Phát hoảng vì sữa mẹ có máu

12:40 | 11/12/2015;
Một số mẹ phát hiện trong sữa lẫn dịch màu sẫm như máu nên lo lắng, thậm chí không dám cho con bú. Theo nhiều chuyên gia y tế, hiện tượng này không quá bất thường.
Theo Ths.Bs Nguyễn Thu Giang, Phó viện trưởng Viện phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh sáng, việc trong sữa mẹ có chút máu không hẳn là bất thường. Có nhiều nguyên nhân khiến trong sữa mẹ có máu. Có thể chị em bị vỡ các mao mạch (mạch máu cực kỳ nhỏ) trong ngực do tác động mạnh lên ngực; chảy máu từ các u nhú giữa các ống sữa nhưng những u nhú này rất nhỏ, lành tính. Với người mẹ lần đầu sinh con lại có nhiều sữa, thường xuất hiện tình trạng căng sữa, sẽ tăng lưu lượng máu đến ngực và tạo sữa nhanh ở các tuyến sữa. Điều này có thể gây ra hiện tượng máu thoát vào sữa mẹ. Ngoài những nguyên nhân trên, việc dùng máy hút sữa không đúng cách; nứt cổ gà cũng làm cho sữa có máu.

Sữa mẹ có máu đừng quá lo (Ảnh minh họa)

Gần đây, mỗi lần hút sữa để ở nhà cho con ăn, chị Nguyễn Phương Trang, ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) thấy sữa có lẫn máu. Điều này khiến chị lo lắng và ngừng cho con bú để đi khám. Nhiều bà mẹ khi thấy hiện tượng trên cũng ngừng cho con bú. Ths.Bs Giang cho rằng, máu trong sữa mẹ sẽ không có hại cho bé, mẹ vẫn có thể tiếp tục cho con bú. Thông thường, máu trong sữa mẹ sẽ biến mất trong vòng 3-7 ngày. Nếu hiện tượng này không mất đi sau 2 tuần thì người trong cuộc mới nên đi khám bác sĩ. Để hạn chế tình trạng trên, khi hút sữa, các bà mẹ nên chọn dụng cụ mềm, không massage, bóp quá mạnh trên ngực, tránh nứt núm vú.

“Nếu núm vú nứt cổ gà, cách xử trí tốt nhất là chờ đợi và không làm gì cả. Thời gian sẽ giúp vú và núm vú có cơ hội tự lành, trong khi mẹ vẫn duy trì cho bé bú. Nếu cảm thấy quá đau không thể tiếp tục cho con bú, bạn có thể hút sữa trong 1 - 2 ngày và đợi núm vú bình phục. Chú ý phải hút sữa 8-10 lần mỗi ngày để có đủ sữa cho bé”, Ths.Bs Giang cho biết.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn