Định hướng con đường khởi nghiệp từ sớm
Không như nhiều người thường sau khi "loay hoay" tìm hướng đi một thời gian dài mới xác định được con đường khởi nghiệp. Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Nông Lâm (Huế), Phạm Thị Ân liền bắt tay ngay vào việc nghiên cứu và thử nghiệm nấm linh chi để cho ra sản phẩm, phát triển ra thị trường.
Ít khi nói về con đường khởi nghiệp gian nan của mình, Phạm Thị Ân cho biết trong những khó khăn ấy là những cơ duyên với nghề.
"Đã nói đến khởi nghiệp thì không ai tránh khỏi những khó khăn, nhưng trong khó khăn thì cần có cơ duyên và sự kiên trì tìm hiểu. Tôi đã lặn lội tìm đến vùng đất đầu tiên mà người Nhật Bản tìm thấy nấm linh chi tại Việt Nam đó là Lâm Đồng để phát triển sản phẩm. Đây là vùng đất có điều kiện khí hậu thuận lợi nhất để nấm linh chi sinh trưởng với hàm lượng dưỡng chất tốt nhất. Tôi cũng may mắn có một đồng sự ủng hộ hết mình cả về sức lực lẫn vốn ban đầu, để từ đó vững bước trên con đường khởi nghiệp. Ban đầu tôi phải tự thân vận động và gia đình không hề biết tôi đang làm gì, chi tiết công việc như thế nào và mọi người còn nghĩ tôi mở công ty là ảo, nhưng trong quá trình phát triển của công ty, gia đình cũng nhận ra được sự nỗ lực của tôi và nỗ lực đó đang được đền đáp bằng sự phát triển đi lên. Gia đình đã hỗ trợ tôi về vốn để tiếp tục mở rộng kinh doanh", nữ doanh nhân cho biết.
Sinh tại Thanh Hóa, từ nhỏ, Phạm Thị Ân đã có tình yêu đặc biệt với ruộng đồng, thiên nhiên, cây cỏ... Từ năm 2012-2016, chị học tại Trường Đại học Nông nghiệp Huế. Ngay năm thứ 2, cô sinh viên Phạm Thị Ân đã tham gia đề tài nghiên cứu về nấm linh chi cùng với nhóm gồm một số giảng viên và sinh viên của trường.
Từ các dữ liệu nghiên cứu, thu thập, Phạm Thị Ân lặng lẽ một mình thực hiện việc trồng thử các phôi nấm linh chi. Kết quả, các phôi nấm sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ thành công đạt khá cao. Thành công này đã mang lại niềm vui và sự tự tin để cô sinh viên say sưa lao vào nghiên cứu, thực hành. Để có tiền ăn học và kinh phí tiếp tục nghiên cứu, Phạm Thị Ân tính toán việc tạo ra sản phẩm từ nấm linh chi do chính mình nuôi cấy để bán kiếm tiền. Khi ra trường, Phạm Thị Ân đã lập tức hiện thực hóa những nghiên cứu của mình để mang lại những giá trị thiết thực hơn.
Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Hồng Ân được chị Phạm Thị Ân thành lập vào năm 2018 tại xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, cái nôi của nấm linh chi trên mảnh đất hình chữ S, với giá trị cốt lõi là sáng tạo vì nhu cầu lợi ích và sức khoẻ của con người, trung thực với các tuyên ngôn và cam kết về sản phẩm dịch vụ; lắng nghe chia sẽ, kết nối cùng phát triển và đặt lợi ích của khách hàng, đối tác, nhân viên lên trên hết.
Khẳng định thương hiệu
Tháng 3 năm 2021, công ty bắt đầu xây dựng xưởng sản xuất theo vòng tròn khép kín với diện tích 2820m2 và định hướng sẽ hoàn thiện quy mô hạ tầng sản xuất theo các tiêu chuẩn Organic, ISO, HACP và các tiêu chuẩn xuất khẩu. Với nguồn nguyên liệu rộng 20,5 ha tại Long Khánh và Lâm Đồng được sản xuất theo tiểu chuẩn Vietgap, thương hiệu Nấm Linh chi Gaco ngày càng phát triển và đa dạng sản phẩm, thu hút một lượng khách hàng lớn từ 13 tỉnh thành trong cả nước và trên kênh bán hàng online.
Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Hồng Ân (Thương hiệu nấm linh chi Gaco).
Địa chỉ: Ninh Hoà, Ninh Gia, Đức Trọng, Lâm Đồng;
Điện thoại: 0917.520.243;
Website: namlinhchigaco.net.vn
* OCOP là gì?
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (gọi tắt là chương trình OCOP) là một chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn, theo định hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị, nâng cao thu nhập của cư dân nông thôn, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong cơ chế thị trường.
* Cách phân hạng OCOP: dựa theo bộ tiêu chí, đánh giá theo thang điểm 100. Sản phẩm OCOP được phân theo 5 hạng sao, gồm:
- 1 sao: sản phẩm khởi điểm tham gia chương trình, tổng điểm đạt dưới 30.
- 2 sao: sản phẩm đã được hình thành ở địa phương nhưng cần tiếp tục hỗ trợ, nâng cấp. Tổng điểm trung bình đạt từ 30 đến 49 điểm.
- 3 sao: sản phẩm đã đạt tiêu chuẩn, có thương hiệu. Tổng điểm trung bình đạt từ 50 đến 69 điểm.
- 4 sao: sản phẩm đạt tiêu chuẩn, có thương hiệu, có thể nâng cấp để đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Tổng điểm trung bình đạt từ 70 đến 89 điểm.
- 5 sao: sản phẩm đặc sắc, chất lượng cao, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Tổng điểm trung bình đạt từ 90 đến 100 điểm.
* Giấy chứng nhận cho các sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên có thời hạn 36 tháng.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn