Phẫu thuật kéo chân: Nỗi lo biến chứng

06:00 | 05/04/2017;
Trong quá trình phẫu thuật và điều trị kéo dài chân, bệnh nhân phải trải qua những cơn đau "thấu thịt xương" và có thể gặp nhiều biến chứng nguy hiểm.
Theo PGS.TS Lê Văn Đoàn, Viện trưởng Viện Chấn thương-Chỉnh hình (BV TƯ Quân đội 108) kéo dài chân không phải là phẫu thuật phức tạp. Hằng năm, BV vẫn thực hiện cho nhiều bệnh nhân bị tật chân ngắn chân dài do chấn thương sau tai nạn, viêm xương khớp và hàng chục trường hợp vì mục đích thẩm mỹ.

Tuy nhiên, bác sĩ Đoàn cho biết, khi cơ thể đụng đến dao kéo thì đều có nhiều nguy cơ xảy ra tai biến. Phẫu thuật kéo dài chân cũng như vậy. Theo đó, khi thực hiện kéo dài chân, bệnh nhân có thể gặp phải nguy cơ sớm và biến chứng sau phẫu thuật.
 
Cụ thể, khi thực hiện phẫu thuật, bác sĩ sẽ phải cắt đứt xương, nối xương nên có thể dẫn đến tổn thương mạch máu, thần kinh. Sau phẫu thuật, bệnh nhân có nguy cơ bị nhiễm trùng vết mổ. Tại BV TƯ Quân đội 108, dù các bác sĩ đã thực hiện hàng trăm ca phẫu thuật, nhưng chưa để xảy ra tai biến này. Dù vậy, không ai có thể nói trước được điều gì nên người bệnh cần biết để có thêm thông tin và cân nhắc trước khi thực hiện. 

Về nguy cơ muộn, nếu bệnh nhân kéo dài quá thì gân và cơ không kéo dài cùng với xương hoặc chậm hơn thì bàn chân sẽ biến dạng mà không thể giống như bình thường. Khi đó, bác sĩ sẽ tiếp tục phải can thiệp, sửa chữa biến dạng đó
keodaichan4_iqnwjpg.jpg
Nẹp đinh sau phẫu thuật kéo dài chân
Một bác sĩ khoa Chấn thương chỉnh hình (BV Việt Đức) cho biết, để chân có thể tăng thêm vài cm, cần đến 2-3 tháng. Ngay sau giai đoạn kéo dài xương, bác sĩ chỉ kê đơn rất hạn chế các loại thuốc giảm đau bởi chúng có thể gây ức chế cho sự phát triển xương. Vì vậy, người bệnh sẽ thực sự phải chịu đựng những cơn đau “thấu tận thịt xương”. Những cơn đau này do vết thương sau mổ, cơn đau do gắn chân đinh để căng giãn xương, đau nhức khi đi nhiều trong quá trình xương chưa lấp đầy, tê bàn chân khi căng quá nhanh.
Hơn nữa, trong vòng 3-4 tháng đầu là thời gian thực hiện kéo xương, bệnh nhân chỉ có thể nằm trên giường bệnh để phối hợp với bác sĩ luyện tập: Co chân, ép gối, phải chống nạng và rất hạn chế đi lại. Bên cạnh đó, bệnh nhân phải chịu rủi ro hai chân phát triển không đều do xương chân phát triển không đồng đều. Sẹo hình thành xung quanh các lỗ chân đinh.

Ngoài ra, đầu vít của thiết bị giãn xương được cố định ở chân nếu bị nhiễm trùng, có thể gây tổn thương các tổ chức thần kinh và mạch máu hoặc gây nhiễm trùng, viêm tủy xương dẫn đến tàn phế. Bệnh nhân cũng dễ bị loét da quanh chân đinh nếu dùng thuốc sát trùng không đúng.

Nếu tốc độ giãn xương quá nhanh, thần kinh và các mạch máu ở chân sẽ bị tổn thương hoặc máu lưu thông không đều có thể gây liệt bàn chân, co rút gân cơ, trật khớp, chi dưới hoại tử, phải cắt chi hoặc bị bại liệt vĩnh viễn.

Đặc biệt, khi xương dài ra dẫn đến áp lực đè xuống đầu gối nặng hơn, nếu không phối hợp với bác sĩ để luyện tập chức năng, sẽ dẫn đến rủi ro xơ hóa khớp gối, tàn phế suốt đời.

Phẫu thuật kéo dài chân không làm ảnh hưởng tới tuổi thọ của người phẫu thuật. Tuy nhiên, sau khi kéo dài, các phần mềm (gân cơ, cơ, thần kinh, mạch máu, dây chằng) chưa đáp ứng kịp với tình huống mới. Do đó cần phải tập phục hồi chức năng một thời gian, nhanh hay chậm tùy theo mỗi người và mức độ kéo dài. Khi cơ xương khớp đã ổn định, đã tập luyện tốt, chân được kéo dài hoàn toàn khỏe mạnh, bệnh nhân đi lại sinh hoạt chạy nhảy bình thường. 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn