Phiên họp 37 Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ lấy ý kiến 12 dự án luật

12:20 | 09/09/2019;
Sáng 9/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp thứ 37. Phiên họp sẽ kéo dài từ ngày 9/9 đến ngày 20/9 với nhiều nội dung quan trọng để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XIV diễn ra vào tháng 10/2019.

Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về các nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, tiến hành giám sát chuyên đề và quyết định một số vấn đề thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Nội dung xuyên suốt và khá quan trọng chính là xem xét cho ý kiến về các nội dung về 12 dự án luật. Trong đó có 4 dự án Luật trình Quốc hội xem xét thông qua và 8 dự án trình cho ý kiến lần đầu.

khai-mac.jpg
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thi Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên họp sáng 9/9. Ảnh: Quochoi.vn 

Các dự án luật được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến gồm: dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; Luật Chứng khoán (sửa đổi); Luật Thanh niên (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Nhóm nội dung thứ hai là cho ý kiến về 2 dự thảo Nghị quyết để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 là Nghị quyết của Quốc hội về xử lý tiền thuế nợ đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước; Nghị quyết của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi và vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021- 2025.

Cũng tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về phương án phân bổ sử dụng nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2018; cho ý kiến về sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về quản lý và sử dụng nguồn thu từ thoái vốn, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước; cho ý kiến về dự thảo Nghị định quy định thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hoá quá cảnh thông qua Hệ thống quá cảnh Hải quan ASEAN để thực hiện Nghị định thư 7 về Hệ thống quá cảnh hải quan.

Phiên họp cũng dành thời gian để các đại biểu Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo công tác tư pháp, hoạt động kiểm toán Nhà nước và các báo cáo quan trọng khác, đồng thời thảo luật một số công việc liên quan đến kỳ họp thứ 8 sẽ diễn ra vào tháng 10 tới.

Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, thực hiện kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 36, các cơ quan đã tích cực hơn trong việc chuẩn bị các nội dung để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tuy nhiên vẫn còn một số tài liệu chưa được gửi đúng hạn, đề nghị các cơ quan lưu ý, rút kinh nghiệm.

“Phiên họp này có rất nhiều nội dung quan trọng, nhất là các nội dung trình tại Kỳ họp thứ 8 nên thời gian làm việc tương đối dài, vì vậy đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung tham dự phiên họp, điều hành linh động khoa học để phiên họp đạt hiệu quả cao nhất” – bà Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.

Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội, phiên họp bắt đầu với việc cho ý kiến đối với hai dự án Luật sửa đổi là Luật Phòng chống thiên tai và Luật Đê điều, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn