Phản giáo dục?
Liên quan đến vụ học sinh lớp 9 ở trường THCS Tô Hiệu (H.Thường Tín, Hà Nội) do vi phạm nhiều lần khiến giáo viên áp dụng hình thức quỳ trước mặt cả lớp, đang làm dư luận tranh cãi. Một số phụ huynh cho rằng với học sinh cá biệt, nên áp dụng những hình thức phạt thật nặng, theo kiểu “đòn tâm lý” để em đó nhớ thật lâu mà không muốn tái phạm.
Tuy nhiên, một số ý kiến khác lại cho rằng, cách phạt này đã lỗi thời, không còn phù hợp với cách giáo dục hiện tại, khi mà học sinh trở thành trung tâm và giáo dục trẻ bằng cách cảm hóa, trên cơ sở tôn trọng trẻ. Chị Thanh Hằng (Q.Ba Đình, Hà Nội) đồng tình với điều này khi cho rằng việc phạt học sinh quỳ thời nay đã trở nên bất bình thường so với trước kia. Bằng chứng là báo chí đã đăng tải rất nhiều thông tin này như một điều gì đó bất thường.
“Tôi cũng có con gái học lớp 8, ở độ tuổi dậy thì nên nhìn hình thức xử phạt này tôi cảm thấy không ổn, có phần phản giáo dục. Ngày xưa thời bọn tôi không chỉ bắt quỳ mà còn quỳ trên tấm vỏ mít đầy gai để “cho chừa” khi cảm nhận sự đau đớn và cảm thấy mình bị phạt vậy cũng đáng. Nhưng nuôi con thời bây giờ, mới thấy cách phạt này nếu làm không khéo, thậm chí sẽ trở nên phản giáo dục” – theo chị Thanh Hằng.
Nữ phụ huynh cho rằng, độ tuổi dậy thì của trẻ luôn là giai đoạn giáo dục khó khăn của cả phụ huynh, thầy cô giáo. Tuổi này trẻ đã ý thức được lòng tự trọng, thậm chí ý thức rất cao nên cách phạt này vô hình chung khiến trẻ cảm thấy bị xúc phạm, bị tổn thương, xấu hổ trước bạn bè thầy cô.
“Con sẽ cảm thấy không phục khi giáo viên chỉ thỏa mãn sự giận dữ và cho rằng con xứng đáng như vậy, nhưng tôi tin chắc rằng để làm hành động này, nam sinh đó hẳn đã sống trong cảm giác tức giận, xấu hổ, thậm chí là hằn học thay vì cảm thấy có lỗi” – chị cho biết.
Còn với anh Phạm Xuân Vinh (Đồng Hới, Quảng Bình), xã hội hôm nay có vẻ như không cho phép giáo viên được đánh học sinh, bởi cứ động đến học sinh dù chỉ là cái móng tay là kiểu gì phụ huynh cũng tự cho mình cái quyền “nhảy dựng” lên.
“Thời của chúng tôi, thầy phạt trò quỳ gối hoặc đánh roi là chuyện bình thường, phạt xong còn báo cho phụ huynh. Và phụ huynh thường rất nhún nhường, mong thầy cô nghiêm khắc hơn, bởi đơn giản nhà trường và gia đình có sự thống nhất trong biện pháp giáo dục, và quan trọng là trò rất sợ thầy, cảm thấy cách phạt là xứng đáng. Những điều này trái ngược hoàn toàn ở xã hội hiện tại” – anh Vinh phân tích.
Theo anh, trong trường hợp này, giáo viên thay vì phạt học sinh thì có thể trao đổi với gia đình trước đó để hai phía thống nhất cách giáo dục trẻ khi trẻ phạm lỗi. Chỉ khi thống nhất với nhau thì mới cùng nhau tìm được tiếng nói chung và đưa ra biện pháp phạt phù hợp với từng cá tính, hoàn cảnh của mỗi em.
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) khẳng định, Luật trẻ em và các văn bản quy phạm pháp luật khác cấm tuyệt đối các biện pháp trừng phạt trẻ em bằng đòn roi, bắt quỳ gối, chạy vòng quanh sân trường... Đó là hành vi bạo lực, sỉ nhục người khác, cần bị xử phạt hình sự, hành chính hoặc các biện pháp kỷ luật của nhà trường.
Phạt học sinh hợp tình hợp lý: Áp lực không nhỏ với giáo viên!
Chia sẻ về điều ngày, TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội - cho biết, nắm bắt tâm lý trẻ để đưa ra phương pháp giáo dục phù hợp là yêu cầu ngày càng chặt chẽ đối với giáo viên, nhất là trong bối cảnh giáo dục hiện tại. Vì thế không phủ nhận được những áp lực mà giáo viên đang đối mặt.
Theo ông, nghề dạy học muốn thành công phải nắm được tâm sinh lý đối tượng mình dạy. Do không nắm được tâm sinh lý lứa tuổi học sinh, không hiểu được phương pháp giáo dục, kinh nghiệm giáo dục tiên tiến nên giáo viên dễ tùy tiện và dễ mắc sai lầm trong quá trình giáo dục.
Thầy cô giáo phải là người hiểu học sinh, nắm rõ quy luật phát triển tâm lý của trẻ để có những ứng xử và phương pháp giáo dục hợp lý. Trẻ cấp 1 thường ngoan, thầy cô liếc mắt một cái là sợ. Nhưng sang cấp 2 trẻ bắt đầu hình thành tính cách, thích khám phá mọi thứ và thể hiện bản thân. Học sinh cấp 3 có nhu cầu khẳng định mình cao.
“Trong quá trình trẻ khám phá và bộc lộ cái "tôi", các em sẽ lúc hành xử đúng, có lúc sai. Nhiệm vụ của nhà giáo ở đây là phải dùng năng lực sư phạm để hướng học sinh đến cái đúng. Khi xảy ra mâu thuẫn với học sinh, tuyệt đối người thầy không được nóng giận mà có hành vi bạo lực, kể cả bằng lời nói. Hành động này vừa không đúng với đạo đức nhà giáo, vừa vi phạm luật pháp” – ông nói.
Nhiều năm làm quản lý trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) - ngôi trường có tiếng về việc giáo dục học sinh hư, TS Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ rằng, khi giáo viên có xung đột với học sinh sẽ phải chuyển ngay cho thầy cô chủ nhiệm hoặc lãnh đạo trường giải quyết chứ tuyệt đối không được đối đầu. Người thứ ba khi xem xét vụ việc sẽ bình tĩnh, khách quan để xử lý hợp lý hơn. Ngoài ra, trường sẽ phối hợp với phụ huynh để cùng giáo dục học sinh. Tuyệt đối không đẩy sự việc thành mâu thuẫn với phụ huynh để xảy ra chuyện kiện tụng.
“Thầy cô đừng đổ cho khách quan là học sinh bây giờ hư, học trò như là "vua" nên giáo viên sợ không dám dạy. Sứ mệnh của người thầy là tìm ra phương pháp giáo dục để định hướng đúng cho học trò và tôn trọng những cá tính khác biệt của chúng” – TS Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.