Người dân Hà Nội chắc không ai thấy lạ với cảnh hàng ngày trên đường phố thủ đô ngàn năm văn hiến, rác thải xả bừa bãi, chất đống trên đường. Tiếp đến là cảnh, công nhân môi trường còng lưng đi thu dọn rồi tập kết các xe gom rác, thùng rác đầy ắp xếp hàng dưới lòng đường.
Mùi xú uế của rác mới cộng với nước rác cũ đọng dưới các điểm tập kết bốc lên nồng nặc, khăm khẳm... hòa vào không khí của hầm hập oi bức của đô thị thực sự gây phản cảm, làm mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường sống trầm trọng.
Bộ mặt thành phố nhếch nhác, bẩn thỉu như vậy lỗi không chỉ thuộc về Công ty Môi trường, mà nguyên nhân chính là do người dân có thói quen xả rác ra đường vô tội vạ. Người vứt cứ vứt, người dọn cứ dọn, không khác gì đê vỡ không lo đắp đê mà chỉ lo tát nước? Với cách làm này, đường sẽ không bao giờ hết rác và người dân sẽ phải sống chung với những con đường luôn trong tình trạng ngập rác.
Phải làm sao để ban ngày trên đường phố không còn rác vứt bừa bãi? Người dân chỉ cần phân loại rác là không đủ, mà còn cần tuân thủ nghiêm túc việc bỏ rác đúng giờ, đúng nơi quy định; tuyệt đối không bỏ rác ra đường phố vào ban ngày và cần phối hợp với đơn vị chuyên trách thống nhất thời gian, địa điểm thu rác vào ban đêm. Việc làm này là để ngăn chặn nguồn xả thải- nguyên nhân chính gây mất vệ sinh đường phố.
Các đơn vị làm công tác vệ sinh môi trường cũng cần nhanh chóng có phương án quy định và phối hợp với người dân đồng bộ hóa công tác thu gom rác thải đã phân loại, đúng giờ, đúng nơi quy định và vận chuyển về các khu vực xử lý.
Thực tế Công ty TNHH một thành viên MTĐT (Urenco) từng triển khai tuyên truyền người dân bỏ rác đúng giờ, đúng nơi quy định và phối hợp tổ chức thu rác theo giờ tại 4 quận nội thành: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng. Nhưng cho đến nay vẫn không đạt được kết quả.
Để thay đổi thói quen xả rác bừa bãi của người dân không đơn giản. Bởi không ít người dân còn có những phản ứng tiêu cực như mắng chửi, đánh công nhân môi trường khi bị nhắc nhở xả rác bừa bãi. Họ cho rằng việc của công nhân là đi thu dọn rác chứ không có quyền nhắc nhở…
Điều đáng nói, việc xả rác là vi phạm pháp luật nhưng người dân không sợ bởi hiện nay không có lực lượng chức năng nào đi xử phạt hành vi xả rác bừa bãi ra đường phố. Chính vì vậy đã đến lúc cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng, để có thể tiến hành xử phạt nghiêm các hành vi xả rác bừa bãi, để luật có thể triển khai trong cuộc sống, chứ không phải chỉ tồn tại trên giấy.
Trước đó, đã có Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có lực lượng nào thực hiện việc xử phạt hành vi xả rác bừa bãi ra đường phố và nơi công cộng. Nay có thêm Nghị định số 45/2022/NĐ-CP có thể giúp đảm bảo vệ sinh môi trường của Thủ đô và của đất nước ngày một sạch đẹp hơn.
Quy định cấm người dân không xả rác bừa bãi ra đường phố ban hành đến nay đã gần 6 năm nhưng thực tế người dân vẫn thoải mái xả rác bừa bãi hàng ngày mà không bị ai phạt. Nếu không có lực lượng chức năng thực hiện xử phạt các hành vi trên thì chắc chắn việc yêu cầu người dân phải phân loại rác tại nguồn cũng khó mà thực hiện được.
Lấy một ví dụ nếu như không có cảnh sát giao thông xử phạt các hành vi vi phạm luật giao thông thì liệu người dân có chấp hành đội mũ bảo hiểm, có tuân thủ không lái xe khi đã uống rượu, bia, thậm chí sẽ không ai mua bảo hiểm xe máy...
Chính vì vậy để bảo vệ môi trường, đã đến lúc cần có sự vào cuộc của cơ quan chức năng, có hướng dẫn triển khai cụ thể đến người dân và có lực lượng xử phạt nghiêm minh các hành vi trái với Nghị định được chính phủ ban hành. Có như vậy pháp luật trong lĩnh vực vệ sinh môi trường mới được thực thi.
Tại phố Hào Nam, mặc dù có biển cấm đổ rác nhưng khu vực này vẫn thường xuyên có rác chất đống- đây cũng không phải cảnh hiếm gặp ở Hà Nội.
Tại phố Khâm Thiên, rác "ngập đường" là có thật, cứ vài bước chân lại có một đống rác, lớn nhỏ đủ cả.
Tại phố Tôn Đức Thắng, rác cũng "đầy đường".
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn