Phạt nặng uống rượu bia vẫn lái xe: Vợ vui, dân nhậu "chờn"

18:58 | 06/01/2020;
"Tôi ủng hộ phạt và phạt nặng hành vi uống bia rượu lái xe. Đối với ý thức người Việt thì cần liệu pháp sốc mới thay đổi được, bởi bia rượu đã giết chết quá nhiều người", chị Loan chia sẻ.

Nhiều phụ nữ ủng hộ

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 100/2019 có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt nhằm thực hiện hóa Luật Phòng chống tác hại của Rượu bia. Theo đó, mức phạt với hành vi uống rượu bia vẫn lái xe ô tô lên tới 40 triệu đồng; xe máy tới 8 triệu đồng. Ngay cả đi xe đạp mà uống rượu bia cũng bị xử phạt.

Sau khi Nghị Định 100 có hiệu lực và thi hành, dư luận có nhiều ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, phần lớn người dân khi được hỏi ủng hộ việc xử phạt khi tham gia giao thông có uống rượu bia. Chị Trần Thanh Loan (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, rất đồng tình với quy định xử phạt của Nghị định 100/2019.

Phạt nặng uống rượu bia tham gia giao thông: Dân nhậu "chờn", vợ quá vui!  - Ảnh 1.

Uống rượu bia khi lái xe có thể bị phạt cao nhất đến 40 triệu đồng

Chia sẻ câu chuyện của mình, chị Loan cho biết, cách đây 2 năm, chị đã mất bố, mẹ chị mất chồng do bị kẻ say rượu đâm phải. 

Chị kể, hôm ấy gia đình đang chuẩn bị bữa cơm tất niên. Khi mâm cơm đã xong, bố chị chợt nhớ đang còn thiếu chút ít rau thơm nên chạy đi mua. Chị bảo để mình chạy xe ra chợ cóc gần đó mua thêm. Tuy nhiên, bố chị bảo chợ cách nhà hơn 200m để ông chạy ù ra mua cũng được. Ngờ đâu, ông mới ra khỏi cổng thì bị hai thanh niên đi xe máy đâm phải. Nghe tiếng va chạm, gia đình chạy ra thấy bố chị nằm sõng soài bất tỉnh, còn hai đối tượng đi xe cũng văng ra nhưng chỉ bị xây xát ngoài da. Thanh niên lái xe cho biết mới uống rượu nhà người thân về nên đi nhanh cho "mát". Khi thấy ông chạy từ cổng ra không xử lý kịp nên đã tông phải. Ngay lập tức, gia đình gọi cấp cứu đưa bố chị đến BV. Tuy nhiên, sáng hôm sau bố chị đã qua đời. "Ngày đầu năm Tết Nguyên đán cũng là ngày tang của bố tôi. Nếu hôm đó, hai thanh niên không uống rượu thì họ đã đi chậm hơn và có thể xử lý tình huống tốt hơn thì bố tôi không chết", chị chia sẻ.

"Tôi ủng hộ phạt và phạt nặng hành vi uống bia rượu lái xe. Đối với ý thức người Việt thì cần liệu pháp sốc mới thay đổi được, bởi bia rượu đã giết quá nhiều người"

Chị Trần Thị Loan (quận Cầu Giấy, Hà Nội)

Vì thế, khi Nghị định 100 ra đời và có hiệu lực. Chị Loan mong muốn cơ quan chức năng thực hiện nghiêm. Có như vậy mới hạn chế được những vụ tai nạn do rượu bia gây ra, để không còn những gia đình mà bố mẹ mất con, vợ mất chồng và ngược lại. 

Còn theo chị Lê Thị Thùy, Khu đô thị Linh Đàm (quận Hoàng Mai, Hà Nội) việc xử phạt hành vi điều khiển phương tiện giao thông khi có cồn là đúng. 

Chị Thùy chia sẻ: Cách đây ít lâu, báo chí liên tục đưa tin những vụ tai nạn giao thông chết nhiều người mà nguyên nhân là do lái xe có sử dụng rượu bia mà hãi. Tôi, gia đình cũng như những người khác không thể mãi ở nhà và mỗi lần ra đường là một nỗi lo, chỉ sợ tai nạn xảy ra bất cứ lúc nào. Cho dù mình thực hiện đúng quy định của pháp luật, nhưng người say không điều khiển được hành vi của mình. Cũng vì thế, nhiều vụ tai nạn xảy ra khi người tham gia giao thông đang chờ đèn đỏ, đang đi bộ trên vỉa hè… "Bây giờ Chính phủ xử phạt nặng, nhiều người đã không dám uống rượu bia ra đường nữa. Tôi cảm thấy bớt lo được phần nào".

Bợm nhậu chờn

Là một người hay uống rượu bia, nhưng việc xử phạt nặng theo Nghị định 100 đã khiến anh Lê Mình Tài phải "chờn". 

Anh Tài cho biết, do đặc thù công việc, anh thường phải gặp gỡ đối tác và đa phần các "đàm phán" diễn ra trên bàn nhậu. Khi thì anh mời, khi thì đối tác mời. Có khi cả tuần chẳng hôm nào anh về ăn cơm nhà. Nếu không phải nhậu với đối tác thì đi làm về anh đều tạt qua quán nhậu làm vài cốc bia để "giải khát". 

"Khi xử phạt nặng người điều khiển phương tiện tham gia giao thông có nồng độ cồn, tôi cũng mừng bởi có cớ để từ chối nhậu. Mình cũng không phải nhậu nhiều, không còn đi làm đến khuya mới về và đặc biệt vợ tôi rất vui".

Anh Lê Minh Tài (Hà Nội)

Sau mỗi lần nhậu, anh đều tự lái xe về. Thậm chí, có hôm say quá anh còn không nhớ mình về nhà như thế nào. Cũng vì thế, vợ suốt ngày càu nhàu, thậm chí vợ chồng cãi nhau vì anh đi làm sớm nhưng hôm nào về sớm cũng phải 23h.

Tuy nhiên, gần một tuần nay, anh chưa nhậu buổi nào. Bởi sợ khi ra đường điều khiển phương tiện tham gia giao thông có nồng độ cồn sẽ bị phạt. Do mức phạt quá cao, tối đa lên đến 8 triệu đồng nếu điều khiển xe máy và 40 triệu đồng nếu điều khiến ô tô nên anh cũng phải cân nhắc. Có lẽ đối tác cũng nghĩ như anh nên cũng không còn mời đi nhậu nữa. Thay vào đó, nếu cần bàn việc cả hai đến trụ sở công ty hoặc quán cafe. 

Mục a, khoản 10, Điều 5, Nghị định 100 quy định phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở;

Đối với xe mô tô, xe gắn máy, Nghị Định 100 quy định mức phạt từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng khi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở (mục e, khoản 8, Điều 6, Nghị định 100).


Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn