Nằm ở vùng Tây Bắc Việt Nam, tỉnh Sơn La hiện vẫn là một trong những tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước. Cà phê Arabica là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh trong công cuộc xóa đói giảm nghèo. Hiện trên toàn tỉnh Sơn La có hơn 20.700 ha canh tác cà phê Arabica (theo số liệu năm 2023), trong đó Mai Sơn và Thuận Châu là hai huyện có diện tích trồng cà phê lớn nhất tỉnh.
Trong các năm qua, hoạt động canh tác cà phê bị ảnh hưởng nhiều bởi các hiện tượng thời tiết bất thường như nhiệt độ tăng cao, lượng mưa không đều, khiến cho năng suất canh tác và thu nhập của nông hộ phải đối mặt với nhiều diễn biến bất lợi.
85% dân số Sơn La là người dân tộc thiểu số, với kinh tế phần lớn phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, chịu nhiều ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu. Phụ nữ có vai trò quan trọng trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu do họ tham gia rất nhiều hoạt động sản xuất nông nghiệp cũng như cuộc sống hàng ngày.
Các khảo sát xã hội cho thấy vấn đề bất bình đẳng giới có tính cấu trúc đã hạn chế phụ nữ tiếp cận kiến thức, vốn, mạng lưới xã hội và thực hành các quyết định liên quan tới ứng phó với các tác động của biến đổi khí hậu. Gánh nặng của công việc chăm sóc không được trả lương càng hạn chế thời gian phụ nữ có thể dành cho các hoạt động cải thiện kỹ năng và theo đuổi các cơ hội tạo ra nguồn thu nhập đa dạng khác.
Để phần nào hỗ trợ phụ nữ tại các cộng đồng dân tộc ít người cải thiện thu nhập từ các hoạt động sinh kế, ngày 21/3/2024, tổ chức CARE tại Việt Nam hợp tác với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La) khởi động dự án SURE- Phát triển sinh kế bền vững cho phụ nữ dân tộc thiểu số trồng cà phê tại Sơn La. Dự án được tài trợ bởi Quỹ Starbucks, được triển khai trong 36 tháng tại 4 xã thuộc huyện Thuận Châu và Mai Sơn.
Trong ba năm thực hiện, dự án SURE dự kiến sẽ tiếp cận và nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ bằng cách tăng cường đa dạng hóa hoạt động sinh kế thích ứng với khí hậu cho 1.500 nữ nông dân thuộc các cộng đồng dân tộc ít người tại hai huyện Thuận Châu và Mai Sơn ở tỉnh Sơn La.
Quỹ Starbucks tăng cường phát triển cộng đồng bằng cách thay đổi cuộc sống trên toàn thế giới, tập trung vào việc xây dựng năng lực phục hồi và phát triển thịnh vượng cũng như hỗ trợ các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi thảm họa.
Được thành lập vào năm 1997, Quỹ Starbucks là tổ chức từ thiện đã đăng ký trong Mục 501(c)(3) theo luật Hoa Kỳ.
“Thông qua chương trình Origin Grants của Quỹ Starbucks, chúng tôi tự hào được hợp tác với các tổ chức phi lợi nhuận trên khắp thế giới để hỗ trợ phụ nữ trong các cộng đồng trồng cà phê, trà và ca cao với mục tiêu tạo cơ hội và cuối cùng là cải thiện cuộc sống, thông qua nâng cao năng lực của phụ nữ.
Chúng tôi hướng tới hỗ trợ tất cả mọi người trong chuỗi cung ứng cà phê, và chúng tôi hiểu rằng khi đầu tư vào một phụ nữ, khoản đầu tư đó sẽ tạo ra tác động lan tỏa và kết quả tích cực cho gia đình cô ấy và cộng đồng xung quanh,” bà Kelly Goodejohn, Giám đốc phụ trách các hoạt động Tác động xã hội của Starbucks cho biết.
Ứng dụng khung lý thuyết về nâng quyền kinh tế cho phụ nữ của CARE, dự án sẽ thiết kế các can thiệp nhằm tăng cường khả năng quyết định của phụ nữ, hướng tới tăng thêm lợi ích cho bản thân, gia đình và cộng đồng của họ. Cách tiếp cận này giúp phụ nữ có năng lực quản lý các nguồn lực, tài sản và cơ hội kinh tế một cách bình đẳng, cũng như tạo ra những thay đổi lâu dài về chuẩn mực xã hội và cơ cấu kinh tế nhằm mang lại lợi ích bình đẳng cho phụ nữ và nam giới.
Ông Lê Xuân Hiếu, Quản lý Chương trình Nông thôn của CARE tại Việt Nam chia sẻ thêm về mục tiêu tổng thể của dự án SURE: “Phương pháp nâng cao khả năng phát triển kinh tế toàn diện của CARE sẽ hỗ trợ phụ nữ tiếp cận nguồn lực và kỹ thuật để đa dạng nguồn thu nhập, cải thiện quy mô canh tác và khả năng tiếp cận thị trường của họ. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng ưu tiên các giải pháp cho hoạt động sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu để giúp họ xây dựng sinh kế bền vững. Về lâu dài, dự án SURE hướng tới nâng cao năng lực và gia tăng nguồn lực để giúp cộng đồng địa phương, đặc biệt là phụ nữ, có thể thực hiện các hoạt động sinh kế hiệu quả, và tự chủ trong môi trường sống của mình”.
Các biện pháp can thiệp của dự án cũng phù hợp với ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội và ngành nông nghiệp Sơn La, nhằm xây dựng các vùng sản xuất tập trung và áp dụng các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu.
“Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu là yêu cầu cấp thiết để nông nghiệp phát triển. Chúng tôi nhận thức sâu sắc về tác động của biến đổi khí hậu đối với sản xuất nông nghiệp và thực hiện các hành động chiến lược để thúc đẩy các phương pháp thực hành tốt nhất, cùng với việc giới thiệu cho nông dân các giải pháp thích ứng phù hợp. Việc lồng ghép và phát triển sản xuất nông nghiệp trong từng lĩnh vực cụ thể sẽ đòi hỏi những cách tiếp cận khác nhau và chúng tôi hoan nghênh dự án SURE giúp nâng cao năng lực chống chịu với biến đổi khí hậu cho nông dân địa phương”, bà Cầm Thị Phong, Phó Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Sơn La chia sẻ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn