Phát minh Pin Lithium-ion giành Giải Nobel Hóa học 2019

18:18 | 09/10/2019;
Ngày 9/10, Viện Hàn lâm Khoa học Thụy Điển đã công bố chủ nhân của giải Nobel Hóa học năm 2019, vinh danh 3 nhà khoa học John B. Goodenough (người Mỹ), M. Stanley Whittingham (người Anh) và Akira Yoshino (người Nhật Bản) với những đóng góp trong việc phát triển pin Lithium-ion, cách mạng hóa cuộc sống hiện đại.
3 nhà khoa học giành giải Nobel Hóa học 2019 (từ trái sang): Akira Yoshino, John B. Goodenough và M. Stanley Whmitham. Ảnh: CNN

 

Ba nhà khoa học từ Mỹ, Anh và Nhật Bản chia sẻ giải Nobel Hóa học năm nay nhờ công trình phát triển pin lithium-ion. Ba nhà khoa học đóng những vai trò quan trọng trong từng giai đoạn nghiên cứu, phát minh và phát triển pin Lithium. Pin Lithium-ion đã được ứng dụng vào gần như mọi mặt trong cuộc sống hiện nay và là một phần không thể thiếu trong thời đại của công nghệ kỹ thuật số.
 
Cơ chế hoạt động của pin Lithium-ion

  

Pin Lithium-ion (còn gọi là pin Li-ion) là loại pin được cấu tạo gồm các thành phần cơ bản là chất điện phân đóng vai trò như môi trường điện ly giữa hai cực âm và dương của pin. Ưu điểm lớn của pin lithium-ion là có thể sạc đi sạc lại nhiều lần, mật độ năng lượng lớn (kể cả trên kích thước pin nhỏ), ít bị tự xả (giữ năng lượng lâu), thân thiện môi trường hơn so với các công nghệ cũ.
 
Đầu những năm 1970, khi phát triển pin Lithium đầu tiên, Stanley Whittingham đã tận dụng năng lượng khổng lồ của Lithium để giải phóng electron lớp ngoài. John Goodenough đã tìm ra cách tăng gấp đôi điện thế của pin lithium, tạo ra một loại pin mạnh và hữu dụng hơn rất nhiều. Akira Yoshino gặt hái thành công trong việc loại bỏ Lithium tinh khiết khỏi pin và dựa hoàn toàn vào các ion lithium an toàn hơn so với Lithium tinh khiết. Điều này làm cho pin dễ sử dụng hơn trong thực tế.
 
Các nhà khoa học đoạt giải Nobel Hóa học 2019

  

Nhà lý-hóa học Sara Snogerup Linse - Chủ tịch Ủy ban Nobel về Hóa học nhấn mạnh, pin Lithium-ion với trọng lượng nhẹ mà các 3 nhà khoa học nghiên cứu phát triển đã giúp đưa thế giới "tiếp cận với một cuộc cách mạng công nghệ mới". Có thể nói, pin Lithium-ion đã cách mạng hóa cuộc sống hiện đại. Nó được sử dụng trong mọi thứ từ điện thoại di động, laptop đến xe điện. Các nhà khoa học đoạt giải năm nay đã đặt nền tảng cho một xã hội không dây, không nhiên liệu hóa thạch. Lithium ion là loại pin nhẹ đầu tiên, tạo điều kiện cho sự ra đời của các thiết bị điện tử nhỏ gọn như điện thoại di động hay máy tạo nhịp tim.
Trong phần trả lời báo chí qua điện thoại, ông Akira Yoshino cho biết trí tò mò là động lực lớn nhất giúp ông nghiên cứu và đạt được phát minh về pin Lithium-ion chứ không phải mong muốn kiếm được nhiều tiền hơn từ phát minh của mình.
 
Nhà khoa học Frances Arnold giành giải Nobel Hóa học 2018

 

Trong gần 119 năm qua, đã có tổng cộng 110 giải thưởng Nobel Hóa học được trao cho 181 nhà khoa học trên thế giới. Tuy nhiên, chỉ có 5 nữ khoa học gia nhận giải Nobel Hóa học trong lịch sử: Marie Curie (Pháp) nhận giải thưởng năm 1911, Irène Joliot-Curie (người Pháp, con gái Marie Curie và là vợ của Frédéric Joliot) nhận Nobel Hóa học năm 1935, Dorothy Crowfoot Hodgkin (Anh) nhận Nobel Hóa học năm 1964, Ada Yonath (Israel) nhận giải năm 2009. Nhà khoa học nữ người Mỹ Frances Arnold giành giải Nobel Hóa học 2018 với nghiên cứu về kiểm soát tiến hóa của enzyme.
 
Ở tuổi 97, John B. Goodenough đã lập kỷ lục trở thành người cao tuổi nhất từng nhận giải Nobel ở bất kỳ lĩnh vực nào, phá vỡ kỷ lục 96 tuổi năm ngoái của Arthur Ashkin. Ông Goodenough là nhà vật lý chất rắn. Ông hiện là giáo sư về kỹ thuật cơ khí và khoa học vật liệu tại Đại học Texas ở Austin (Mỹ).
 
Ông M. Stanley Whittingham hiện là giáo sư hóa học và là giám đốc Viện nghiên cứu vật liệu và Chương trình Khoa học và Kỹ thuật vật liệu tại Đại học Binghamton, một bộ phận của Đại học tiểu bang New York. Ông hiện cư trú ở Mỹ. Còn ông Akira Yoshino là một nhà hóa học Nhật Bản. Ông là thành viên của Tập đoàn Asahi Kasei và giáo sư của Đại học Meijo.  

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn