- Hiện nay, tập tục văn hóa lạc hậu vẫn còn tồn tại trong vùng dân tộc thiểu số, làm cản trở những cơ hội phát triển của phụ nữ, trẻ em, ông có nhận định thế nào về vấn đề này?
- Ông Lưu Xuân Thủy: Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước xác định văn hóa dân tộc thiểu số là một bộ phận quan trọng, là động lực của sự phát triển, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc, đồng thời, thực hiện các chính sách, chương trình hỗ trợ nhằm thúc đẩy vai trò làm chủ của đồng bào trong xây dựng đời sống văn hoá, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu.
Nước ta với 53 dân tộc thiểu số, có tiếng nói, ngôn ngữ, nét văn hóa đặc sắc riêng, có giá trị trường tồn qua nhiều đời, có nhiều giá trị văn hóa từ câu hò, dân ca dân vũ, cồng chiêng... Mặt khác, đến ngày nay, vẫn còn những tập tục văn hóa đã lạc hậu, có nét hạn chế so với sự phát triển của đất nước. Vì thế, cần nhận diện được những tập tục, văn hóa hạn chế đó để cùng giảm thiểu, xóa bỏ, qua đó giúp cho đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số phát triển.
Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2021, trong đó giao Hội LHPN Việt Nam chủ trì Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ, và trẻ em" được triển khai thực hiện tại 51 tỉnh, thành phố.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Dự án 8 là tăng cường vai trò của thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong việc phát triển đời sống văn hóa, xóa bỏ các tập tục có hại. Đó là những tập tục văn hóa dù đã tồn tại lâu đời nhưng làm cản trở những cơ hội phát triển của nữ giới, khắc sâu những quan điểm định kiến giới trong nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số và là rào cản gây ảnh hưởng tới hoạt động bình đẳng giới.
Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ, và trẻ em" do Hội LHPN Việt Nam chủ trì thực hiện, nằm trong Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đây là một chương trình lớn, trong đó có bao hàm các nội dung liên quan tới nhận diện, xóa bỏ các tập tục lạc hậu trong vùng dân tộc thiểu số. Những tập tục lạc hậu đang cản trở sự phát triển, tiến bộ của vùng dân tộc thiểu số còn còn tồn tại đến ngày nay; có thể kể ra như tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, mục đích lấy vợ, gả chồng sớm cho con là tăng lực lượng lao động, nhưng để lại hậu quả nặng nề cho phụ nữ, trẻ em gái; vấn đề ma chay vẫn còn giữ một số tập tục cũ như bón cơm cho người chết, làm tang ma dài ngày. Một số dân tộc vẫn quan niệm về người ốm là do "ma nhập", còn tình trạng thầy mo, thầy cúng chữa bệnh... Những tập tục đã lỗi thời, không còn phù hợp này gây ra những hệ lụy nghiêm trọng, đặc biệt là ảnh hưởng rất nặng nề và làm cản trở sự tiến bộ của phụ nữ, trẻ em dân tộc thiểu số.
- Để xóa bỏ tập tục văn hóa có hại trong vùng dân tộc, thiểu số, một trong những giải pháp quan trọng là thúc đẩy sự tham gia của lực lượng thanh niên, theo ông, cần phải phát huy vai trò của thanh niên xung kích, tiên phong trong lĩnh vực này thế nào?
- Ông Lưu Xuân Thủy: Tôi cho rằng, thanh niên có vai trò rất quan trọng trong việc nhận diện, xóa bỏ các tập tục văn hóa có hại, đã lạc hậu. Thanh niên phải vào cuộc bởi đây là lực lượng có trình độ, hiểu biết nhất trong cộng đồng, làng bản của vùng dân tộc thiểu số. Những thanh niên được học tập ở các trường nội trú, bán trú, được nâng cao nhận thức nên sẽ có điều kiện để nhận diện được các hạn chế của một số tập tục có hại trong chính cộng đồng, dân tộc của mình. Chính các bạn thanh niên sẽ nêu lên được quan điểm của mình, có thể phản bác lại các tập tục lỗi thời, để những người khác trong cộng đồng hiểu, nhận ra và tiến tới xóa bỏ các tập tục lạc hậu đó. Các bạn thanh niên chính là cầu nối để lưu giữ, phát triển văn hóa tốt đẹp, đồng thời cũng là lực lượng xung kích xóa bỏ những tập tục đã lỗi thời.
- Theo ông, vấn đề khó khăn nhất để xóa bỏ các tập tục, văn hóa có hại và cần phải làm gì để phát huy vai trò của thanh niên trong vùng dân tộc thiểu số hiện nay?
- Ông Lưu Xuân Thủy: Đồng bào dân tộc thiểu số được nhận diện có 5 vấn đề khó khăn nhất: Thứ nhất là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn nhất; thứ 2, hệ thống giao thông đi lại khó khăn nhất; thứ 3 là kinh tế chậm phát triển nhất; thứ 4 là trình độ, nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế nhất; thứ 5 là cơ hội tiếp cận với các dịch vụ công ích, cơ hội chăm sóc sức khỏe, an sinh xã hội hạn chế nhất.
Nhiều năm qua, từ Trung ương đến địa phương có nhiều chính sách, tạo điều kiện để đồng bào dân tộc thiểu số phát triển về mọi mặt ở lĩnh vực kinh tế, y tế, văn hóa, giáo dục... Cuộc sống của đồng bào đã có nhiều bước phát triển so với trước đây. Trong đó, thế hệ thanh niên dân tộc thiểu số cũng được tạo nhiều điều kiện để phát triển, học tập, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.
Hỗ trợ thanh niên phát triển các mô hình kinh tế, hiện nay đã có các chương trình hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số chuyển đổi mô hình kinh tế, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, chăn nuôi, thủy sản..., triển khai các mô hình kinh tế, mô hình sản xuất mới, nuôi trồng cây - con đặc sản của địa phương.
Chính bản thân thanh niên dân tộc thiểu số có nhiều cơ hội học tập, tiếp xúc với những kiến thức mới, cũng cần phải chủ động hơn, tích cực kết nối với những người cùng đam mê, tìm tòi, sáng tạo các hướng đi mới để đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế. Phải có khát vọng vươn lên, trở thành những doanh nhân đi đầu rồi quay trở lại hỗ trợ, giúp đỡ bà con dân tộc mình cùng phát triển đồng đều cả về kinh tế, văn hóa, xã hội.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn