Phát huy vai trò của phụ nữ trong việc bảo vệ nguồn nước, hệ sinh thái ven biển

22:16 | 23/11/2018;
Việt Nam đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm và khan hiếm tài nguyên nước. Do đó, cần thúc đẩy vai trò của phụ nữ trong quản trị tài nguyên nước và bảo vệ môi trường, để đảm bảo an ninh sinh kế và hạnh phúc cho cả cộng đồng.
Bảo vệ tài nguyên nước
 
 
dao-trong-tu.JPG
Tiến sĩ Đào Trọng Tứ - Trưởng Ban điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN)

 

Tại Hội nghị Thường niên Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam tổ chức tại Tam Kỳ (Quảng Nam) ngày 22/11, Tiến sĩ Đào Trọng Tứ - Trưởng Ban điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN), Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Tư vấn Bền vững Tài nguyên nước và Biến đổi khí hậu (CEWAREC) chia sẻ, Việt Nam có mạng lưới sông ngòi dày đặc với hàng nghìn con sông lớn nhỏ được thiên nhiên ban tặng. Gắn liền với sông ngòi là nguồn tài nguyên vô giá: nước và nguồn thủy sinh, ngoài việc cung cấp cho hoạt động sinh kế của cư dân còn là phương tiện giao thông thủy quan trọng. Cùng với sự gia tăng kinh tế và dân số, nhiều nguồn tài nguyên của đất nước bị khai thác quá mức, trong đó có tài nguyên nước.
 
Việc phát triển thủy điện dày đặc, chặn dòng chảy của hầu hết các dòng sông, mặc dù đem lại nguồn điện lớn cho phát triển kinh tế nhưng sự phát triển quá ồ ạt đã để lại những hậu quả lớn đối với đối với thiên nhiên và con người. Sự biến đổi dòng chảy tự nhiên, gia tăng nguy cơ lũ vào mùa mưa và thiếu nước vào mùa kiệt do vận hành không tuân thủ các quy trình của các nhà máy thủy điện đã xảy ra và gây bức xúc cho xã hội. Các sông sông oằn mình gánh quá nhiều thủy điện làm cho làm cho môi trường các lưu vực sông biến dạng.
 

Bên cạnh đó, việc lấn chiếm các dòng sông diễn ra ngày càng nhiều, đe dọa nghiêm trọng đến môi trường sông và đa dạng sinh học cũng như sự phát triển bền vững của các cộng đồng ở lưu vực sông. Các khu công nghiệp mở ra ngày càng nhiều cùng với quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, việc kiểm soát và giám sát nguồn nước thải yếu kém góp phần làm bức nhiều con sông lớn nhỏ ở hầu hết các thành phố và thôn quê. Sự suy giảm về chất lượng và số lượng nước đã và đang gây ra nhiều hệ lụy đối với sức khỏe của chính chúng ta và các thế hệ trẻ trong tương lai.

 
hoat-dong-bao-ve-moi-truong-o-soc-trang.jpg
Phụ nữ Sóc Trăng thu gom rác thải, bảo vệ môi trường

  

Để bảo vệ nguồn nước, VRN đã thực hiện mô hình phụ nữ giám sát chất lượng nước tại thành phố Sóc Trăng. Đây là mô hình đầu tiên mà VRN thực hiện thí điểm tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) do Hội phụ nữ đảm nhận. Bà Lê Thị Hương Lan - Chủ tịch Hội LHPN thành phố Sóc Trăng cho biết, qua 6 tháng làm việc, hội viên phụ nữ đã thu thập thông tin mẫu nước và gửi kết quả lên Trung tâm quan trắc chất lượng nước và phòng môi trường của thành phố. Hoạt động giám sát chất lượng nước tại thành phố Sóc Trăng đã thu hút sự tham gia của cộng đồng tại 4 phường thu gom rác thải, nạo vét rác thải dưới kênh rạch và trồng cây cảnh tại địa bàn. Hội phụ nữ đã cùng phối hợp với chính quyền các phường làm công tác truyền thông bảo vệ bảo vệ môi trường, thu gom rác thải.
 
le-thi-huong-lan.JPG
Bà Lê Thị Hương Lan - Chủ tịch Hội LHPN thành phố Sóc Trăng

 

Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Hồng Vân - Điều phối viên VRN cho hay, Hội đồng Mạng lưới VRN đã lựa chọn thực hiện dự án địa bàn tại nhiều tỉnh thành khác nhau trong việc quản trị tài nguyên nước: Phát huy nhân tố Giới trong bảo vệ nguồn nước hạ lưu sông Mekong từ mô hình lọc nước bằng phương pháp màng sinh học và trồng cây chùm ngây ven sông, kênh rạch do Nhóm Sáng tạo khởi nghiệp Bến Tre thực hiện. Ngoài ra, Hội nông dân thành phố Cần Thơ đã triển khai hoạt động nhằm nâng cao ý thức bảo vệ nguồn nước mặt của hội viên nông dân nữ tại xã Thới Xuân, huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ. Nhóm Thanh niên ĐBSCL (MDY) cùng Hội phụ nữ huyện Long Mỹ (Hậu Giang) sử dụng lục bình làm bè nổi trồng rau nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và ngăn chặn sự ô nhiễm dòng sông Xã Long Trị A…
 
trong-cay-chum-ngay.jpg
Trồng cây chùm ngây

 

Bảo vệ hệ sinh thái ven biển
 
mang-luoi-song-ngoi-1.jpg
Các đại biểu tham dự Hội nghị Thường niên Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam

  

Theo PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu về biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ, Việt Nam đang đối mặt với tình trạng biến đổi khí hậu bất thường và khan hiếm tài nguyên nước trong thời gian tới. Phụ nữ, trẻ em, người già, người khuyết tật và các nhóm dễ tổn thương sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận và sử dụng tài nguyên nước. Đặc biệt là phụ nữ, trẻ em, người già và các nhóm dễ bị tổn thương đang sinh sống tại khu vực ĐBSCL, nơi cũng đang phải đối mặt với sự suy giảm phù sa, sản lượng thủy sản, tình trạng xâm nhập mặn. Dự án Hệ thống Thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé đã tác động lớn tới phát triển sinh kế, nuôi trồng thủy sản và phân chia sử dụng tài nguyên nước tại các tỉnh ĐBSCL. Những tác động trên sẽ ảnh hưởng tới phát triển kinh tế-xã hội bền vững, an sinh xã hội tại ĐBSCL trong thời gian tới.
 
cai-be.jpg
Tàu cá neo đậu trên sông Cái Bé, Cái Lớn (Kiên Giang)

 

Do đó, việc đánh giá vai trò của phụ nữ, nam giới tham gia vào quản trị tài nguyên nước, thích ứng với BĐKH, bảo vệ môi trường và an ninh nguồn nước hiện nay cần được quan tâm đúng mức, đảm bảo đầy đủ số liệu phân tích cụ thể nhằm đưa ra các đóng góp ý kiến cho chính phủ trong việc hoạch định chính sách, lập kế hoạch hành động về bình đẳng giới. Như vậy, các chính sách này sẽ thúc đẩy vai trò phụ nữ và nam giới tham gia tích cực hơn vào câu chuyện quản trị tài nguyên nước và bảo vệ môi trường, để cải thiện khả năng phục hồi và thích ứng với BĐKH đảm bảo an ninh sinh kế và hạnh phúc của họ.
 
pham-dieu-my.JPG
Bà Phạm Diệu My - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Xã hội (CSRD)

  

Cũng bàn về vấn đề này, bà Phạm Diệu My - Thành viên Ban điều hành VRN, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Xã hội (CSRD) nhấn mạnh, ở tỉnh Thừa Thiên - Huế, phá Tam Giang là nguồn sinh kế chính của người nghèo, những người có nguồn sinh kế phụ thuộc trực tiếp vào tài nguyên thiên nhiên. Trong những thập kỷ gần đây, khu vực thấp trũng vùng ven biển bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi nhiều trận lụt từ sông, biển và những trận mưa lớn.
 
thich-ung.jpg
Trồng cây ngập mặn

 

CSRD đã thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong quản lý rủi ro thiên tai (DRM) và thích ứng biến đổi khí hậu (CCA) thông qua thích ứng dựa vào hệ sinh thái (EbA) với các giải pháp về phục hồi, bảo tồn và quản lý bền vững rừng ngập mặn ở khu vực đầm phá. EbA sử dụng các dịch vụ đa dạng sinh học và hệ sinh thái như một chiến lược thích ứng tổng thể. CSRD đã cùng cộng đồng địa phương đã tiến hành trồng khoảng 5 ha rừng ngập mặn ở xã Hải Dương và Lộc Vĩnh.
 
rung-ngap-man-1.jpg
Màu xanh rừng ngập mặn ở Huế

  

Bên cạnh đó, Hội LHPN tỉnh Thừa Thiên-Huế đã trực tiếp tổ chức các sự kiện truyền thông về chủ đề tăng cường khả năng chống chịu lũ lụt và thích ứng dựa vào hệ sinh thái Eba cho gần 700 phụ nữ. Các thành viên của Hội phụ nữ đã được tham gia vào các khóa đào tạo về quản lý mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng với quy mô nhỏ nhằm tạo ra lợi ích kinh tế trực tiếp từ rừng ngập mặn. Ngoài ra, quỹ tín dụng vi mô liên kết hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ và bảo tồn rừng ngập mặn cũng được thành lập và đi vào hoạt động. Qua đó, khả năng phục hồi lũ lụt của 4.800 cư dân ven biển đã dần cải thiện.
 
Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (viết tắt là VRN) hiện có 300 thành viên, trong đó có 4 thành viên chủ chốt là Trung Tâm Bảo Tồn và Phát triển Tài Nguyên Nước (WARECOD), Trung Tâm Nghiên Cứu Phát triển Xã hội (CSRD), Trung Tâm Đa Dạng Sinh học và Phát Triển (CBD) và Trung Tâm Sáng Tạo và Phát triển Xanh (GreenID).
 
Mục tiêu chiến lược của VRN là hỗ trợ, chia sẻ thông tin và thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức chính trị xã hội, NGOs, nhóm xã hội và cộng đồng vào quản lý tài nguyên nước ở Việt Nam.
 
Với sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính của Oxfam, VRN hướng tới việc tập huấn mô hình quản lý thủy lợi có sự tham gia và đóng góp ý kiến cho Luật Thủy lợi; nâng cao nhận thức, sự tham gia của phụ nữ về quản lý tài nguyên nước…

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn