Pháp - mục tiêu dễ dàng với khủng bố
Có 84 người chết ở thành phố Nice, miền Nam nước Pháp đêm 14/7 khi kẻ tấn công lao xe tải vào đám đông đang tổ chức kỉ niệm ngày Quốc khánh. Hắn di chuyển điên cuồng nhằm giết hại càng nhiều người càng tốt, đồng thời xả súng vào đám đông vô tội. Đây lại là vụ khủng bố tiếp theo trong một loạt các vụ khủng bố ở Pháp, bắt đầu từ vụ xả súng tại toà báo Charlie Hebdo ngày 7/1/2015. Chưa có ai lên tiếng nhận trách nhiệm vụ tấn công trong khi những kẻ ủng hộ nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng rầm rộ tung hô ăn mừng vụ tấn công này trên mạng xã hội. Nếu thực sự một nhóm khủng bố đứng sau cuộc thảm sát này, đây sẽ là tấn công khủng bố đẫm máu thứ 2 nhằm vào nước Pháp trong năm 2016 và thứ 3 kể từ tháng 1/2015. Câu hỏi đặt ra là tại sao nước Pháp lại trở thành mục tiêu hàng đầu của khủng bố như vậy?
Bức ảnh ám ảnh trong vụ tấn công ở Nice: Thi thể một em nhỏ nằm trên phố, bên cạnh búp bê |
Theo Business Insider, trong loạt vụ tấn công cướp mạng sống của 130 người ngày 13/11/2015, nhóm hung thủ dùng súng và bom ở nhiều địa điểm khắp Paris, trong đó có sân vận động Stade de France và nhà hát Bataclan, dẫn tới một cuộc rà soát tại sao Pháp lại trở thành mục tiêu hàng đầu của các nhóm khủng bố. Các nhân chứng ở Bataclan kể rằng, các tay súng hô lớn bằng tiếng Pháp: "Đây là vì tất cả những tổn hại mà Hollande gây ra đối với người Hồi giáo trên toàn thế giới!". Ngoài ra, trong thông báo tuyên bố nhận trách nhiệm về vụ tấn công này, IS gọi Paris là “thủ đô của gái mại dâm và sự trụy lạc”. Nhóm thánh chiến này cũng nói rằng Pháp và “tất cả những quốc gia đi theo con đường của Pháp” đều đứng đầu trong danh sách mục tiêu tấn công của IS.
Dưới thời Tổng thống Francois Hollande, Pháp thực hiện những cuộc không kích đầu tiên nhắm vào các mục tiêu IS ở Syria vào tháng 9/2015. Không chỉ IS, Pháp cũng là mục tiêu “nổi bật” hơn của các nhóm cực đoan. Trang Business Insider dẫn lời chuyên gia Will McCants về khủng bố nhận định, vụ tấn công hồi tháng 11/2015 có thể là một lời cảnh báo rõ ràng đối với Pháp là phải ngừng tấn công ở Syria.
Dưới thời Tổng thống Francois Hollande, Pháp thực hiện những cuộc không kích đầu tiên nhắm vào các mục tiêu IS ở Syria vào tháng 9/2015. Không chỉ IS, Pháp cũng là mục tiêu “nổi bật” hơn của các nhóm cực đoan. Trang Business Insider dẫn lời chuyên gia Will McCants về khủng bố nhận định, vụ tấn công hồi tháng 11/2015 có thể là một lời cảnh báo rõ ràng đối với Pháp là phải ngừng tấn công ở Syria.
Nỗi kinh hoàng của người dân Pháp |
Theo nhận định của George Packer, phóng viên quốc tế của báo The New Yorker, những căng thẳng xung quanh cộng đồng Hồi giáo ở Pháp bị dồn nén lâu cũng là một môi trường để khủng bố tận dụng. Bối cảnh căng thẳng xuất phát giữa một số người Pháp nhập cư từ nước châu Phi Algeria và một bộ phận người Pháp bản địa. Trong bài viết có tựa đề "Một nước Pháp khác", ông đã đặt ra câu hỏi liệu các vùng ngoại ô của Paris có đang là "cái nôi của khủng bố" hay không. Paris có lẽ cũng là địa bàn để IS tuyển mộ tân binh hiệu quả hơn so với nhiều thành phố ở một số các nước phương Tây khác. Học giả Andrew Hussey chuyên nghiên cứu về Paris cho biết: “Những đữa trẻ ở các vùng ngoại ô lên lớn giữa đầy rẫy tệ nạn như nghiện ngập, gái điếm, xã hội đen và cả những vấn đề phức tạp của Hồi giáo… Chúng bị cô lập với bên ngoài và phải tự nhận thức một cách đau đớn rằng chúng khác với những người da trắng gốc gác ở nước Pháp”
Xe tải - Hung thần ám ảnh
Có một điểm chung của các vụ khủng bố: Thường tập trung vào các ngày lễ lớn hoặc có đông người tụ tập. Trong vụ khủng bố ở Paris, lực lượng khủng bố chọn ngay đêm đội tuyển bóng đá quốc gia thi đấu. Ở Nice, vụ khủng bố diễn ra đúng vào ngày Quốc khánh, một trong những ngày quan trọng nhất trong năm của dân Pháp. Ngày này được coi như biểu tượng của nước Pháp về tự do. Vụ tấn công rõ ràng được coi là nhắm vào biểu tượng này, giống các vụ tấn công khủng bố trước. Ở Parris, các mục tiêu tấn công nhắm vào địa điểm nơi mọi người thường đến tụ tập và giao lưu với nhau. Vụ tấn công toà báo Charlie Hebdo được coi là nhắm tới biểu tượng của tự do báo chí ở Pháp.
Những người vô tội hứng chịu thảm sát |
Sau Charlie Hebdo và Paris, nước Pháp lại đang đương đầu với những thách thức khủng bố mới, phức tạp hơn. Các vụ đâm xe tấn công khủng bố hàng loạt có xu hướng gia tăng. Các nhóm khủng bố nước ngoài đã sử dụng các hình thức tấn công dùng các loại xe (hoặc xe bình thường hoặc đã được độ lại phục vụ mục đích tấn công) để lao vào các đám đông, tòa nhà cùng các phương tiện khác. Sở dĩ phương thức tấn công này đang trở nên phổ biến nhiều hơn vì dạng thức tấn công bằng xe đâm húc giúp những kẻ khủng bố vốn hạn chế về thuốc nổ cũng như vũ khí có điều kiện tiến hành một cuộc tấn công với yêu cầu tối thiểu về đào tạo cũng như kinh nghiệm. Dạng thức tấn công này cũng hay được những kẻ khủng bố kiểu "sói cô đơn", những kẻ vốn không hoạt động trong một phong trào hay tổ chức nào cụ thể, tận dụng.
Nước Pháp cách đây 2 năm từng liên tiếp chứng kiến 2 vụ ô tô chủ đích lao nhanh, đâm vào người đi đường - như những gì xảy ra trong thảm kịch tại Nice. Trong vụ đầu tiên, một tài xế lái xe tải đã hét lên "Allahu Akbar" (Chúa trời vĩ đại nhất) khi điều khiển chiếc xe ô tô đâm vào những người đi đường tại thành phố Dijon, khiến 13 người thiệt mạng vào tháng 12/2014. Kẻ tấn công có lịch sử bệnh tâm thần, đã trải qua 150 lần điều trị trong suốt 13 năm. Vụ việc với kịch bản tương tự đã diễn ra chỉ một ngày sau đó. Người đàn ông lái chiếc xe van màu trắng hiệu Peugeot cố tình đâm vào những người đang đi mua sắm tại một khu chợ Giáng Sinh được tổ chức ngoài trời ở thành phố Nantes, khiến một người thiệt mạng và 9 người khác bị thương. Sau khi gây án, hắn đã dùng dao tự đâm mình nhiều lần. Bọn tội phạm cũng đã từng dùng các xe lao vào một tòa nhà có cổng khóa, sau đó kích nổ bom tấn công, giống như vụ tấn công xảy ra ngày 26/6/2015 ở Saint-Quentin-Fallavier, gần thành phố Lyon (Pháp) làm 2 người bị thương.
Xe tải - Hung thần khủng bố |
Cả IS và al-Qaeda đều nhiều lần công khai lên tiếng "vẽ đường" cho những kẻ ủng hộ chúng dùng ô tô làm phương tiện thực hiện các vụ tấn công khủng bố. IS từng tung video hướng dẫn những kẻ thánh chiến nói tiếng Pháp: "Nếu không thể tới Syria hay Iraq, thì hãy thể hiện sự trung thành tại nơi các ngươi sống - hãy thề trung thành ở Pháp... Hãy hoạt động bên trong nước Pháp. Vũ khí và ô tô đã có ở đó và luôn sẵn sàng có mục tiêu tấn công. Ý tưởng sử dụng xe bản tải làm máy xén cỏ không phải để xén cỏ, mà để diệt những kẻ thù của Allah".