Trong khu nhà xưởng rộng khoảng 1.000m2 của Hợp tác xã (HTX) sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ mây tre đan Thanh Tân, các lao động nữ đang tất bật thực hiện công đoạn cuối cùng của sản phẩm mây tre đan. Chỉ ít ngày nữa, đơn hàng này sẽ được HTX xuất khẩu ra nước ngoài.
"Trước đây, gia đình tôi sản xuất mây tre đan theo mô hình kinh tế hộ gia đình. Thời điểm nhiều nhất cơ sở tạo được việc làm cho khoảng 70 người. Đa số là lao động trung niên, không thể xin vào làm việc tại nhà máy, xí nghiệp quanh đây, họ cũng không còn đủ sức khỏe để sản xuất nông nghiệp.
Để có việc làm, họ phải rời quê lên Hà Nội hoặc tới địa phương khác. Vì vậy, tôi luôn đau đáu về việc phát triển sản xuất thế nào để tạo thêm nhiều việc làm cho phụ nữ nông thôn", bà Nguyễn Thị Doan, Giám đốc HTX sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ mây tre đan Thanh Tân, chia sẻ.
Năm 2019, được sự hỗ trợ của Hội LHPN xã Thanh Tân, bà Doan quyết định thành lập HTX Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ mây tre đan Thanh Tân, với số thành viên 60 người. Khi đã có thương hiệu, nhiều khách hàng chủ động tìm đến, số lượng đơn hàng nhận về ngày một nhiều.
Để đảm bảo nhân công lao động, HTX phối hợp với Hội LHPN xã tổ chức các lớp dạy nghề cho người lao động. Đến nay, HTX đã thành lập được gần 20 tổ nghề, mỗi tổ có khoảng 30-60 người.
HTX hiện tạo việc làm cho phụ nữ ở nhiều xã của huyện Kiến Xương, với tổng số gần 1.000 người lao động; mức thu nhập bình quân đạt 3,5-4 triệu đồng/người/tháng. Riêng với xã Thanh Tân, HTX đã tạo việc làm cho khoảng 300 hội viên phụ nữ, chiếm 1/3 hội viên phụ nữ trên toàn xã.
"Tôi làm việc ở HTX từ năm 2020 đến nay, mức thu nhập ổn định 6-7 triệu đồng/tháng. Do làm gần nhà nên tôi có điều kiện chăm lo cho hai con để chồng yên tâm công tác xa", chị Nguyễn Thị Bính (43 tuổi, ở thôn Nam Lâu) cho biết.
Để "giữ chân" người lao động, HTX luôn chú trọng việc trả tiền công đúng hẹn, đảm bảo những chế độ phúc lợi như tổ chức thăm hỏi khi thành viên ốm đau, hỗ trợ tiền sửa nhà, hỗ trợ tiền cấy gặt ngày mùa.
Những nỗ lực của HTX đã góp phần thực hiện chủ trương "ly nông bất ly hương" của xã nông thôn mới. Đối với Hội LHPN địa phương, hoạt động đào tạo nghề, tạo việc làm của HTX cũng góp phần tập hợp phụ nữ, thu hút hội viên tham gia sinh hoạt Hội.
Trong thời gian tới, các cấp Hội LHPN tỉnh Thái Bình sẽ tiếp tục hỗ trợ HTX tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm qua nhiều kênh như hội chợ, triển lãm, sàn thương mại điện tử để có thêm nhiều đơn hàng xuất khẩu.
Đặc biệt, từ khi triển khai Đề án "Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030", Hội LHPN xã Thanh Tân đã phối hợp với HTX Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ mây tre đan Thanh Tân đẩy mạnh hoạt động đào tạo nghề cho phụ nữ.
Đến nay, 15 lớp dạy nghề mây tre đan đã được tổ chức, giúp chị em nhanh chóng thích ứng với những sản phẩm, mẫu mã mới trên thị trường. Hội cũng đẩy mạnh hoạt động tập huấn cho ban lãnh đạo, thành viên HTX về kỹ năng xây dựng thương hiệu, ứng dụng công nghệ số trong sản xuất và kinh doanh, trang bị kiến thức về kinh tế HTX trong tình hình mới…
Nhờ được trang bị thêm kiến thức về điều hành HTX, bà Doan cho biết, sản lượng của HTX ngày càng tăng. Hiện nay, mỗi năm, HTX sản xuất ra thị trường gần 60.000 sản phẩm mây tre đan các loại, cho doanh thu khoảng 8 tỷ đồng.
"Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ cố gắng mở rộng sản xuất, tạo thêm việc làm cho khoảng 20-30 người với mức thu nhập khoảng 10 triệu đồng/người/tháng", bà Doan bày tỏ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn