Phát huy tiềm năng, thế mạnh của quê hương, chung sức xây dựng nông thôn mới

19:10 | 14/11/2023;
Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên đã triển khai nhiều chương trình phát triển kinh tế, khơi dậy tiềm năng thế mạnh của hội viên, phụ nữ, góp phần thay đổi diện mạo nông nghiệp, nông thôn, là nền tảng vững chắc xây dựng nông thôn mới bền vững.

Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (Chương trình OCOP) là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện.

Với những tiềm năng, thế mạnh sẵn có, cùng với những kết quả bước đầu đạt được, để chương trình OCOP đạt kết quả cao đòi hỏi tất cả các cấp, các ngành, địa phương và đặc biệt là các chủ thể thực hiện cùng chung tay triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình, đó sẽ là cơ sở quan trọng thúc đẩy đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, thay đổi diện mạo nông nghiệp, nông thôn, là nền tảng vững chắc xây dựng nông thôn mới bền vững.

Tại Hưng Yên, chương trình OCOP và phát triển kinh tế của hội viên, phụ nữ trong những năm qua luôn được sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh. Ông Lê Trung Cần, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên trao đổi các nội dung xung quanh vấn đề này.

- Xin ông chia sẻ một số thông tin về ngành Nông nghiệp trong tỉnh nói chung và việc hỗ trợ phát triển sản phẩm đạt chứng nhận OCOP nói riêng của tỉnh?

Phát huy tiềm năng, thế mạnh của quê hương, chung sức xây dựng nông thôn mới- Ảnh 1.

Ông Lê Trung Cần, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên

Ông Lê Trung Cần: Những năm qua, nông nghiệp Hưng Yên đã vượt qua được những khó khăn, thách thức và có những bước phát triển rất tốt, chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất quy mô hớn. Giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp đã đạt bình quân 2,75 %/năm. Giai đoạn 2021 - 2022, tốc độ tăng trưởng của ngành Nông nghiệp của tỉnh Hưng Yên cũng đã đạt bình quân là 2,66%/năm. Năm 2020, giá trị thu được từ 1ha canh tác đạt 230 triệu đồng/năm. Thu nhập bình quân của người dân ở khu vực nông thôn đạt 64,4 triệu đồng/người vào năm 2022. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh đến nay chỉ còn là 1,93%/năm.

Đến nay toàn tỉnh Hưng Yên có 364 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và 199 sản phẩm đã được công nhận OCOP từ 3 sao trở lên.

- Các cấp Hội LHPN trong tỉnh Hưng Yên đã có những đóng góp gì trong những thành quả chung đó, thưa ông?

Ông Lê Trung Cần: Để góp phần vào kết quả chung đó, các cấp Hội LHPN tỉnh Hưng Yên trong thời gian qua thực hiện rất tích cực. Hội cùng với ngành nông nghiệp nông thôn thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, giúp chị em phụ nữ nắm bắt được một cách đầy đủ các nội dung đề án, dự án; thực hiện các chương trình khuyến khích, thúc đẩy phát triển nông nghiệp; thực hiện xây dựng hợp tác xã, tổ hợp tác; tuyên truyền, phổ biến các kiến thức khoa học kỹ thuật xây dựng, các mô hình trình diễn để nhân rộng các quy trình công nghệ giống mới vật tư nông nghiệp, đầu tư vào quá trình sản xuất.

Qua đánh giá về đề án phát triển hợp tác xã, trong số hơn 300 hợp tác xã thì có tới trên 40 hợp tác xã có phụ nữ tham gia điều hành và quản lý các hợp tác xã, trong đó có những hợp tác xã hoạt động rất có hiệu quả, đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Phát huy tiềm năng, thế mạnh của quê hương, chung sức xây dựng nông thôn mới- Ảnh 2.

Các cấp Hội tỉnh Hưng Yên sáng tạo, tận dụng tiềm năng lợi thế của địa phương để phát triển kinh tế.

Đối với chương trình OCOP, trong số 86 chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP, có tới 20 chủ thể là các doanh nghiệp, tổ hợp tác hoặc là hộ sản xuất kinh doanh do phụ nữ quản lý, điều hành. Có những chủ thể cùng lúc được công nhận 10 sản phẩm OCOP. Những kết quả có được, trước hết là sự nỗ lực, cố gắng, dám nghĩ, dám làm, là sự sáng tạo của chị em phụ nữ. Bên cạnh đó, còn phải kể đến một phần đóng góp rất lớn là các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh.

- Trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ triển khai những chương trình, hoạt động gì để tiếp tục hỗ trợ hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế, chung sức xây dựng nông thôn mới tại địa phương, thưa ông?

Ông Lê Trung Cần: Chúng tôi xác định sẽ cùng các cấp Hội trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến để trước hết là đội ngũ cán bộ Hội, sau đó là hội viên, phụ nữ nắm được các chủ trương, chính sách của tỉnh, của huyện về việc phát triển sản xuất nông nghiệp nói chung cũng như tạo điều kiện cho chị em phát triển kinh tế, xây dựng các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. 

Chúng tôi cũng sẽ tiến hành rà soát lại các cơ chế, chính sách cho phù hợp với thực tiễn, đảm bảo các cơ chế chính sách ban hành thực sự có hiệu quả, đi vào thực tế và chị em phụ nữ có thể tiếp cận với các cơ chế chính sách đó một cách thuận lợi.

Phát huy tiềm năng, thế mạnh của quê hương, chung sức xây dựng nông thôn mới- Ảnh 3.

Hưng Yên quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP

Bên cạnh đó, chúng tôi đẩy mạnh các hoạt động phối hợp để thực hiện nâng cao trình độ, năng lực của người lao động như: Trình độ sản xuất, thâm canh đối với người lao động nữ; bồi dưỡng kiến thức, nâng cao trình độ về quản trị, về tổ chức điều hành, năng lực quản lý để các doanh nghiệp ra đời phát triển tốt, phát triển mạnh mẽ và ngày càng được mở rộng. Từ đó, sản phẩm sản xuất ra đảm bảo các tiêu chuẩn về chất lượng, về an toàn thực phẩm; đảm bảm tốt việc tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, các cơ quán chức năng cũng quan tâm, tạo điều kiện để xây dựng thương hiệu, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thực hiện tốt thương mại điện tử, là thế mạnh của chị em phụ nữ.

Ngoài ra, là các hoạt động tổ chức giao lưu, trao đổi kinh nghiệm để chị em các cơ sở cùng nhau học hỏi, phát huy kinh nghiệm phát triển kinh tế, làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội.

Xin cảm ơn ông!


Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn