Tối 12/11, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Lãnh đạo nữ ASEAN với sự tham dự của các nhà lãnh đạo nữ ASEAN, đại diện của Liên hợp quốc, Ngân hàng thế giới… Hội nghị Thượng đỉnh lãnh đạo nữ ASEAN là sự kiện vô cùng quan trọng và có ý nghĩa khi diễn ra trong bối cảnh chúng ta đang kỷ niệm 25 năm thông qua Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh về bình đẳng giới, 20 năm Nghị quyết đầu tiên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về phụ nữ - hòa bình - an ninh và 5 năm triển khai các Mục tiêu Phát triển bền vững tới 2030.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đây là dịp để các nhà Lãnh đạo ASEAN lắng nghe ý kiến và cùng trao đổi với những nhà Lãnh đạo nữ tiêu biểu trong khu vực, các tổ chức quốc tế. Qua đó nhằm phát huy hiệu quả hơn vai trò của phụ nữ đối với tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN và phục hồi tổng thể sau đại dịch. Đây cũng là một trong những hoạt động quan trọng trong khuôn khổ Năm ASEAN 2020 nhằm kỷ niệm 25 năm Liên hợp quốc thông qua Cương lĩnh Bắc kinh về bình đẳng giới, 20 năm Nghị quyết đầu tiên của Hội đồng Bảo an về phụ nữ-hoà bình - an ninh, tròn 5 năm thành lập Cộng đồng ASEAN và triển khai các Mục tiêu phát triển bền vững tới 2030.
Trong bối cảnh thế giới tiếp tục hội nhập và liên kết sâu rộng, phụ nữ ngày càng có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của mọi quốc gia, cũng như trong giải quyết những thách thức an ninh quốc tế và khu vực.
Trên phương diện chính trị-an ninh, dù chỉ chiếm 2% tổng số các nhà đàm phán, hòa giải, song phụ nữ là nhân tố không thể thiếu được trong các tiến trình kiến tạo hòa bình và an ninh bền vững. Theo thống kê của LHQ, sự tham gia của phụ nữ đã góp phần bảo đảm 35% các thỏa thuận về hòa bình đạt được có hiệu lực dài hơn 15 năm.
Ở góc độ kinh tế và phát triển, việc thúc đẩy bình đẳng giới và loại bỏ các rào cản đối với phụ nữ sẽ giúp GDP thế giới tăng trưởng thêm 8,3% hàng năm và đóng góp thêm 4,5 nghìn tỷ USD vào tổng GDP của Châu Á - Thái Bình Dương tới năm 2025. Gần đây nhất, vai trò của người phụ nữ lại được khẳng định trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, khi tại các quốc gia có Lãnh đạo nữ, tỉ lệ số bệnh nhân tử vong do COVID thấp hơn 6 lần so với các nơi khác.
Theo ước tính của Liên hợp quốc, tới 2021 sẽ có 435 triệu phụ nữ và trẻ em gái rơi vào tình trạng nghèo đói, trong đó 47 triệu là do tác động trực tiếp của COVID-19. Điều này xuất phát từ việc phụ nữ là lực lượng đi đầu chăm sóc sức khỏe bệnh nhân nên có tỉ lệ nhiễm dịch cao; đa số lao động nữ làm việc trong những ngành nghề chịu tác động trực tiếp của dịch bệnh như bán lẻ, dịch vụ và khu vực kinh tế không chính thức. Ngoài ra, các chính sách giãn cách xã hội và tập trung nguồn lực quốc gia cho công tác phòng chống dịch cũng đang góp phần làm gia tăng nạn bạo lực gia đình và giảm chất lượng các dịch vụ y tế thiết yếu đối với phụ nữ.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao nỗ lực của ASEAN thông qua các chương trình bảo đảm bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ. Theo Chủ tịch, sau gần 5 năm thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, chúng ta đang hướng đến một Cộng đồng thống nhất, hòa bình, ổn định và cùng chia sẻ sự thịnh vượng, hướng tới người dân và lấy người dân làm trung tâm, bảo đảm cơ hội tiếp cận bình đẳng cho tất cả mọi người, nhất là phụ nữ và trẻ em gái.
Theo Chủ tịch Kim Ngân, ASEAN cần đặt người phụ nữ vào trọng tâm công cuộc tái thiết và phục hồi; tăng cường vai trò lãnh đạo và tiếng nói của phụ nữ trong các quá trình đưa ra quyết sách. Tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển và củng cố sự tự cường của Cộng đồng trước những cú sốc bên ngoài.
Ngoài ra, cần đưa bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ thành một ưu tiên quan trọng trong tiến trình xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng sau 2025. ASEAN cần có cách tiếp cận mới, sáng tạo và hiệu quả hơn để phát huy vai trò của người phụ nữ trên mọi phương diện, đồng thời tranh thủ tận dụng các lợi ích do tiến bộ khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ số, mang lại để nâng cao năng lực và phát huy tiềm năng của người phụ nữ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn