Theo đó, sản phụ là chị K.P. (32 tuổi, ngụ TPHCM) được chẩn đoán bị nhau tiền đạo trong một lần đi khám thai. Tuy nhiên, lúc này chị vẫn chưa hiểu rõ về mức độ nguy hiểm của tình trạng này.
Khi đến tuần thai 21, chị K.P. đến thăm khám tại Bệnh viện Phương Nam (TPHCM), được bác sĩ xác định và giải thích rõ ràng về tình trạng nhau tiền đạo trung tâm của mình. Đây là tình trạng bánh nhau che kín hoàn toàn lỗ trong cổ tử cung - một biến chứng nghiêm trọng trong thai kỳ.
Theo bác sĩ, nhau tiền đạo không chỉ gây khó khăn trong quá trình sinh nở mà còn tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm như chảy máu ồ ạt, tình trạng chảy máu có thể xảy ra ở bất kỳ thời điểm nào trong thai kỳ, gây nguy hiểm cho mẹ và bé.
Bên cạnh đó, nhau tiền đạo trung tâm còn dẫn đến nguy cơ cắt bỏ tử cung. Theo đó, việc mổ lấy thai đối với trường hợp nhau tiền đạo trung tâm là một cuộc phẫu thuật khó, có khả năng mất máu nhiều, cần phải truyền máu, thậm chí phải cắt bỏ tử cung để đảm bảo an toàn cho mẹ.
Trước tình trạng của sản phụ, BS.CKII Nguyễn Hoàng Tuấn đã đưa ra kế hoạch theo dõi sát sao và chuẩn bị tinh thần cho sản phụ và gia đình về những tình huống xấu nhất như phải truyền máu khối lượng lớn, thậm chí phải cắt bỏ tử cung để cứu mẹ.
Đến tuần thai 37, sản phụ được chỉ định mổ chủ động. Ê-kíp bác sĩ thực hiện thành công ca mổ trong 40 phút, đón bé an toàn; đồng thời thực hiện thắt động mạch tử cung để kiểm soát lượng máu mất ít, chỉ ở mức 250ml - tương đương một ca mổ thông thường và không cần phải truyền thêm máu. Điều quan trọng nhất là đã bảo toàn tử cung thành công, mang lại cơ hội nối tiếp hành trình làm mẹ trong tương lai cho sản phụ.
Sau ca mổ, sự hồi phục của chị K.P cũng vượt ngoài mong đợi. Chỉ 5 ngày sau, chị đã hoàn toàn khỏe mạnh và đã được xuất viện.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn