Tả Phìn (thị xã Sa Pa, Lào Cai) là xã vùng cao, phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, vì thế cuộc sống của bà con còn nhiều khó khăn. Với nỗ lực thoát nghèo, người dân đã tìm hiểu các mô hình trồng trọt, chăn nuôi phù hợp với thổ nhưỡng địa phương.
Thời gian gần đây, cây tía tô đã được trồng nhiều tại Tả Phìn. Đặc biệt, những sản phẩm chế biến từ tía tô đã được thị trường trong nước đón nhận. Để sản phẩm từ cây tía tô ở Tả Phìn được thị trường đón nhận, công đầu thuộc về chị Trần Ánh Xuân, Giám đốc Hợp tác xã Sa Pa Secrets (xã Tả Phìn).
Chị Xuân cho biết, cách đây 5 năm, sau khi tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp, chị đã lên Sa Pa với mong muốn phát triển một loại cây thảo dược phù hợp với thổ nhưỡng địa phương và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2019, chị và một số người dân ở thôn Xả Séng (xã Tả Phìn) bắt đầu nghiên cứu sâu về cây tía tô. Chị nhận thấy cây tía tô đỏ trồng ở Tả Phìn phát triển rất tốt, nhưng chưa có những sản phẩm chế biến thô và chế biến tinh từ tía tô. Vì thế, chị Xuân đã nghiên cứu sâu về những sản phẩm từ cây này.
Để đảm bảo tính pháp lý cũng như liên kết với người dân, chị Xuân đã thành lập Hợp tác xã Sa Pa Secrets với hơn 10 thành viên. Ngoài trồng cây tía tô, HTX cũng nghiên cứu, sản xuất những sản phẩm tinh và thô như bột lá tía tô, trà tía tô, tinh dầu tía tô để cung cấp cho các nhà máy sản xuất mỹ phẩm, dược phẩm. "Các sản phẩm của hợp tác xã làm ra đến đâu tiêu thụ đến đấy, được thị trường đón nhận và đánh giá cao", chị Xuân chia sẻ.
Chị Chảo Lở Mẩy, thành viên Hợp tác xã Sa Pa Secrets cho biết, từ khi tham gia hợp tác xã, thu nhập của gia đình được cải thiện và ổn định hơn trồng ngô, trồng lúa.
Được biết, hiện nay vùng trồng nguyên liệu của Hợp tác xã Sa Pa Secrets có 10ha. Trong đó, có 6ha các thành viên Hợp tác xã tự trồng và 4ha của các hộ dân không phải thành viên hợp tác xã. Mỗi năm, hợp tác xã thu hái 200 tấn nguyên liệu, gồm lá và thân cây tía tô.
Loại cây tốt cho sức khỏe
Phát triển cây dược liệu là một trong những định hướng phát triển nông nghiệp hàng hóa ở Tả Phìn và được chính quyền địa phương ủng hộ. Đặc biệt, tác dụng của cây tía tô rất tốt với sức khỏe, nên những sản phẩm của Hợp tác xã Sa Pa Secrets đã được thị trường tiêu thụ với số lượng lớn.
Chị Xuân cho biết, hiện nay những sản phẩm từ cây tía tô của Hợp tác xã Sa Pa Scerets không chỉ cung cấp ra thị trường trong tỉnh và còn vươn ra các thị trường lớn như Hà Nội, Hải phòng. "Việc phát triển, chế biến những sản phẩm từ cây tía tô không chỉ tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều chị em phụ nữ ở thôn Xả Séng, mà còn góp phần duy trì, nâng cao tiêu chí thu nhập ở xã nông thôn mới Tả Phìn", chị Xuân nói.
Theo ông Trần Mạnh Hùng, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Sa Pa, nhận thấy những hiệu quả của cây tía tô, thị xã có chủ trương mở rộng vùng nguyên liệu để cung cấp cho hợp tác xã. Đồng thời, thị xã sẽ hỗ trợ đăng ký những sản phẩm chế biến từ cây tía tô là sản phẩm OCOP. Từ đó, góp phần nâng cao giá trị của những sản phẩm chế biến từ tía tô, ông Hùng nói.
Về tác dụng của cây tía tô, PGS.TS Trần Công Khánh, Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cây thuốc dân tộc cổ truyền cho biết, đây là loại cây dễ trồng và được trồng nhiều ở nông thôn. Tía tô còn có các tên như é tía, tử tô, xích tô (gọi là tử, xích tía vì cây có màu tím).
Tía tô có tính ấm, vị cay, không độc. Lá dùng làm gia vị rất phổ biến, đồng thời là vị thuốc rất hay dùng để trừ cảm mạo. Hạt làm trà uống và thuốc hạ khí, cành làm thuốc an thai.
Theo ông Khánh, trong đông y, hương vị của tía tô được đánh giá là sự pha trộn giữa hồi hương, cam thảo, quế và bạc hà sát khuẩn. Chính vì vậy, tía tô được y học cổ truyền xếp vào loại giải biểu, thuộc nhóm phát tán phong hàn, chữa bệnh bằng cách cho ra mồ hôi, giải cảm, khỏi sốt. Khi cộng với hành (một thứ gia vị cũng kích thích tăng tiết dịch vị) thì cháo hành - tía tô sẽ có tác dụng giải cảm cho những người bị cảm. Ngoài ra, lá tía tô non khi vò ra đem sát vào các mụn cơm vài lần thì mụn cơm sẽ bay mất. Dầu được ép từ hạt tía tô cũng có thể làm dầu ăn hoặc thuốc.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn