Thông tin từ BV Nhi đồng 1 cho biết, tính từ đầu năm đến nay, BV Nhi đồng 1 đã tiếp nhận và điều trị 25 ca viêm não. Trong đó có 50% ca dương tính với viêm não Nhật Bản, chưa có ca nào tử vong. Hiện ở khoa nhiễm – thần kinh đang có 6 trong tình trạng nặng, phải sử dụng máy thở. Trong đó, có 2 bé đã điều trị tại bệnh viện gần 1 năm nay.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, bệnh viên não Nhật Bản thường xảy ra nhiều vào cuối tháng 5 đến tháng 10 hằng năm. Đặc thù của bệnh viêm não Nhật Bản ở miền Nam là bệnh xuất hiện ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long nhiều hơn so với khu vực Đông Nam Bộ.
Viêm não xảy ra ở trẻ dưới 15 tuổi. Viêm não Nhật Bản khó xảy ra ở hàng loạt trẻ em vì tùy thuộc vào cơ địa của từng người. Hơn nữa, đặc thù của viêm não Nhật Bản là không lây từ người qua người.
Việc điều trị viêm não Nhật Bản rất tốn thời gian. Thời gian điều trị ít nhất 10 ngày hoặc có thể kéo dài 1 tháng, nếu không điều trị khỏi thì bệnh nhi có phải phụ thuộc vào máy thở trong thời gian dài. Bình thường, 1 bệnh nhi bị viêm não thì phải 4-5 người chăm sóc vì bé không đi được, có thể không ăn được bằng đường miệng…
Theo bác sĩ Khanh, việc chích ngừa viêm não Nhật Bản cho trẻ là hết sức quan trọng. Tuy nhiên, thực tế hiện nay thì ý thức của người dân còn kém, nhiều người chưa phân biệt được các loại viêm não ở trẻ. Thậm chí, có nhiều trường hợp chích hai mũi đầu nhưng lại quên mũi thứ ba nên việc tiêm ngừa không mang lại hiệu quả.
“Thói quen của người dân hiện nay là chưa thấy bệnh thì chưa có sợ. Phải khi nào thấy người nhà, người hàng xóm bị bệnh thì lúc đó mới chủ động, mới sợ”, bác sĩ Khanh cho hay.
Ở khu vực phía Nam thì việc điều trị viêm não phải từ tuyến tỉnh trở lên. Hiện nay, việc điều trị viên não Nhật Bản tại Việt Nam chỉ giảm được tỉ lê tử vong (dưới 10%) chứ chưa giảm được di chứng (khoảng 30%). Riêng di chứng của viêm não thì rất nặng nề, phải sử dụng máy thở kéo dài dẫn đến viêm phổi rồi tử vong, động kinh, sống thực vật.
Cũng theo bác sĩ Khanh, việc chẩn đoán viêm não trước khi hôn mê khá khó khăn, vì có các triệu chứng của bệnh giống sốt siêu vi. Viêm não diễn tiến rất nhanh, chỉ trong 3-4 ngày. Do vậy, khi thấy em bé có các dấu hiệu như sốt, nhức đầu, nôn ói ngày càng nhiều thì nên nghi ngờ bị bệnh lý não, nhất là khi trẻ bị co giật thì nên đưa bé đến bệnh viện thăm khám.
Trưởng khoa nhiễm – thần kinh, BV Nhi đồng 1 cho rằng, việc phòng ngừa, giáo dục về viêm não Nhật Bản phải làm tốt hơn nữa. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cũng cần phải chích ngừa viêm não cho trẻ, chủ động diệt muỗi và khi nằm ngủ phải mắc mùng.
Được biết, hiện nay tiêm phòng viêm não Nhật Bản được chia làm 2 nhóm đối tượng trẻ em, dưới 5 tuổi và trên 5 tuổi. Giá mũi tiêm phòng viêm não Nhật Bản khoảng là 125.000 đồng/mũi.