Cách đây 3 ngày, Bệnh viện Quốc tế City tiếp nhận bệnh nhân N.T.T.T (SN 1959, ngụ ở TP.HCM) bị gãy chân trái do tai nạn giao thông.
Sau khi nhập viện và làm các xét nghiệm tiền phẫu, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị gãy hở 1/3 dưới 2 xương cẳng chân trái, xương chày gãy chéo có mảnh rời, xương mác gãy ngang mức xương chày, các cơ chày trước, mác bên dập nát, mô dưới da dập nát nhiều.
Đánh giá được mức độ nguy hiểm nếu phẫu thuật trễ, êkíp bác sĩ đã quyết định mổ cho bệnh nhân theo nguyện vọng của gia đình là không truyền máu từ người khác, thậm chí là máu của thân nhân. Ca phẫu thuật đã thành công sau hơn 1 giờ thực hiện.
Bác sĩ Trần Văn Bé Bảy, Khoa Chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện Quốc tế City, cho biết, đây là một ca bệnh khó bởi bệnh nhân bị gãy hở 2 xương cẳng chân rất nặng. Nếu không phẫu thuật can thiệp kịp thời thì có thể dẫn đến diễn biến xấu, thậm chí gặp những biến chứng nguy hiểm như tổn thương mạch - thần kinh, hội chứng chèn ép khoang, nhiễm khuẩn, đoạn chi, cẳng chân sưng nề… Rất may là bệnh nhân đã được phẫu thuật kịp thời và thành công nên qua được giai đoạn nguy hiểm.
ThS.BS Đào Thị Mỹ Vân, Phó giám đốc y khoa, Trưởng khoa Gây mê hồi sức - Bệnh viện Quốc tế City, người trực tiếp gây tê tủy sống cho bệnh nhân, chia sẻ, phẫu thuật kết hợp xương cẳng chân là phẫu thuật không mất máu vì được thực hiện với ga rô, bệnh nhân chỉ bị mất máu qua ổ gãy xương hở trong quá trình di chuyển từ nơi bị nạn đến bệnh viện. Do vậy yêu cầu không truyền máu của bệnh nhân không có gì quan ngại.
"Tuy nhiên nếu gãy những xương lớn như xương đùi hoặc đa chấn thương gây mất nhiều máu thì yêu cầu không truyền máu sẽ trở nên thách thức cho các bác sĩ. Đối với những trường hợp này, Bệnh viện Quốc tế City sẽ ứng dụng kỹ thuật truyền máu hoàn hồi (Cell Saver) trong quá trình phẫu thuật", bác sĩ Vân cho hay.
Bác sĩ khuyến cáo, bệnh nhân sau mổ gãy xương cần kiên trì tập luyện vật lý trị liệu, tái khám định kỳ để chân mau hồi phục, sớm đi lại và sinh hoạt bình thường.