Phi Nhung kể sự việc khán giả không cho về, bầu sô phải xin

13:00 | 20/07/2021;
Nữ ca sĩ cũng kể kỷ niệm vui từng được khán giả mang cho một cái lẩu cá bông điên điển khiến cô nhớ suốt đời.

Trong chương trình Chân dung cuộc tình tuần này nói về nhạc sĩ Hà Phương - tác giả nổi tiếng của nhiều ca khúc về mưa, 2 ca sĩ Phi Nhung và Thùy Trang đã thổ lộ nhiều câu chuyện chân thật từ chính hồi ức của mình với không ít điều thú vị.

Thời điểm ở hải ngoại, Phi Nhung đã thu âm nhiều bài hát của nhạc sĩ Hà Phương như: Mưa đêm tỉnh nhỏ, Mưa qua phố vắng, Mùa mưa đi qua, Chiều mưa qua sông, Bông điên điển, Em về miệt thứ. Tại chương trình lần này, cô cũng trình diễn lại ca khúc làm nên tên tuổi của mình, chính là Bông điên điển. 

Phi Nhung kể lại sự việc khán giả không cho về, bắt hát cả 6 bài.

Nữ ca sĩ xúc động kể lại: “Lúc còn ở bên Mỹ, tôi nghe chị Hương Lan hát và yêu thích ca khúc này rất nhiều. Thời mới đi hát, còn chưa biết bông điên điển là bông gì vì ngày trước nhà tôi ở miền núi. Tôi đã lấy bông bụp minh hoạ thành bông điên điển trong các sản phẩm.

Năm 2000 về Việt Nam, tôi xuống miền Tây làm từ thiện, khán giả nhận ra Phi Nhung hát bài bông điên điển. Tối đó, khán giả mang cho tôi một cái lẩu cá bông điên điển, kỷ niệm đó tôi nhớ suốt đời”.

Giọng ca Bông điển điển cũng cho hay: “Sau này, tôi về miệt thứ, hát trên cồn cao, bầu sô nói tôi hát 3 bài nhưng khi vào sân khấu khán giả không đồng ý, bắt buộc tôi phải hát đúng 6 bài của chú Hà Phương là Mưa đêm tỉnh nhỏ, Mưa qua phố vắng, Mùa mưa đi qua, Chiều mưa qua sông, Bông điên điển, Em về miệt thứ. Bầu sô chạy ra chắp tay lạy nhưng khán giả không chịu, nên tôi hát 6 bài đó phục vụ bà con”. 

Nổi tiếng với bài Bông điên điển nhưng nữ ca sĩ thú nhận lúc đầu không biết bông này là bông gì.

Cũng tại chương trình lần này, những cuộc tình của tác giả Bông điên điển được hé lộ trước khán giả. Được biết nhạc sĩ Hà Phương sinh năm 1938, sống ở Mỹ Tho (Tiền Giang). Ông mang cái tên định mệnh với ý nghĩa phiêu du sông hồ. Sau những ngày tháng xa xứ, nơi dừng chân của ông lại chính là quê nhà Mỹ Tho, chốn tỉnh nhỏ thân thương. Để rồi từ đây những bản tình ca ra đời và làm nên một sự nghiệp sáng tác rạng rỡ. Bao năm sống bình yên nơi tỉnh nhỏ ấy, ông âm thầm kể lại một phần cuộc đời, một phần những cuộc tình qua những bản tình ca được công chúng khắp nơi yêu thích, được các danh ca hàng đầu thể hiện. 

Trước 1975 có chùm 3 ca khúc về mưa của Hà Phương với nét nhạc tương đồng nhau, được đông đảo khán giả yêu thích như Mưa đêm tỉnh nhỏ, Mưa qua phố vắng, Mùa mưa đi qua. 3 ca khúc lần lượt ra đời khi ông chìm đắm trong cuộc tình với một người ca sĩ tại vùng tỉnh lẻ tên là Ngọc Lan.

Hàng đêm trên sân khấu, nhạc sĩ Hà Phương đệm đàn cho nữ ca sĩ ấy. Khi màn nhung khép lại cũng là lúc cả hai đưa nhau về trên con đường vắng thưa người trong những đêm mưa buồn nơi tỉnh lẻ. Cuộc tình sau đó dù không thành, nhưng cũng để lại quá nhiều kỷ niệm sâu sắc cho người nhạc sĩ. 

Nhạc sĩ Hà Phương - tác giả của Bông điên điển.

MC - Biên tập Minh Đức tiết lộ cách đây một năm, anh từng có dịp xuống Mỹ Tho thăm nhạc sĩ Hà Phương. Người con trai của Hà Phương tên là Vũ Phương, cũng theo nghiệp của cha trở thành nhạc sĩ. Nhạc sĩ Hà Phương kể, 3 ca khúc về mưa đều liên quan đến một “bóng hồng”. Khi ấy, ông yêu cô ca sĩ tỉnh Ngọc Lan nhưng mang mặc cảm là một anh nghệ sĩ nghèo, không có gì trong tay để mang đến tương lai cho cô ấy. 2 người chia tay. Thời gian sau, cô ấy đi lấy chồng và ra nước ngoài sinh sống.

Người vợ hiện tại của Hà Phương tên Huỳnh Thị Bé Ba, cũng là một người bạn của Ngọc Lan. Bà thầm cảm mến người nhạc sĩ, biết chuyện tình không thành của ông với Ngọc Lan nên viết tặng ông một bài thơ. Sau này, Hà Phương dựa theo nội dung bài thơ phối và viết thành ca khúc Đò đưa bến khác. Sau nhiều năm xa xứ, Ngọc Lan có quay trở lại và 3 người gặp lại nhau. Lúc ấy, nhạc sĩ Hà Phương đã nên duyên cùng bà Bé Ba. 

Chuyện tình của nam nhạc sĩ với ca sĩ Ngọc Lan hay bà Ba Bé cũng được ông thổ lộ.

Bà Ngọc Lan thổ lộ: “Cả Ngọc Lan và Bé Ba đều có tình cảm với anh Phương nhưng Bé Ba lấy được anh Phương nên Ngọc Lan sẽ gọi Bé Ba là chị để có chúng ta có trở thành chị em”. 

Những năm tháng của tuổi xế chiều, Hà Phương cho ra đời loạt ca khúc mang âm hưởng dân ca và lại thành công rực rỡ như: Bông điên điển, Em về miệt thứ, Bông lục bình… Người nhạc sĩ ấy đã gắn bó với nơi chốn thân thương của đời mình và trả ơn chốn tỉnh nhỏ ấy bằng những giai điệu và lời ca không thể nào quên. 

Ca sĩ Thùy Trang cũng chia sẻ kỷ niệm không quên với nam nhạc sĩ.

Nữ ca sĩ Thuỳ Trang chính là đồng hương với nam nhạc sĩ, vì cô cũng sinh ra tại mảnh đất Tiền Giang. Nữ ca sĩ tiết lộ: “Ngày trước, tôi không biết chú Hà Phương quê ở Tiền Giang, nhưng từ câu hát đầu tiên của Em về miệt thứ là 'Từ ngày xa đất Tiền Giang'… đã khiến tôi rưng rưng, hệt như cảm xúc của chính tôi, một người con xa quê hương. Thêm ca khúc Bông điên điển nói về những cô gái miền Tây phải xa gia đình, lấy chồng nơi xứ xa, khiến tôi cảm động.

Khi hát những ca khúc của chú, hình ảnh quê hương gợi lên trong lòng tôi rất nhiều. Sau này, bất ngờ hơn khi được biết chú và tôi là người cùng xã, nhà chú cách nhà tôi chỉ một cây cầu. Chú tâm sự biết nhà tôi nhưng ngại vì tôi khi ấy đi hát đã có tên tuổi, nên không dám đến nhà bắt chuyện”. Khi nghe Hà Phương tâm sự, Thuỳ Trang cảm thấy hối tiếc khi không nhận ra người nhạc sĩ cùng quê sớm hơn.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn