Đây là các di tích cư trú và nơi chế tác công cụ đá của người nguyên thủy cũng là di tồn văn hóa duy nhất còn lại trong tầng văn hóa là công cụ đá do con người chế tác sử dụng. Ngoài ra, đoàn nghiên cứu (gồm các cán bộ của Viện Khảo cổ học - Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam - phối hợp cùng nhóm cán bộ của Viện Khảo cổ học thuộc Viện Hàn lâm KH Cộng hoà Liên bang Nga) còn phát hiện ra các mảnh thiên thạch tectit rơi từ ngoài hành tinh vào trái đất. Các mảnh thiên thạch đã có niên đại 70, 80 vạn năm, được đánh giá còn cổ hơn một số di tích thế giới đã khẳng định.
Từ đầu năm 2016 đến nay đã phát hiện được 58 hiện vật đá tại di tích Gò Đá, 46 hiện vật đá tại di tích Rộc Tưng. Những phát hiện về các di tích và các hiện vật đá sơ kỳ là bằng chứng khẳng định thượng lưu sông Ba, An Khê là địa bàn sinh sống của cộng đồng cư dân cổ khoảng trên dưới 80 vạn năm trước.
Hình ảnh tại buổi họp báo công bố kết quả sơ bộ nghiên cứu khảo cổ học diễn ra tại Viện hàn lâm KHXH Việt Nam vào sáng nay |
Trước đó, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy 58 hiện vật đá tại di tích Gò Đá (phường An Bình, thị xã An Khê), gồm: 9 công cụ mũi nhọn, 5 công cụ chặt, 9 nạo, 2 hòn ghè, 6 công cụ mảnh tước, 3 công cụ hạch không định hình, 12 mảnh tước và 12 hạch đá. Và tìm thấy 123 hiện vật đá tại di tích Tộc Rưng (xã Xuân An, thị xã An Khê), gồm: 1 công cụ ghè 1 mặt, 7 công cụ mũi nhọn, 2 công cụ nạo cắt, 1 công cụ chặt thô, 18 mảnh cuội, 4 mảnh tước và 13 hạch đá, 102 mảnh tectit...
Hoạt động này thuộc đề tài cấp Bộ Nghiên cứu hệ thống di tích khảo cổ học thời đại Đá vùng thượng du sông Ba ở tỉnh Gia Lai và được triển khai từ giữa năm 2014 đến nay.