Nằm tại vùng núi rừng có đa dạng các loài thực vật và động vật, với những mùa hoa nhãn, hoa vải, hoặc các loài hoa trên rừng như hoa xuyến chi, hoa keo… Phú Thọ đã trở thành nơi có nhiều tiềm năng cho ong đến lấy mật. Nhờ "nguồn lấy mật" phong phú mà mật ong từ các hộ gia đình tại đây đều có chất lượng tốt và đảm bảo.
Nghề nuôi ong lấy mật đã xuất hiện tại vài hộ gia đình từ năm 2005 và chủ yếu phục vụ cho nhu cầu của gia đình. Gia đình chị Hoàng Thị Thơm, Tổ trưởng Tổ liên kết nuôi ong xóm Bình là một trong những hộ đầu tiên thực hiện công việc này. Sau 5 năm kiên trì nuôi ong, chị Thơm nhận thấy đây là một việc dễ làm và không tốn quá nhiều chi phí đầu tư nên chị đã giới thiệu cho nhiều chị em dân tộc Mường trong khu vực.
"Năm 2010 gia đình tôi đã có khoảng 20 đõ nuôi ong. Hồi đó, mỗi năm tôi đều mang ra chợ bán nên bà con xung quanh cũng đến học hỏi xem nuôi ong lấy mật như thế nào. Thấy được nhiều bà con ủng hộ và hứng thú với nghề nên gia đình tôi quyết định đầu tư thêm đõ và nhân đàn, bán giống ong cho bà con có nhu cầu nuôi", chị Thơm cho hay.
Từ đó, tại xã đã có khoảng 12 hộ nuôi ong và đặc biệt, người theo nghề là các chị em người dân tộc Mường.
Vào năm 2022, với sự quan tâm và giúp đỡ của Hội LHPN xã Mỹ Thuận, chị em làm nghề nuôi ong tại xóm Bình đã hoàn thành thủ tục thành lập Tổ liên kết nuôi ong với 13 thành viên đầu tiên. Cho đến nay, Tổ liên kết đã thành công nuôi khoảng hơn 5.000 nghìn tổ ong, trong đó hơn 3.000 tổ ong ngoại và 1.000 tổ ong ta. Mỗi năm, khoảng 500 đến 700 tấn mật ong ngoại và trên 10.000 lít mật ong ta đã được sản xuất.
Tổ liên kết đẩy mạnh tập huấn các kỹ thuật nuôi ong, cách chăm sóc, nhân giống và đặc biệt là cách khai thác mật ong hiệu quả cho các chị em thành viên. Ngoài ra, Tổ còn hỗ trợ hộ nuôi ong vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội. Hầu hết các thành viên đều được vay vốn với tổng số giải ngân là 1,2 tỷ đồng. Nhờ sự giúp đỡ của Hội LHPN cùng các cơ quan, đoàn thể xã, Tổ liên kết đã mở rộng quy mô và có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, tăng độ nhận diện và uy tín đối với người tiêu dùng.
Chị Thơm chia sẻ: "Gia đình tôi cùng các chị em trong Tổ đã mạnh dạn đầu tư thêm các dụng cụ nuôi ong, thuê phương tiện di chuyển ong đến các địa điểm như lên Hà Giang để lấy mật cây bạc hà, lúa mạch. Hoặc vào miền Nam để lấy mật cây cà phê. Vì vậy mà mật ong của chúng tôi bây giờ có nhiều loại đa dạng theo các mùa hoa".
Bên cạnh đó, sản phẩm mật ong của Tổ cũng được giới thiệu đến nhiều tệp khách hàng hơn qua các sàn thương mại điện tử như Tiki, Shopee hay trên các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook. Giá trị của sản phẩm ngày càng được đánh giá cao, được khách hàng trên khắp cả nước và du khách nước ngoài đặt mua.
Có thể nói, nghề nuôi ong và quyết định thành lập Tổ liên kết nuôi ong lấy mật tại xã Mỹ Thuận không chỉ giúp đẩy mạnh lợi thế địa phương mà còn giúp các chị em dân tộc Mường làm nghề có thu nhập ổn định, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của phụ nữ dân tộc thiểu số theo tiêu chí của Dự án 8.
Từ mô hình nuôi ong lấy mật, chị em đã vươn lên làm giàu và góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới. Nhiều chị em có mức thu nhập từ 8 đến 10 triệu mỗi tháng và đời sống đủ đầy hơn, có nhà cửa khang trang, xe tốt phục vụ việc di chuyển…
Mặt khác, Tổ liên kết còn giúp các chị em nâng cao kiến thức, kỹ năng và cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm về phát triển kinh tế, mở rộng tầm nhìn. Luôn hướng tới các giá trị tốt đẹp và phát triển bản thân đã góp phần nâng cao vị thế và bình đẳng giới cho phụ nữ dân tộc thiểu số.
Trong thời gian tới, ngoài các sản phẩm sẵn có, Tổ liên kết sẽ tiếp tục phối hợp với các hội viên, cư dân xung quanh để bổ sung, giới thiệu thêm các mặt hàng thực phẩm sạch là đặc sản của địa phương ra thị trường. Đồng thời, Tổ cũng duy trì cung cấp các sản phẩm theo mùa và đẩy mạnh độ nhận diện, tăng độ thu hút của khách hàng với các đặc sản xứ Mường.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn