Phê duyệt đề án đưa TPHCM thành trung tâm chăm sóc sức khỏe ASEAN

22:25 | 08/11/2024;
Theo đề án trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe ASEAN, TPHCM phấn đấu đạt tỷ lệ 23 bác sĩ/10.000 dân, 40 điều dưỡng/10.000 dân, 42 giường bệnh/10.000 dân vào năm 2030.

“Đến năm 2030, mỗi người dân đều được khám sức khỏe và tầm soát bệnh mỗi năm một lần và đều được lập hồ sơ sức khỏe điện tử. Thành phố Hồ Chí Minh cũng phấn đấu đạt tỷ lệ 23 bác sỹ/10.000 dân, 40 điều dưỡng/10.000 dân, 42 giường bệnh/10.000 dân".

Đây là những nội dung nằm trong Đề án “Phát triển hệ thống y tế Thành phố Hồ Chí Minh trở thành Trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN giai đoạn từ nay đến năm 2030 và những năm tiếp theo” mới được Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt.

Nội dung cụ thể của Đề án gồm: Quy hoạch, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng ngành y tế phù hợp với quy hoạch chung Thành phố; phát triển hệ thống đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao; hình thành và phát triển Khu công nghiệp chuyên ngành y dược; phát triển các kỹ thuật hiện đại, chuyên sâu đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân.

Cùng với đó là xây dựng mạng lưới chăm sóc chuyên khoa từ bệnh viện tuyến cuối đến y tế cơ sở theo quy mô vùng; phát triển du lịch y tế gắn liền với phát triển y học chuyên sâu và y học cổ truyền; xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực y tế.

Về chỉ tiêu cụ thể, Đề án nêu rõ, giai đoạn từ nay đến năm 2030 phấn đấu tuổi thọ trung bình của người dân đạt 77 tuổi, trong đó thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 68 năm.

Tổng tỷ suất sinh đạt 1,6 con/phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Mỗi người dân được khám sức khỏe và tầm soát bệnh 1 lần/năm và đều được lập hồ sơ sức khỏe điện tử. Tỷ lệ bác sỹ đạt 23 bác sỹ/10.000 dân, 40 điều dưỡng/10.000 dân, 42 giường bệnh/10.000 dân.

Theo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, việc triển khai Đề án sẽ giúp hiện thực hóa mục tiêu trở thành “Trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN".

Điều này sẽ mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội rất lớn, góp phần nâng cao sức khỏe, tầm vóc, tuổi thọ và chất lượng cuộc sống của người dân. Đồng thời, việc hình thành các trung tâm y tế chuyên sâu sẽ góp phần phát triển du lịch y tế, Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ là điểm đến về khám chữa bệnh của người dân trong nước mà còn của các nước khác trong khu vực.

Bên cạnh đó, việc hình thành Trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN giúp góp phần hỗ trợ, nâng cao năng lực y tế các địa phương khu vực phía Nam, hướng đến mục tiêu giảm tải cho các bệnh viện tuyến cuối tại Thành phố Hồ Chí Minh và nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân.

Hiện nay, tỷ lệ giường bệnh trên 10.000 dân của Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia tiên tiến trên thế giới. Người dân vẫn có xu hướng đổ dồn về các bệnh viện để được khám, chữa bệnh, khiến các bệnh viện tuyến cuối của Thành phố quá tải, không thể tập trung nguồn lực để phát triển các kỹ thuật chuyên sâu.

Bên cạnh đó, vẫn còn một số bệnh viện đã xuống cấp, quá tải như Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Tâm thần, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới.

Thành phố cũng chưa phát triển ngành công nghiệp dược, y sinh. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, các công nghệ mới tại các cơ sở y tế chưa đồng đều và còn hạn chế.

Công tác chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, bệnh án điện tử vẫn còn hạn chế tại một số cơ sở y tế. Nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng cao và đa dạng.

Tuy nhiên Thành phố còn thiếu một số mô hình dịch vụ chăm sóc sức khỏe như Trung tâm tầm soát, phát hiện sớm bệnh bằng công nghệ cao; Trung tâm chăm sóc người cao tuổi.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn