Phát điên vì từ chủ nợ trở thành con nợ

18:48 | 02/07/2018;
Đang lúc ăn nên làm ra thì cháu phải nghỉ việc sinh con. Tính hay lam hay làm, tham công tiếc việc nên sau 1 tháng nghỉ đẻ, cháu mở sạp hàng bán hoa quả tại nhà để tiện chăm nom con nhỏ. Nhờ vào mối làm ăn quen biết từ trong Nam nên giá cả phải chăng, hàng bán chạy...

Tiếng người phụ nữ trong điện thoại rất điềm đạm. Chị mong muốn Thanh Tâm đưa câu chuyện của con dâu chị lên báo để tiếp tục rung hồi chuông cảnh tỉnh những người vẫn mê muội đuổi bắt lãi suất cao.

2011092911300457a3eb.jpg
Ảnh minh họa

 

“Con dâu tôi đảm đang, tháo vát. Cháu buôn bán ngược xuôi, lên Thái Nguyên mua chè búp, măng rừng, bồ kết về đổ cho các cửa hàng ở chợ huyện. Có dạo, cháu vào Nam buôn bán hoa quả, toàn xoài tượng, sầu riêng, măng cụt, mãng cầu, chôm chôm. Buôn bán hoa quả thì nặng nhọc nhưng lãi nhiều hơn.

 

 

Tôi ra phụ giúp cháu một tay. Một tối vãn khách, cháu nói với tôi: “Mẹ ơi, con có người bạn kinh doanh khách sạn trên Hà Nội, bạn ấy cần vốn làm ăn nên con muốn góp vốn với bạn ấy”. Con tôi bảo lãi suất ban đầu người ta trả luôn, nếu góp 1 tỉ đồng thì trả ngay 300 triệu đồng, tiền đẻ ra tiền tội gì mà không làm. Nghe con nói, tôi bán tín bán nghi, liền bảo cháu: “Con tính cho kỹ kẻo bị lừa thì khốn”. Nó quay sang bảo tôi là tôi yếu bóng vía, thiếu đức tin. Nghe vậy, tôi nổi giận, tự ái nên không muốn tham gia góp ý, ngăn cản.

 

Thế rồi, cháu lôi kéo được dì ruột, anh em họ hàng bên ngoại góp vào tất cả được 1 tỉ đồng. Quả thật, cô bạn ấy thối lại cho con dâu tôi 300 triệu đồng. Vì tham lãi cao nên con dâu tôi gửi luôn 300 triệu đồng để lấy lãi 30%/năm. Cháu còn đi vay bạn bè, trả lãi 20%, còn mình ăn rưng 10%, hơn đứt việc ngồi bán hoa quả.

 

Từ đó, cháu bỏ bê việc buôn bán, thậm chí còn đưa cả sổ đỏ đi thế chấp ngân hàng để vay tiền hùn vốn với bạn. Chồng tôi là thương binh hạng 3, mỗi tháng được hơn 2 triệu đồng tiền ưu đãi người có công, ông cóp nhặt mua được 5 chỉ vàng gửi vào két sắt của con dâu. Có ngờ đâu, con dâu đem bán mà không hỏi ý kiến bố.

 

Chủ nợ vẫn tiếp tục trả lãi trước 1 năm, thế là người người, nhà nhà đua nhau mang tiền đến để cho vay. Kể cả cụ già buôn mấy mớ rau, quả trứng bòn nhặt từng đồng tiền lẻ, tích cóp được 5 triệu, 7 triệu đồng cũng rủ nhau mang đến cho vay.

 

1 năm sau, đến ngày thanh toán lãi, các con nợ đến nhà bạn con dâu tôi chờ, ai nấy đều hớn hở, trò chuyện rôm rả. Xong chờ mãi chẳng thấy ai ra mở cổng. Có cụ già hàng xóm thấy đoàn người mỗi ngày một đông, ra hỏi rồi bảo: “Hôm chủ nhật, tôi thấy gia đình này thuê ô tô tải chuyển đồ đạc đi đâu không rõ”. Mọi người tá hỏa đi trình báo công an, cho người lên Hà Nội xem họ có ở khách sạn không. Tới nơi thì ôi thôi là địa chỉ ma, chẳng có khách sạn nào hết.

 

Từ hôm đó, con dâu tôi phát điên. Nó lôi thuốc diệt cỏ ra uống, may mà được cấp cứu kịp thời nên không ảnh hưởng đến tính mạng. Hàng ngày, tôi phải động viên cháu: “Còn người còn của. Con phải nghĩ tới 2 đứa nhỏ, thiếu vắng mẹ nó sống ra sao? Nói dại, con có bề nào, chồng con còn trẻ, đời nào ở vậy. Như vậy, các con của con phải chịu cảnh dì ghẻ con chồng, con có thấy khổ không? Mẹ già rồi, không thể sống mãi mà chăm nom cháu được”.

 

Khổ nỗi, ngày nào cũng có người đến nhà tôi đòi nợ. Con tôi từ chủ nợ trở thành con nợ. Rất may, cháu có anh trai đi lao động nước ngoài gom góp được ít tiền đứng ra thanh toán nợ hộ cháu. Dì ruột của cháu thì công bố “500 triệu đồng của dì cho con nợ, bao giờ có thì trả dì”. Thế nên tinh thần cháu đã dần dần ổn định, cháu lại tiếp tục buôn bán hoa quả.

 

Qua sự việc này, tôi mong mọi người đừng tham làm giàu bằng con đường cho vay nặng lãi vì lãi chẳng thấy đâu, mà dễ mất mạng trong phút chốc”.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn