những “hành vi nguy hiểm” như để trẻ em ở trong xe hơi hay tập thể dục dưới nắng. Chính Thủ tướng Edouard Philippe cho biết tình trạng đuối nước đang diễn ra mỗi ngày và nói rằng tình trạng nắng nóng đã khiến cho mọi người “chấp nhận rủi ro”.
 
 
phap-nong-ky-luc-5.jpg
Nhiều người già được hỗ trợ y tế khẩn cấp

  

Người Pháp vẫn còn ám ảnh về đợt nóng lịch sử năm 2003 khiến hàng ngàn người thiệt mạng trên toàn quốc và tại Paris số người chết nhiều đến nỗi nhà xác không còn chỗ chứa. Tình trạng nắng nóng đã buộc nhà chức trách Pháp đặt tất cả các đơn vị y tế và cứu hoả trong tình trạng báo động, nhằm trợ giúp dân chúng và đối phó với nạn cháy rừng.
 
Năm nay, Paris đã chuẩn bị sẵn kế hoạch khẩn cấp. Nhiều người dân Paris, đặc biệt là các gia đình có con nhỏ đã tìm cách trốn nắng tại sân chơi các tòa nhà thay vì ra công viên như thường lệ. Người già và người sống đơn độc là những đối tượng đáng lo ngại nhất. Vì vậy, chính quyền sẽ lập các đường dây nóng và các "phòng mát" trong các tòa nhà công khắp thành phố để phục vụ người dân trong khoảng từ 14h đến 18h hằng ngày.
 
 
phap-nong-ky-luc-4.jpg
Cách tránh nóng ở thủ đô Paris

  

Thị trưởng Paris Anne Hidalgo cho biết, 8 hồ bơi lớn trong thành phố sẽ vẫn mở cửa sau 22h đêm và cho phép người dân bơi tại hồ Bassin de la Villette. Thành phố cũng lập thêm 3 hồ bơi ngoài trời tạm thời tại những khu vực thu nhập thấp để người dân bơi miễn phí. Bà Hidalgo nói sẽ mở cửa 13 công viên lớn vào ban đêm trong đợt nóng và mở thêm 5 công viên nữa nếu thời tiết nóng kéo dài. Nhiệt độ trong công viên thường thấp hơn 1-2 độ C so với các khu vực còn lại của thành phố. Với những người vô gia cư, gồm những người nhập cư sống theo nhóm bên dưới các cây cầu hoặc bên đường, Paris sẽ cung cấp khoảng 5.000 bình nước và lắp đặt thêm 1.000 vòi nước uống tại thành phố. Các nhân viên của thành phố cũng tăng cường kiểm tra khắp Paris để hỗ trợ người vô gia cư. Paris cấm hơn một nửa ô tô lưu thông nhằm giảm ô nhiễm không khí, các thành phố Lyon, Strasbourg và Marseille cũng hạn chế giao thông.
 
 
bassin-de-la-villette.jpg
Bể bơi miễn phí cho người dân

  

Tổ chức Khí tượng Thế giới ở Geneva (Thụy Sĩ) cho hay, 2019 sẽ là một trong những năm nóng nhất thế giới và 2015 - 2019 sẽ là khoảng 5 năm nóng nhất được ghi nhận. Không chỉ Pháp mà còn rất nhiều địa phương khác ở châu Âu đang đối diện với cái nóng tương tự. Nhiệt độ ở châu Âu tiếp tục được dự báo tăng cao trong vòng 3 ngày tới. Đức, Ba Lan và Cộng hoà Séc đều đã ghi nhận mức nhiệt tháng 6 cao kỷ lục. Ở Tây Ban Nha, lính cứu hỏa đang chiến đấu với những trận cháy rừng tồi tệ nhất trong 20 năm. Còn tại Ý, bộ y tế nước này đã báo cáo mức độ nóng khẩn cấp ở 16 thành phố.
 
 
chau-au-nong.jpg
Báo động đỏ toàn châu Âu do nắng nóng và nguy cơ cháy rừng

  

Tiến sĩ Dim Como, chuyên gia về biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan ở Đại học Amsterdam, nói: "Do biến đổi khí hậu toàn cầu, các dạng nắng nóng bất thường có thể xảy ra thường xuyên và khủng khiếp hơn". Theo Đài Euronews, gần 1.400 vụ cháy rừng đã xảy ra ở châu Âu trong năm 2019, cao gấp nhiều lần so với 174 của trung bình 10 năm qua.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn