Phát hiện mới về nguyên nhân mắc Alzheimer cao hơn ở phụ nữ lớn tuổi

11:00 | 17/03/2022;
Theo các nhà nghiên cứu, quanh thời kỳ mãn kinh, nồng độ FSH ở phụ nữ tăng mạnh lên hơn 10 lần so với trước đó, trong khi nồng độ FSH ở nam giới cao tuổi cao hơn khoảng 3 lần.

Một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế đã phát hiện ra rằng hormone kích thích nang trứng (FSH) có thể dẫn đến tỷ lệ mắc bệnh Alzheimer cao hơn ở phụ nữ lớn tuổi. Phát hiện này hứa hẹn một liệu pháp điều trị khả thi cho căn bệnh này.

Alzheimer là một bệnh mãn tính, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới trí nhớ và các chức năng tâm thần quan trọng khác. Cho đến nay, protein beta-amyloid - có xu hướng kết tụ lại với nhau để tạo thành mảng trong não - và sự tích tụ bất thường của một protein có tên gọi là "tau" tập hợp bên trong tế bào thần kinh được cho là đóng một vai trò quan trọng trong sự hình thành và phát triển bệnh Alzheimer.

Số liệu thống kê cho thấy tỷ lệ mắc Alzheimer thường cao hơn ở phụ nữ lớn tuổi, và số bệnh nhân Alzheimer là nữ giới nhiều hơn gấp đôi so với nam giới.

Dựa trên các nghiên cứu đã từng thực hiện, các nhà khoa học từ Trung Quốc và Mỹ đã đưa ra một giả thuyết rằng sự kích hoạt của một tuyến thần kinh có tên C / EBPβ / AEP là quá trình chính phát sinh bệnh Alzheimer. Từ đó, họ sàng lọc các hormone có sự thay đổi mạnh mẽ trong thời kỳ mãn kinh, đồng thời kích hoạt tuyến thần kinh C / EBPβ / AEP. Sau quá trình này, các nhà nghiên cứu xác định rằng FSH có thể là nguyên nhân chủ yếu gây bệnh Alzheimer.

FSH đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển và hoạt động giới tính. Ở phụ nữ, FSH giúp kiểm soát chu kỳ kinh nguyệt và kích thích sự phát triển của trứng trong buồng trứng. Ở nam giới, FSH duy trì ở mức trung bình, không có nhiều biến động và có vai trò hỗ trợ kiểm soát việc sản xuất tinh trùng.

Theo các nhà nghiên cứu, quanh thời kỳ mãn kinh, nồng độ FSH ở phụ nữ tăng mạnh lên hơn 10 lần so với trước đó, trong khi nồng độ FSH ở nam giới cao tuổi cao hơn khoảng 3 lần. FSH tăng mạnh có thể liên kết với các thụ thể FSH trên bề mặt tế bào thần kinh và kích hoạt tuyến thần kinh C / EBPβ / AEP, dẫn đến sự thay đổi bất thường của protein beta-amyloid và tau.

Các nhà khoa học đã sử dụng chuột mắc bệnh Alzheimer bị cắt bỏ buồng trứng làm mô hình mẫu của phụ nữ trong thời kỳ mãn kinh để củng cố luận điểm của họ. Trước tiên, các nhà khoa học đã chặn FSH để bất hoạt tuyến thần kinh C / EBPβ / AEP, qua đó giúp cải thiện khả năng nhận thức của chuột mắc bệnh. Sau đó, các nhà nghiên cứu loại bỏ gene kiểm soát sự biểu hiện của thụ thể FSH trên tế bào thần kinh, nhằm ngăn chặn sự liên kết của FSH với thụ thể, điều này cũng làm giảm bớt rối loạn chức năng nhận thức.

Ngoài ra, họ cũng chặn tuyến thần kinh C / EBPβ / AEP, nhằm làm giảm các thay đổi bệnh lý trên não của chuột, đồng thời tiêm FSH cho những con chuột có biểu hiện phát triển bệnh Alzheimer.

Kết quả nghiên cứu nói trên đã được công bố trên tạp chí Nature số mới đây. Theo các nhà khoa học, những nghiên cứu tiền lâm sàng về việc sử dụng kháng thể FSH để điều trị bệnh Alzheimer đang được tiến hành. Bên cạnh đó, họ cũng đang nỗ lực để làm rõ mối quan hệ giữa gene nguy cơ gây bệnh Alzheimer là ApoE4 và FSH trong tương lai, nhằm tìm hiểu lý do tại sao phụ nữ mang gene ApoE4 lại dễ mắc bệnh Alzheimer hơn.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn