Phát sinh mức chênh lệch hưởng lương hưu giữa lao động nam và lao động nữ

13:04 | 19/06/2024;
Tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có sự phát sinh thêm mức chênh lệch về tỷ lệ hưởng lương hưu theo số năm đóng BHXH của lao động nam và lao động nữ. Mức chênh lệch cao nhất lên tới 11,25%.

Qua ý kiến của một số đại biểu Quốc hội cho rằng, quy định tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) về mức lương hưu giữa lao động nam và lao động nữ phát sinh thêm chênh lệch. Theo đó, đề xuất phương án chỉnh lý Điều 72 dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: theo quy định tại dự thảo sẽ làm phát sinh thêm mức chênh lệch về tỷ lệ hưởng lương hưu theo số năm đóng BHXH của lao động nam và lao động nữ.

Lao động nam và lao động nữ cùng đóng BHXH 15 năm thì lao động nữ hưởng lương hưu là 45%, còn lao động nam chỉ 33,75% (chênh lệch là 11,25%).

Để lao động nam có tỷ lệ hưởng lương hưu ở mức cao nhất là 75% thì cần phải đóng BHXH trong 35 năm. Trong khi đó, lao động nữ chỉ cần đóng 30 năm.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, mức chênh lệch về tỷ lệ hưởng lương hưu giữa lao động nam và lao động nữ theo số năm đã đóng BHXH lớn nhất nằm ở nhóm có thời gian tham gia BHXH từ 15 năm đến 19 năm, đây cũng nhóm đối tượng bổ sung so với quy định hiện hành. Mức chênh lệch từ 10,125% đến 11,25%.

Đánh giá tác động về xã hội, Bộ LĐ-TB&XH cho biết: Mặc dù, đối tượng chịu tác động của quy định trong dự thảo không lớn, mức chênh lệch giữa lao động nam và lao động nữ phát sinh không cao nhưng vẫn phát sinh sự so sánh, phản ứng về chính sách, do tạo tâm lý so sánh giữa người tham gia BHXH là nam giới so với nữ giới. Do tạo ra mức chênh lệch mới (cao hơn) giữa lao động nam và lao động nữ có cùng thời gian đóng góp vào quỹ BHXH (từ 15 năm đến 19 năm).

Với tác động về giới, Quy định bổ sung trong dự thảo có tác động về giới, do tạo ra mức chênh lệch về tỷ lệ hưởng lương hưu giữa lao động nam và lao động nữ cao hơn so với quy định hiện hành. Điều này làm cho lao động nam sẽ cảm thấy thiệt thòi hơn so với lao động nữ.

Phát sinh mức chênh lệch hưởng lương hưu giữa lao động nam và lao động nữ- Ảnh 1.

Lao động nữ tại khu công nghiệp. Ảnh minh họa

Để đảm bảo bình đẳng giới, giảm bớt tác động bất lợi về chênh lệch giữa lao động nam và lao động nữ, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất có thể xem xét chỉnh lý Điều 72 trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) theo 2 Phương án:

Phương án 1Phương án 2

Điều 72. Mức lương hưu hằng tháng

1. Mức lương hưu hằng tháng của đối tượng đủ điều kiện quy định tại Điều 70 của Luật này được tính như sau:


a) Đối với lao động nữ bằng 45% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 78 của Luật này tương ứng 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.


b) Đối với lao động nam bằng 35% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 78 của Luật này tương ứng 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.

Điều 72. Mức lương hưu hằng tháng

1. Mức lương hưu hằng tháng của đối tượng đủ điều kiện quy định tại Điều 70 của Luật này được tính như sau:

a) Đối với lao động nữ bằng 45% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 78 của Luật này tương ứng 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.

b) Đối với lao động nam bằng 45% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 78 của Luật này tương ứng 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.

Trường hợp, đối với lao động nam đủ điều kiện quy định tại Điều 70 của Luật này có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm bằng 40% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 78 của Luật này tương ứng 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 1%.



Theo Bộ LĐ-TB&XH, cả 2 phương án đề xuất vẫn đảm bảo giữ theo quy định hiện hành để đạt được mức tối đa 75% thì lao động nam phải có 35 năm đóng bảo hiểm xã hội, lao động nữ phải có 30 năm đóng bảo hiểm xã hội. Cách tính mức lương hưu đối với lao động nữ không có thay đổi. Cách tính mức lương hưu đối với lao động nam có sự thay đổi để giảm bớt chênh lệch theo lộ trình, theo đó:

Đối với Phương án 1: Duy trì mức chênh lệch về tỷ lệ hưởng lương hưu giữa lao động nam và lao động nữ là 10% theo số năm đóng BHXH.

Đối với Phương án 2: Mức chênh lệch về tỷ lệ hưởng lương hưu giữa lao động nam và lao động sẽ có xu hướng tăng dần theo số năm đóng BHXH từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm và duy trì ở mức 10% như hiện hành với thời gian đóng BHXH từ 20 năm trở lên.

Như vậy, cả 2 phương án đề xuất chỉ rút ngắn mức chênh lệch thời điểm bắt đầu đủ điều kiện hưởng lương, nhưng vẫn đảm bảo giữ theo quy định hiện hành để đạt được mức tối đa 75% thì nam phải có 35 năm đóng BHXH, lao động nữ phải có 30 năm đóng BHXH.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, số tiền chi trả chế độ BHXH (lương hưu) cho lao động nam đối với phương án 1 và phương án 2 đều tăng lên so với phương án đang thể hiện trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Tuy nhiên, ước tính theo số liệu thống kê của cơ quan BHXH thì số đối tượng chịu tác động của quy định là không nhiều, dự kiến khoảng 7,9 nghìn lao động nam/năm. Tỷ lệ lương hưu được điều chỉnh (gia tăng) không nhiều. Do đó, tác động đến khả năng cân đối quỹ BHXH không lớn.

Theo số liệu của cơ quan BHXH, giai đoạn 2016 - 2023, có 109.332 lượt người lao động hưởng BHXH một lần với thời gian đã đóng được tính hưởng từ 15 năm đến dưới 20 năm (bằng 16,3% số người được giải quyết hưởng lương hưu trong cùng giai đoạn), trong đó lao động nam là 55.961 lượt người (chiếm 51,19%).

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn