Nữ Bí thư của cộng đồng
Thôn Soi Chát (xã Sơn Hải, huyện Bảo Thắng, Lào Cai) có 110 hộ, với 330 khẩu. Chi bộ thôn có 11 đảng viên, trong đó 09 đảng viên chính thức, 02 đảng viên dự bị.
Năm 2011, bà Nguyễn Thị Minh được bầu làm Bí thư chi bộ thôn Soi Chát. Với vai trò là người đứng đầu chi bộ, bà cùng với cán bộ, Đảng viên và nhân dân trong thônbàn bạc các giải pháp để phát triển kinh tế hộ gia đình, nâng cao tiêu chí thu nhập. Mỗi việc làm, chủ trương mới, đồng chí Bí thư chi bộ đều đưa ra bàn bạc công khai, dân chủ, qua đó tạo được sự đoàn kết thống nhất trong chi bộ, sự đồng thuận của Nhân dân.
Chỉ trong vài năm, thôn Soi Chát đã hình thành, phát triển được một số mô hình kinh tế hiệu quả. Cả thôn có 79/110 hộ tham gia chăn nuôi gia cầm với trên 67.000 con; nuôi, duy trì đàn lợn trên 1.170 con và trồng trên 2 ha cây chuối ngự Đại Hoàng.
Ngoài phát triển chăn nuôi, Chi bộ còn cùng nhân dân trồng, chăm sóc và phát triển rừng. Đến nay, thôn Soi Chát có 80ha rừng trồng quế, keo và các loại gỗ khác. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người của thôn Soi Chát đạt 43 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm, hiện thôn chỉ còn 4 hộ nghèo.
"Muốn lời nói của mình có sức thuyết phục, trước hết phải gần gũi với dân, lấy dân làm gốc, lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của dân, từ đó mới được dân tin và làm theo. Sự đồng thuận cao của nhân dân là yếu tố quan trọng để hoàn thành tốt mọi phong trào cấp trên phát động", bà Minh chia sẻ.
Cũng như bà Minh, năm 2012 ông Vũ Anh Viền được tín nhiệm bầu gữ Bí thư chi bộ thôn An Thắng (xã Sơn Hà, huyện Bảo Thắng, Lào Cai). Ông Viền cho biết, thôn An Thắng có 135 hộ gia đình với trên 500 khẩu; chi bộ có 10 đảng viên, nhân dân trong thôn chủ yếu phát triển thương mại, dịch vụ, nông nghiệp và trồng rừng,…
Để tạo sự đồng thuận từ nhân dân, ông cùng Chi bộ xác định mỗi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, đi đầu trong thực hiện các phòng trào của địa phương. Từ nhận thức đó, đồng chí đã cùng cấp ủy, Chi bộ và Ban phát triển thôn tập trung rà soát, xây dựng kế hoạch thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Trong đó, xác định cụ thể từng tiêu chí thôn phải làm, tiêu chí hộ gia đình phải thực hiện và thời gian hoàn thành sau đó công khai cho cán bộ, đảng viên và nhân dân biết, bàn bạc, quyết định.
Trong quá trình triển khai, ông và luôn gương mẫu, đi đầu trong việc vận động gia đình, người thân thực hiện việc đóng góp tiền, ngày công, hiến đất mở rộng đường giao thông. Từ đó, tuyên truyền, tạo niềm tin và sự đồng thuận trong nhân dân. Đến nay, nhân dân trong thôn đã hiến gần 1.000m đất, đóng góp 112 triệu tiền mặt và trên 200 công lao động để làm đường giao thông nông thôn. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4/137 hộ, hộ cận nghèo 13/137 hộ, thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt 58,5 triệu đồng.
Người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số là những "đầu tàu", gương mẫu trong việc tuyên truyền và chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; vận động gia đình, dòng họ và nhân dân không tin, không nghe theo kẻ xấu. Chủ động nắm bắt tình hình, phối hợp quản lý, giáo dục, cảm hóa người lầm lỗi, phạm tội tại cộng đồng dân cư; giải quyết các vụ tranh chấp, khiếu kiện, hòa giải mâu thuẫn trong ngay từ cơ sở; đấu tranh có hiệu quả âm mưu, ý đồ và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật...
Hiện nay, trên địa bàn huyện Bảo Thắng có 83 người uy tín, gồm các dân tộc: Dao 41,66%, Mông 22,61%, Giáy 4,76%, Nùng 9,52%, Kinh 1,19 %, Phù Lá 2.38%. Người có uy tín chủ yếu là thầy cúng, thầy mo; trưởng thôn, Trưởng ban công tác Mặt trận, Chi hội trưởng Phụ nữ.
Theo Huyện ủy Bảo Thắng, trong những năm qua, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện bảo Thắng luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, là cầu nối quan trọng giữa chính quyền với Nhân dân. Họ cũng là địa chỉ tin cậy của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể, có vai trò quan trọng trong tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - trật tự của địa phương.
Trong phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, rất nhiều người có uy tín đã mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh; Tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp tiền, ngày công thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Điển hình như ông Đặng Văn Bình (thôn Nậm Tang, xã Bản Cầm); Bà Đặng Thị Dẩn (thôn Nậm Sò, xã Bản Phiệt)…. tích cực vận động nhân dân thực hiện tốt các tiêu chí nông thôn mới, làm chuồng trại nuôi nhốt gia súc, làm nhà vệ sinh, thu góp rác thải, xây dựng mô hình "Bảo vệ đường biên mốc giới" thôn Nậm Sò; Ông Thào Seo Phổng, dân tộc Mông, Trưởng thôn Cửa Cải, xã Xuân Quang tiêu biểu trong phát triển kinh tế gia đình và vận động Nhân dân cải tạo phong tục tập quán lạc hậu, xây dựng nông thôn mới.
Với vai trò đặc biệt của mình, đội ngũ người có uy tín đã góp phần không nhỏ trong củng cố niềm tin của đồng bào dân tộc thiểu số đối với sự lãnh đạo của Đảng và điều hành quản lý của Nhà nước. Họ thực sự là "cầu nối" giữa các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ với Nhân dân trong việc xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, xây dựng kinh tế, gìn giữ giá trị văn hóa của địa phương.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn