Ngày 13/11, Tổ kiểm tra liên ngành lấy mẫu và kiểm nghiệm nhanh an toàn thực phẩm huyện Bố Trạch đã lấy mẫu test nhanh cá khoai tại các chợ Hoàn Lão, Hải Phú, Phong Nha, Troóc thuộc huyện Bố Trạch. Kết quả test nhanh cho thấy các mẫu cá này đều dương tính với phoóc-môn.
Phoóc-môn hay còn được gọi là Formaldehyde (formalin khi hoà tan). Chất này dễ bị lạm dụng làm chất tẩy trắng và bảo quản trong thực phẩm. Nếu sử dụng với hàm lượng cao có thể gây ra một số tình trạng sức khoẻ nguy hiểm.
Formaldehyde là một loại hóa chất không màu, có mùi mạnh, phổ biến ở dạng khí ở nhiệt độ phòng. Formaldehyde xuất hiện ở cả trong môi trường sống và cả trong một số loại thực phẩm (và thậm chí bên trong cơ thể chúng ta). Ngoài ra, chất này cũng là một hóa chất được sử dụng rộng rãi trong một số ngành công nghiệp. Ví dụ, nó được sử dụng trong sản xuất vật liệu xây dựng và nhiều sản phẩm gia dụng.
Khi hoà tan với nước Formaldehyde được gọi là formalin, thường được sử dụng làm chất khử trùng công nghiệp cũng như có thể được sử dụng làm chất bảo quản trong một số sản phẩm, chẳng hạn như thuốc sát trùng, thuốc và mỹ phẩm.
Formalin còn được dùng làm chất bảo quản thực phẩm và chất này có thể được sinh ra trong quá trình nấu nướng và hun khói.
Formaldehyde tồn tại trong thực phẩm theo 2 cách:
- Thứ nhất, Formaldehyde xuất hiện tự nhiên trong môi trường và thực phẩm. Các sinh vật sống, bao gồm cả con người, sản sinh ra formaldehyde thông qua các chức năng trao đổi chất bình thường. Chất này cũng được tìm thấy tự nhiên trong môi trường (liên quan đến quá trình phân hủy thực vật) nhưng phân hủy nhanh chóng trong không khí. Một số thực phẩm có chứa Formaldehyde tự nhiên như gia cầm, sữa, cá, đường, cà phê,...
- Thứ hai, Formaldehyde được sử dụng như phụ gia trong thực phẩm. Hiện tại, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) liệt kê Formaldehyde được phê duyệt để sử dụng trong các chất khử bọt, được sử dụng để ngăn bọt trên một số chất lỏng và thực phẩm khác.
FDA cũng đã phê duyệt formalin lỏng để sử dụng trong ngành đánh bắt cá. Chất này được sử dụng như một chất xử lý nước chống ký sinh trùng cho một số loại cá, bao gồm cá hồi và cá da trơn. Formalin cũng được sử dụng như một phương pháp điều trị chống nấm trên trứng cá.
Tuy nhiên, khi sử dụng trong ngành thực phẩm, sẽ có quy định về liều lượng Formaldehyde (hoặc formalin) được phép sử dụng. Đáng lưu ý, có một điều đáng lo ngại là việc sử dụng quá hàm lượng formaldehyde và sử dụng chất này làm chất bảo quản trên cá để kéo dài thời gian hư hỏng, hành vi này bị cấm vì có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ của con người.
Hiện nay cũng có nhiều nước cấm sử dụng formalin trong ngành thực phẩm vì những lo ngại liên quan đến sức khoẻ, chẳng hạn như ung thư.
Nếu bạn tiếp xúc với Formaldehyde qua đường không khí, tức là hít phải chất này các tế bào lót trong đường hô hấp của bạn sẽ hoạt động nhanh chóng để phá vỡ nó. Nếu bạn chỉ hít thở một lượng nhỏ do tiếp xúc với môi trường hàng ngày, cơ thể bạn thường phân hủy chất này nhanh đến mức rất ít hoặc không có gì lọt vào máu. Nhưng cũng có những trường hợp bị kích ứng như kích ứng mắt, mũi, họng, đường hô hấp hoặc da.
Ngược lại, nếu hít hoặc tiếp xúc với lượng lớn có thể gây phát ban da, khó thở, thở khò khè và thay đổi chức năng của phổi.
Nếu bạn hấp thụ formaldehyde qua thức ăn, chất này sẽ được hấp thu và chuyển hóa nhanh chóng ở đường tiêu hóa. Với hàm lượng thấp thì thực sự không quá đáng lo ngại, nhưng nếu với hàm lượng cao có thể bị ngộ độc.
Các trường hợp ngộ độc formaldehyde nghiêm trọng có thể gây ra huyết áp thấp, nhịp tim bất thường, thở không đều, bồn chồn, bất tỉnh, hôn mê và trong một số trường hợp hiếm gặp là tử vong.
Đặc biệt, nếu tiếp xúc hoặc hấp thu kéo dài với hàm lượng lớn Formaldehyde, có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh bạch cầu hoặc ung thư, chẳng hạn như ung thư mũi họng, u ở dạ dày và ruột.
Theo Cơ quan Đăng ký Chất độc và Bệnh tật, hấp thu formaldehyde theo đường thực phẩm được cho là độc hại ở mức 50 đến 100 mg/kg/ngày.
Mặc dù được cho là không nguy hiểm khi tiếp xúc với formaldehyde ở hàm lượng thấp, nhưng để đảm bảo an toàn cho sức khoẻ, phòng ngừa những nguy cơ có thể xảy ra và tránh tiếp xúc hoặc ăn vào với hàm lượng cao, mọi người nên lưu ý:
- Rửa sạch thực phẩm. Formaldehyd hòa tan trong nước, vì vậy rửa trái cây và rau quả cũng như các thực phẩm có nguy cơ cao dưới vòi nước lạnh sẽ giúp giảm hàm lượng.
- Nấu thực phẩm như thịt và cá ở nhiệt độ thích hợp. Điều này có thể làm giảm lượng formaldehyde và cũng là biện pháp ngăn ngừa các vấn đề khác như ngộ độc thực phẩm, nhiễm virus, vi khuẩn hoặc ký sinh.
- Chọn mua cá ở những nơi an toàn, được kiểm chứng rõ ràng. Ngoài ra, người tiêu dùng nên tránh mua cá đã bị cứng hoặc có mùi bất thường vì điều này có thể cho thấy rằng cá đã được xử lý bằng formaldehyde.
Nên chọn những con cá có mình ít nhớt, có mùi tanh đặc trưng, mang màu đỏ tươi hoặc đỏ sẫm, mắt cá sáng, trong và hơi lồi.
- Bún và phở cũng có thể chứa formalin. Do đó, khi lựa bún, phở bạn nên chọn loại khi chạm vào sợi bún, phở sẽ hơi nát, dễ đứt gãy và có cảm giác hơi dính, nhuyễn. Không nên chọn loại không có mùi chua của gạo ngâm, dai và quá trắng.
Nhìn chung, việc lạm dụng formalin trong ngành thực phẩm có thể làm tăng nguy cơ các vấn đề về sức khoẻ. Do đó, mọi người nên lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng. Những thực phẩm có mùi lạ hoặc những dấu hiệu ôi, thiu hoặc không tự nhiên thì không nên mua và sử dụng để tránh những tác hại không mong muốn.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn