Phát huy tính ưu việt của công nghệ số để tuyên truyền về phòng, chống mua bán người

16:53 | 22/12/2021;
Hội LHPN Việt Nam đã phát huy thế mạnh của tổ chức, phát huy tính ưu việt của công nghệ số, mạng xã hội để đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người.

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn xác định công tác đấu tranh phòng, chống mua bán người là một trong những nhiệm vụ quan trọng, được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Trung ương Đảng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác phòng, chống tội phạm, trong đó có tội phạm mua bán người, điển hình: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đưa mục tiêu "bảo vệ an ninh con người"; Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 13 ngày 16/8/2021 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 48 của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm. Đây là cơ sở chính trị rất quan trọng cho công tác phòng, chống mua bán người trong tình hình mới hiện nay. 

Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành, tổ chức thực hiện nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống mua bán người, điển hình là các quyền con người trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013; Luật Phòng, chống mua bán người; các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng, chống mua bán người theo giai đoạn 05 năm.

Phát huy tính ưu việt của công nghệ số để tuyên truyền về phòng, chống mua bán người - Ảnh 1.

Nhiều hình thức tuyên truyền về phòng, chống mua bán người được thực hiện

Đa dạng các hoạt động tuyên truyền về phòng, chống mua bán người

Đại tá Nguyễn Hoa Chi, Phó Cục trưởng Cục Đối ngoại, Bộ Công an, cho biết: Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2012 đến 2020, các cơ quan chức năng đã tổ chức được gần 13.000 buổi tuyên truyền về phòng, chống mua bán người với gần 3,5 triệu người dự; in ấn phát hành trên 156.000 tờ rơi, áp phích, băng, đĩa hình; đăng phát trên 3.600 tin, bài, ảnh, phóng sự tuyên truyền về phòng, chống mua bán người; khởi tố gần 1.500 vụ với gần 2.900 bị can phạm tội mua bán người; tiếp nhận, giải cứu, xác minh trên 7.300 nạn nhân bị mua bán.

Với vai trò là thành viên Ban chỉ đạo 138 của Chính phủ và nhiệm vụ được phân công trong Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hội LHPN Việt Nam đã phát huy thế mạnh của tổ chức, phát huy tính ưu việt của công nghệ số, mạng xã hội để đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người. Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương chia sẻ.

Phát huy tính ưu việt của công nghệ số để tuyên truyền về phòng, chống mua bán người - Ảnh 2.

Lễ phát động chung tay phòng chống mua bán người được thực hiện trên nền tảng số

Tiêu biểu như chiến dịch truyền thông hưởng ứng Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7/2021, chỉ tính riêng trên trang facebook của TƯ Hội LHPN Việt Nam đã có gần 130 nghìn lượt người tiếp cận các bài tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng về phòng, chống mua bán người. 

Cuộc thi trắc nghiệm trực tuyến về phòng, chống mua bán người sau 5 ngày phát động đã thu hút trên 19 nghìn lượt hội viên, phụ nữ và nhân dân tham gia; hơn 162.000 lượt tiếp cận, gần 27.000 lượt tương tác và 2.100 lượt chia sẻ sự kiện trực tuyến "Chung tay phòng, chống mua bán người", tạo hiệu ứng lan toả rộng khắp trong các lực lượng phụ nữ, cộng đồng xã hội và để lại ấn tượng tốt đẹp cho các tổ chức quốc tế.

Chính thức khai mạc từ ngày 21/12/2021, Triển lãm nghệ thuật trực tuyến "Đường đến bình yên" do Hội LHPN Việt Nam và Bộ Công an phối hợp tổ chức tiếp tục phát huy tính ưu việt của công nghệ số để tuyên truyền về phòng, chống mua bán người, cụ thể hóa thông điệp của "Ngày Thế giới phòng, chống mua bán người" năm 2021 là: "Lắng nghe nạn nhân - Dẫn lối hành động".  

Phát huy tính ưu việt của công nghệ số để tuyên truyền về phòng, chống mua bán người - Ảnh 3.

Lần đầu tiên tại Việt Nam triển lãm nghệ thuật "Đường đến bình yên" tuyên truyền về phòng, chống mua bán người được tổ chức theo hình thức trực tuyến

Bên cạnh đó, Hội LHPN Việt Nam chú trọng hoạt động can thiệp, hỗ trợ, tư vấn, giúp đỡ nạn nhân bị mua bán trở về có việc làm, tăng thu nhập để ổn định cuộc sống, tái hòa nhập tốt hơn với cộng đồng. Đặc biệt, mô hình Ngôi nhà bình yên của Hội LHPN Việt Nam đã phát huy hiệu quả hoạt động, thực sự là điểm tựa nâng đỡ chị em trở về, tái hòa nhập cộng đồng.

Các biện pháp về phòng, chống mua bán người đang được triển khai, đặc biệt trên nền tảng số, góp phần gửi đến cộng đồng thông điệp luôn luôn đề cao cảnh giác với tội phạm mua bán người, hãy hành động, cảm thông, sẻ chia và giúp đỡ những nạn nhân của tội phạm mua bán để họ sớm có được cuộc sống bình yên, hạnh phúc. 

Thủ đoạn của tội phạm mua bán người thường rất tinh vi như: Lợi dụng khó khăn về kinh tế, sự nhẹ dạ, cả tin, sự mất cảnh giác của nạn nhân để lừa bán phụ nữ ra nước ngoài; lừa gạt, dụ dỗ phụ nữ có thai ngoài ý muốn, phụ nữ có thai nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn xuất cảnh trái phép ra nước ngoài để bán bào thai hoặc sinh con, sau đó bán trẻ sơ sinh; thông qua điện thoại, các trang mạng xã hội để làm quen, giả yêu, kết bạn, rủ rê đi chơi, du lịch, mua sắm, đi làm thuê thu nhập cao, lừa các em gái ở các tỉnh đưa về thành phố bán vào nhà hàng, quán karaoke, massage hoặc khống chế, đe dọa nạn nhân, sau đó bán ra nước ngoài; lợi dụng hoạt động đi lại, buôn bán hàng hóa ở khu vực biên giới để tổ chức xuất cảnh trái phép, di cư, lao động thời vụ, sau đó lừa bán nạn nhân; lợi dụng quy định về y tế, nhân đạo để mua bán, chiếm đoạt mô, bộ phận cơ thể người…


Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn