Ung thư buồng trứng là một trong những bệnh ung thư phổ biến nhất ở nữ giới. Theo GLOBOCAN 2020, tại Việt Nam có khoảng 1.404 trường hợp mắc mới và 923 ca tử vong vì ung thư buồng trứng mỗi năm. Đáng nói, loại ung thư này có diễn tiến rất âm thầm, triệu chứng không rõ rệt vì thế thường bị chị em phụ nữ bỏ qua.
ThS.BSNT Nguyễn Xuân Tuấn, chuyên ngành Ung bướu, Giảng viên Đại học Y Dược - Đại học Quốc gia Hà Nội, mới đây đã chia sẻ về một trường hợp bệnh mà mình từng tiếp nhận. Người bệnh là chị M. 35 tuổi, chị đăng ký lịch khám tầm soát ung thư với tâm thế rất thoải mái, thậm chí có ý định "khám sớm để về sớm". Tuy nhiên kết quả sau kiểm tra cho thấy chị M có u nang buồng trứng và nghi ngờ K.
Trao đổi với bác sĩ, chị cho biết mình đã phát hiện khối u buồng trứng này từ nhiều năm trước và được chẩn đoán là u nang bình thường. Vì nghi ngờ nên bác sĩ chỉ định phẫu thuật, kết quả giải phẫu bệnh cho thấy bệnh nhân đã bị ung thư buồng trứng di căn. Rất may, sau nhiều đợt điều trị khác nhau, sức khỏe người bệnh đã ổn định và được xuất viện.
ThS.BSNT Nguyễn Xuân Tuấn cho hay: "Ung thư buồng trứng cũng giống như đa phần các bệnh ung thư khác đó là không có các triệu chứng hay dấu hiệu sớm, mà phải đến giai đoạn muộn mới biểu hiện rõ ràng. Ung thư buồng trứng là khối u ác tính có xuất phát từ một hoặc cả hai buồng trứng. Theo thống kê tỷ lệ mắc bệnh ung thư buồng trứng khoảng 4,6/100.000 phụ nữ. Bệnh có thể xảy ra ở nhiều độ tuổi tuy nhiên hay gặp nhất là phụ nữ trên 50".
Bác sĩ Xuân Tuấn nhấn mạnh, các tế bào ung thư là các tế bào bất thường, chúng phát triển không theo sự kiểm soát của cơ thể và không tuân theo nhu cầu của cơ thể. Các tế bào ung thư này có thể xâm lấn và phá hủy các mô, cơ quan xung quanh. Không chỉ vậy chúng có thể di căn tới các cơ quan ở xa trong cơ thể và gây ung thư thứ phát tại cơ quan đó.
Tuy nhiên nhiều chị em hay mắc phải sai lầm đó là bỏ qua việc khám sức khỏe định kỳ. Đặc biệt là chủ quan khi bản thân có những khối u lành tính. Bác sĩ khuyến cáo việc tầm soát ung thư định kỳ là rất cần thiết để phòng bệnh ung thư hiệu quả.
"Việc phát hiện sớm ung thư nhờ tầm soát có ý nghĩa quan trọng trong việc điều trị bệnh, có thể trị dứt điểm và tăng tỷ lệ sống sót do biến chứng của bệnh gây nên", ThS.BSNT Nguyễn Xuân Tuấn chia sẻ.
Tiền sử gia đình mắc ung thư buồng trứng là yếu tố nguy cơ nguy hiểm nhất. Những người có mẹ, chị gái mắc loại ung thư này, hoặc người mang đột biến gen BRCA1 hoặc BRCA2... thì nên đi kiểm tra bằng xét nghiệm di truyền. Loại xét nghiệm này có thể ước tính nguy cơ mắc phải ung thư của một người liên quan đến gene di truyền trong gia đình.
Những chị em đang gặp tình trạng hiếm muộn, không sinh con, có kinh sớm, chu kỳ kinh nguyệt ngắn, chậm kinh, sử dụng thuốc kích thích rụng trứng... sẽ làm tăng nguy cơ ung thư buồng trứng.
Theo Healthline, những phụ nữ có tiền sử mắc bệnh ung thư vú và ung thư đại tràng có nguy cơ mắc ung thư buồng trứng cao.
Ung thư buồng trứng phổ biến ở phụ nữ lớn tuổi đặc biệt là trên 50 tuổi. Bệnh ít khi được chẩn đoán ở người dưới 40 tuổi. Thực tế, chị em có nhiều khả năng mắc bệnh ung thư buồng trứng sau khi mãn kinh.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học New York chỉ ra rằng, hút thuốc lá càng nhiều mỗi ngày thì nguy cơ mắc ung thư càng cao. Nghiên cứu cho thấy, hút thuốc là nguyên nhân gây ung thư buồng trứng, miệng, hầu, họng, mũi và xoang...
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn