Hãy tưởng tượng rằng bạn đang nói chuyện với một người vô cùng quan trọng trong cuộc đời bạn. Bây giờ, bạn hãy thử trả lời hai câu hỏi. Đầu tiên, bạn có khả năng nghĩ như họ nghĩ hay không? Và thứ hai, bạn có thể cảm nhận được những cảm xúc mà họ đang trải qua như thể chúng là của chính bạn hay không? Nếu câu trả lời cho cả hai câu hỏi này không phải là có, bài viết này sẽ cực kỳ hữu ích cho bạn.
Có hai loại thấu cảm. Thứ nhất là sự thấu cảm nhận thức, điều này liên quan đến việc đặt mình vào vị trí của người khác, chẳng hạn như biết được họ đang nghĩ gì và hiểu được họ sẽ quyết định như thế nào. Thứ hai, đó là sự thấu cảm về mặt cảm xúc, nó đề cập đến việc bạn có thể cảm nhận được cảm xúc của người khác, ví dụ bạn có thể cảm thấy họ đang như thế nào, là hạnh phúc, sợ hãi, lo lắng hay bối rối như thể bạn cũng đang như vậy.
Trong các nghiên cứu tâm lý học, thuật ngữ thấu cảm được tranh luận vô cùng sôi nổi. Nó được các nhà nghiên cứu định nghĩa theo nhiều cách. Những cảm xúc này được định nghĩa từ "cảm giác buồn bã hay thương cảm cho sự bất hạnh của người khác" đến "sự bắt chước bên trong diễn ra thông qua sự phóng chiếu của chính mình lên người khác" cho đến "khả năng gián tiếp trải nghiệm trạng thái cảm xúc của người khác".
Rõ ràng, sự thấu cảm là một khả năng phức tạp, nhưng có cơ sở sinh học để không thể phủ nhận. Ở một số vùng não nhất định, chẳng hạn như vùng tiền vận động, một số tế bào thần kinh nhất định đóng vai trò quan trọng trong sự thấu cảm. Chúng được gọi là tế bào thần kinh phản chiếu.
Có một số cách để giúp bạn có thể phát triển khả năng thấu cảm của mình, để có thể đặt bản thân vào vị trí của người khác, thấu hiểu suy nghĩ và cảm xúc của người khác, để có thể bớt phán xét và bao dung hơn với nhiều người.
1. Lắng nghe tích cực
Lắng nghe tích cực liên quan đến việc hiểu những gì người khác nói với bạn và truyền tải thông điệp mà họ đã truyền đạt cho bạn bằng lời nói của bạn.
Ví dụ, khi họ đưa ra thông điệp: "Tôi đang trải qua một khoảng thời gian thực sự tồi tệ vì người bạn đời của tôi đã rời bỏ tôi và tôi vô cùng đau khổ" và bạn có thể truyền đạt lại rằng: "Tôi hiểu rằng bạn đang ở một thời điểm khó khăn trong cuộc sống và bạn đang cảm thấy thực sự trống rỗng vì mất mát này của mình".
Có hai thành phần cơ bản để có thể lắng nghe tích cực, đó là những gì người khác đang truyền tải và cảm giác của họ. Do đó, sẽ rất hữu ích nếu bạn tự hỏi mình hai câu hỏi: họ đang cố nói với bạn điều gì và họ cảm thấy như thế nào?
2. Đừng mang định kiến vào câu chuyện
Định kiến được định nghĩa là một thái độ tiêu cực đối với một cá nhân hoặc một nhóm xã hội. Nó có 3 thành phần, đó là nhận thức (niềm tin), tình cảm (cảm xúc) và hành vi (thái độ). Định kiến chính là thứ cản trở khả năng thấu cảm của bạn. Hãy chắc chắn rằng bạn tránh suy nghĩ, cảm nhận vầ hành động theo cách bạn sẽ làm. Thay vào đó, hãy tập trung vào cách người khác hành động và cảm nhận.
3. Nguyên tắc lành mạnh
Có một số dấu hiệu cho người khác biết rằng bạn đang lắng nghe họ, hiểu họ và thấu được cảm xúc của họ. Chúng bao gồm thể hiện sự quan tâm đến những gì họ đang nói với bạn và tập trung vào những gì họ đang diễn đạt, chứ không chỉ bằng những gì họ nói.
Trên thực tế, bạn nên cố gắng nắm bắt bối cảnh của những gì họ đang nói cũng như những cảm xúc mà họ đang có. Họ có thể cảm thấy hạnh phúc, sợ hãi, buồn bã, thất vọng... Hãy cho họ thời gian để kể cho bạn nghe câu chuyện của họ, tránh việc nôn nóng hay thúc giục.
Cuối cùng, nếu bạn muốn đặt mình vào vị trí của người khác và thấu cảm, bạn phải suy nghĩ về những gì họ có thể đang nghĩ và cảm nhận, đồng thời trải nghiệm những cảm xúc của họ như thể chúng là của chính bạn.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn