Ngay trước thềm khai mạc Đại lễ Phật đản – Liên hợp quốc Vesak 2019 (diễn ra vào sáng 12/5), trao đổi nhanh với Phóng viên Báo PNVN, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Trưởng ban Thường trực Ban tổ chức Đại lễ cho biết:
Nhìn lại quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam, chúng ta vui mừng trước những đóng góp tích cực, chủ động, có trách nhiệm của Việt Nam với cộng đồng quốc tế đã được Liên hợp quốc ghi nhận và đánh giá cao. Việc Việt Nam được lựa chọn đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak Liên hợp quốc lần thứ 3 càng khẳng định vai trò và vị thế của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong hội nhập quốc tế. Đại lễ năm nay sẽ long trọng và thiêng liêng diễn ra tại Trung tâm văn hóa Phật giáo Tam Chúc, tỉnh Hà Nam với 1500 đại biểu quốc tế, gồm 487 phái đoàn đến từ 112 quốc gia/vùng lãnh thổ và hàng vạn Tăng, Ni, Phật tử Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã từng nhấn mạnh vai trò quan trọng của Đại lễ Vesak Liên hợp quốc năm 2019 và cho rằng, thành công của sự kiện sẽ góp phần nâng cao vị thế Việt Nam; đồng thời thể hiện quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong việc tôn trọng, bảo đảm tự do tôn giáo, tín ngưỡng; các tôn giáo đều bình đẳng.
Kính thưa Hòa thượng, một trong những điều được nhấn mạnh trong chủ đề của Đại lễ năm nay là “Trách nhiệm cùng chia sẻ và bền vững”, đây có phải là điểm mới của Vesak 2019? Xin Hòa thượng có thể nói rõ hơn, cụ thể hơn về mục tiêu trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững?
Chủ đề của Đại lễ Vesak Liên hợp quốc lần thứ 16 tại Việt Nam là; “Cách tiếp cận Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững”. Đại lễ hân hạnh chào đón các quý vị Nguyên thủ các quốc gia đến từ quê hương của Đức Phật, các quốc gia Phật giáo, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham dự Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2019 sẽ cùng nhau chia sẻ những giải pháp để thực hiện thành công mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc vì một thế giới hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng.
Nhân dịp này, Tăng Ni và cộng đồng Phật giáo Việt Nam nói riêng và toàn cầu nói chung cùng chia sẻ trí tuệ tập thể và tiếng nói thống nhất về các vấn đề trọng yếu: Sự lãnh đạo bằng chính niệm vì hòa bình bền vững; Cách tiếp cận của Phật giáo về gia đình hòa hợp, chăm sóc sức khỏe và xã hội bền vững; Cách tiếp cận của Phật giáo về giáo dục đạo đức toàn cầu; Phật giáo và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Cách tiếp cận của Phật giáo về tiêu thụ có trách nhiệm và phát triển bền vững... Qua đó, cộng đồng Phật giáo thế giới đưa ra những giải pháp căn bản nhất xuất phát từ chính tâm con người để thực hiện thành công mục tiêu chương trình nghị sự phát triển bền vững toàn cầu mà Liên hợp quốc hướng tới.
Kính thưa Hòa thượng, trong bối cảnh cuộc sống và thế giới tiềm ẩn các vấn nạn và khủng hoảng diễn biến vô cùng phức tạp, điều này khiến con người luôn cảm thấy bất an, Phật giáo với lòng từ bi, độ lượng, hướng thiện đã làm gì để góp phần xiển dương Phật pháp giúp lợi lạc quần sinh?
Dân tộc Việt Nam đã từng trải qua các giai đoạn lịch sử khác nhau, song dù ở giai đoạn nào thì những hình ảnh của các vị thiền sư, pháp sư, quốc sư, phật tử đứng ra hộ trì đất nước luôn là hình ảnh gần gũi, thân quen đối với người dân. Đạo Phật ở Việt Nam mang màu sắc Việt Nam rõ rệt đã dựa trên các điều kiện cụ thể của nước nhà đe hoằng dương Phật pháp, lợi lạc quần sinh và tạo nên một đạo Phật rất Việt Nam gắn bó mật thiết, không thể phân ly trong lòng dân tộc, luôn gắn bó, đồng cam cộng khổ cùng dân tộc, hòa mình trong dòng chảy suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước.
Nối tiếp dòng chảy và truyền thống gần 2000 năm qua, Phật giáo Việt Nam hôm nay đã làm được nhiều việc lợi đạo, ích đời thực hiện cứu khổ độ sinh. Không chỉ bằng những thuyết pháp đạo Phật, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã, đang và sẽ luôn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện để lan tỏa tình yêu thương, từ bi, bác ái đên chúng sinh. Cụ thể, Phật giáo đã xây dựng nhiều trung tâm nuôi dưỡng những trẻ mồ côi, trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng người già cô đơn không nơi nương tựa; cứu trợ người nghèo, bệnh nhân, người hoạn nạn, lẫm lỡ; khám chữa bệnh từ thiện… Chính những việc làm cụ thể đó đã chạm vào những trái tim hướng thiện, lan tỏa thông điệp từ bi hỷ xả của Phật giáo đến con người. Và chắc chắn, cuộc sống sẽ tươi đẹp, ý nghĩa, hạnh phúc và bền vững, thịnh vượng hơn khi con người luôn hướng thiện, bác ái, nhân từ, độ lượng với nhau.