Ngày 27/3, tại Hà Nội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) và Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) đã tổ chức cuộc thi “Thiết kế Bộ nhận diện Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới”.
Cuộc thi được tổ chức nhằm kêu gọi phát triển các ý tưởng sáng tạo trong thiết kế và xây dựng một bộ sản phẩm truyền thông mẫu để sử dụng cho các tài liệu truyền thông, sự kiện hưởng ứng tháng hành động về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới.
Phát biểu tại lễ phát động, ông Phạm Ngọc Tiến - Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh: “Chúng tôi hy vọng qua cuộc thi sẽ có được một Bộ nhận diện các sản phẩm truyền thông cho Tháng hành động đầy đủ, thống nhất, chuyên nghiệp, đẹp, hấp dẫn, có khả năng truyền tải các thông điệp và đặc biệt là dễ sử dụng trong các sự kiện của Tháng hành động và các tài liệu liên quan đến bình đẳng giới trên cả nước”.
Đối tượng tham gia cuộc thi là tất cả các công dân Việt Nam, cá nhân hoặc tập thể từ 18 tuổi trở lên. Các tác phẩm dự thi sẽ lan tỏa các thông điệp: Bình đẳng giới là chìa khóa để chấm dứt bạo lực giới; hành động để chấm dứt bạo lực với phụ nữ và trẻ em; hãy hành động - đó có thể là người thân của bạn; hãy lên tiếng khi bạn bị lạo lực; chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương; đừng vung tay, hãy cầm tay; không đổ lỗi cho nạn nhân.
Về yêu cầu thiết kế, bộ tài liệu mẫu phải làm nổi bật logo đang được sử dụng của Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, trong đó kết hợp màu cam (đã được Liên hợp quốc lựa chọn làm màu biểu tượng cho chiến dịch toàn cầu về xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái) và ruy băng màu trắng (biểu tượng của chiến dịch truyền thông của nam giới nhằm kêu gọi xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái trên toàn thế giới). Mẫu thiết kế dễ sử dụng trên các chất liệt khác nhau, khuyến khích sử dụng trên các vật liệu tái chế, thân thiện với môi trường.
Số lượng bài thi của mỗi thi sinh là không giới hạn; tuy nhiên, mỗi bài dự thi phải bao gồm đầy đủ các sản phẩm và định dạng theo yêu cầu. Thời gian nộp bài dự thi từ ngày 27/3 đến ngày 15/5/2019. Cuộc thi có một giải nhất trị giá 50 triệu đồng và hai giải phụ, mỗi giải trị giá 5 triệu đồng để khuyến khích các ý tưởng sáng tạo và sự tham gia của các nhóm yếu thế. Lễ công bố kết quả cuộc thi sẽ tổ chức vào ngày 27/6/2019.
Thông tin chi tiết cề cuộc thi có thể tham khảo tại: http://genic.molisa.gov.vn hoặc http://molisa.gov.vn.
Bà Astrid Bant - Trưởng Đại diện Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam nhấn mạnh: “Chúng tôi hoan nghênh những ý tưởng mới mẻ và sáng tạo để có được một bộ nhận diện các sản phẩm truyền thông được sử dụng rộng rãi, hướng tới một đất nước Việt Nam thịnh vượng, bền vững và an toàn cho tất cả mọi người, nơi tất cả phụ nữ được đối xử bình đẳng và tôn trọng”.
Theo bà Astrid Bant, thông tin cuộc thi nên được phổ biến rộng rãi để thu hút sự quan tâm của công chúng và huy động sự tham gia của của các nhóm dân tộc thiểu số, người khuyết tật, cộng đồng người đồng tính-song tính-chuyển giới-liên giới tính (LGBTI) thông qua các kênh truyền thông khác nhau như báo chí, mạng xã hội… Bên cạnh đó, gói truyền thông của chiến dịch nên được đổi mới để thay đổi suy nghĩ và hành vi, đặc biệt là nam giới theo hướng bình đẳng giới; thách thức các chuẩn mực văn hóa truyền thống và định kiến giới, trong đó củng cố các thái độ và hành vi bạo lực của nam giới; tạo môi trường thuận lợi và hỗ trợ cho phụ nữ Việt Nam đứng lên và đưa ra tiếng nói của mình, khiến các thủ phạm cảm thấy xấu hổ và lo sợ khi gây ra bạo lực với bạn tình, đồng nghiệp, phụ nữ và trẻ em gái trên đường phố.
Còn bà Rah Mi Hye - Phó Giám đốc quốc gia Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tại Việt Nam chia sẻ, cuộc thi là một trong những hành động quan trọng để giúp nâng cao nhận thức của công chúng về việc phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới. Theo bà Rah Mi Hye, để đảm bảo phụ nữ được hưởng đầy đủ các quyền của họ và phát huy tối đa các tiềm năng của mình, cần phải có các hình thức bảo vệ về mặt pháp lý. Cần tạo ra những thay đổi tích cực nhằm mang lại an ninh, ổn định và thịnh vượng, sức khỏe, tri thức và nâng cao năng lực cho phụ nữ và trẻ em Việt Nam.