Phát huy hiệu quả mô hình giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc góp phần thúc đẩy bình đẳng giới

17:13 | 19/12/2024;
Hội LHPN các cấp trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số miền núi nâng cao đời sống vật chất, văn hoá, tinh thần gắn với giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới.

Gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc

Tỉnh Hòa Bình có dân số toàn tỉnh là 875.380 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 74,43% (gồm các dân tộc Mường, Thái, Tày, Dao, Mông...). Mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa truyền thống, phong tục tập quán riêng, tạo nên những bản sắc vùng miền độc đáo.

Di sản văn hóa của người Mường ở Hòa Bình là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị văn hóa mới. Hiện nay, tiến trình đô thị hóa với nếp sống văn minh đô thị đã tác động mạnh mẽ vào đời sống của đồng bào dân tộc Mường cả những mặt tích cực và tiêu cực, nhiều giá trị văn hóa truyền thống bị mai một.

Trong thời gian qua, Hội LHPN tỉnh Hòa Bình đã ban hành kế hoạch triển khai các Đề án, trong đó tập trung vào công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ mặc trang phục truyền thống trong các ngày lễ, hội, tết hàng năm, trong các hội nghị, sự kiện trọng đại của đất nước, của hội của địa phương và trong dịp cưới hỏi. Tổ chức các hoạt động dạy hát, làn điệu dân ca bằng tiếng dân tộc, dạy con cháu giao tiếp bằng tiếng nói dân tộc Mường trong gia đình.

Qua đó, Hội LHPN tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo và tổ chức nhiều hoạt động như: Tổ chức giao lưu truyền thông, trình diễn trang phục dân tộc (huyện Kim Bôi); dạy hát tiếng Mường (huyện Lạc Sơn, Kim Bôi); hội thi nấu ăn các món truyền thống của dân tộc Mường (thành phố Hòa Bình). Đồng thời, thành lập các mô hình, câu lạc bộ qua đó góp phần giữ gìn và phát huy văn hóa của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đồng thời chỉ đạo các cấp Hội tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả, nhân rộng các mô hình.

Tính đến tháng 12/2024, các cấp Hội thành lập và duy trì 60 mô hình, câu lạc, với tổng số 1.850 thành viên tham gia. Các thành viên mô hình, câu lạc bộ đa số là phụ nữ dân tộc thiểu số với 1.609 người (87%).

Phát huy hiệu quả mô hình giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc góp phần thúc đẩy bình đẳng giới- Ảnh 1.

Lễ ra mắt mô hình CLB Chiêng Mường tại xã Hợp Phong (huyện Cao Phong, Hòa Bình)

Riêng năm 2024, các cấp Hội đã thành lập mới 41 mô hình với 1.248 thành viên (trong đó 29 mô hình giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Mường có 834 thành viên; 12 mô hình câu lạc bộ Chiêng Mường; câu lạc bộ dạy hát tiếng Mường; câu lạc bộ Dân ca, dân vũ dân tộc Mường có 399 thành viên).

Ngoài ra, Hội cũng duy trì các mô hình, câu lạc bộ Phụ nữ Thái làm du lịch cộng đồng; Du lịch cộng đồng người Mông (Hang Kia, Pà Cò), mô hình hợp tác xã dệt thổ cẩm,…

Tính đến tháng 12/2024, các cấp Hội thành lập và duy trì 60 mô hình, câu lạc, với tổng số 1.850 thành viên tham gia. Các thành viên mô hình, câu lạc bộ đa số là phụ nữ dân tộc thiểu số với 1.609 người (87%).

Riêng năm 2024, các cấp Hội đã thành lập mới 41 mô hình với 1.248 thành viên (trong đó 29 mô hình giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Mường có 834 thành viên; 12 mô hình câu lạc bộ Chiêng Mường; câu lạc bộ dạy hát tiếng Mường; câu lạc bộ Dân ca, dân vũ dân tộc Mường có 399 thành viên).

Qua việc thực hiện các mô hình, các cấp Hội Phụ nữ đã thu hút được nhóm hội viên, phụ nữ đặc thù (nữ thanh niên, phụ nữ cao tuổi, nữ tiểu thương…) tham gia sinh hoạt và tăng tỷ lệ kết nạp hội viên mới vào tổ chức Hội.

Các câu lạc bộ, tổ, nhóm này đã thu hút nhiều chị em phụ nữ tích cực tham gia các phong trào, hoạt động của Hội, của địa phương. Đặc biệt, việc xây dựng, duy trì các mô hình góp phần gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa và truyền thống tốt đẹp của người Mường. Đồng thời quảng bá, giới thiệu về vùng đất, con người Hòa Bình, từng bước xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo để thu hút khách du lịch.

Thúc đẩy bình đẳng giới

Trong thời gian tới, để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên và các tầng lớp phụ nữ về văn hóa, nhất là các giá trị văn hóa tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc. Từ đó, giúp hình thành ý thức tự bảo vệ, phát triển văn hóa truyền thống, đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục cho thế hệ trẻ, con em đồng bào dân tộc thiểu số.

Để làm được điều này, Hội LHPN các cấp tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả, nhân rộng, thành lập mới các mô hình. Trong đó, nổi bật là các mô hình: Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường; Câu lạc bộ dân ca, dân vũ dân tộc Mường; Câu lạc bộ chiêng mường thế hệ…

Phối hợp tổ chức các hoạt động dạy tiếng nói, chữ viết, ngữ văn dân gian… cho con em hội viên, phụ nữ. Các hoạt động dạy hát, làn điệu dân ca bằng tiếng dân tộc như: hát thường rang, bộ mẹng, hát ví, hát đúm giao duyên..., Tuyên truyền, bảo tồn, phát huy tiếng nói, chữ viết người Mường.

Bên cạnh đó là việc tổ chức cho hội viên, phụ nữ chơi một số trò chơi dân gian tiêu biểu của dân tộc Mường như: kéo co, đẩy gậy, ném còn, đánh mảng…. và phát triển trở thành môn thể thao đại chúng đưa vào trong hệ thống các giải thi đấu trong hệ thống Hội LHPN các cấp dành cho cán bộ, hội viên, phụ nữ, hội viên danh dự. Tổ chức hội diễn, hội thi văn hóa, văn nghệ hát, múa các làn điệu dân ca của dân tộc, thi biểu diễn các loại nhạc cụ dân tộc, hội thi nấu ăn các món truyền thống của dân tộc Mường.

Phát huy hiệu quả mô hình giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc góp phần thúc đẩy bình đẳng giới- Ảnh 2.

Màn hòa tấu Chiêng Mường của các nghệ nhân.

Song song với việc phát động hội viên, phụ nữ tham gia đánh chiêng Mường trong các dịp lễ hội, dịp đầu năm, các sự kiện trọng đại của địa phương, đất nước…Tổ chức các hội nghị, hội thảo, sinh hoạt chuyên đề với chủ đề "Vai trò của phụ nữ trong việc giữ gìn và bảo tồn các giá trị văn hóa của dân tộc" tại các cấp Hội, trong sinh hoạt Hội tại các chi hội.

Ngoài ra, cần có sự phối hợp cùng với các cơ quan, đoàn thể tại cơ sở để phát huy vai trò của người có uy tín, các nghệ nhân, già làng, trưởng bản và các cá nhân am hiểu trong xây dựng các hoạt động văn hóa văn nghệ, sinh hoạt cộng đồng, phát huy các thiết chế văn hóa truyền thống và tạo dựng môi trường lành mạnh phù hợp với tâm lý lứa tuổi.

Các hoạt động tích cực này sẽ góp phần nâng cao chất lượng đời sống tinh thần trong cộng đồng; góp phần định hướng cho thế hệ trẻ trong tiếp thu các giá trị hiện đại, phù hợp với thuần phong mỹ tục, rèn luyện đạo đức, lối sống và làm giàu thêm bản sắc văn hóa dân tộc…

Thông qua việc thành lập và duy trì các mô hình, các thành viên không chỉ khẳng định được vị thế của mình trong vai trò chủ thể tham gia gìn giữ, bảo tồn, sáng tạo và phát huy văn hoá nghệ thuật làng nghề truyền thống mà còn giúp chị em tăng mức độ thụ hưởng, tăng cơ hội để phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia các hoạt động văn hóa, kinh tế, xã hội, thực hiện bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ…

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn