Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV vừa kết thúc thành công tốt đẹp. Sau Kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành phiên họp thứ 46 để xem xét các nội dung theo thẩm quyền.
Thứ nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); Việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thỏa thuận quốc tế; việc triển khai thực hiện các quy định mới được sửa đổi, bổ sung trong Luật Tổ chức Quốc hội.
Thứ hai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về việc tổng kết Kỳ họp thứ 9 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 10 của Quốc hội khóa XIV.
Thứ ba, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay; quyết định việc bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá bằng hình thức giá tối đa và xem xét công tác nhân sự.
Thứ tư, cho ý kiến về việc ban hành Nghị định quy định về bảo hiểm vi mô của các tổ chức chính trị - xã hội; Về việc ban hành Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn; việc điều chỉnh dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2020 của Trường Cao đẳng công nghệ thông tin hữu nghị Việt - Hàn từ Bộ Thông tin và Truyền thông sang Bộ Giáo dục và Đào tạo; việc bổ sung dự toán chi hành chính sự nghiệp năm 2020 (nguồn nước ngoài) cho Kiểm toán nhà nước.
Nhấn mạnh về thời gian phiên họp chỉ kéo dài 2 ngày, thời gian ngắn nhưng các nội dung rất quan trọng, đòi hỏi giải quyết ngay, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiêm túc, tích cực nghiên cứu tài liệu và cho ý kiến sâu sắc về các nội dung.
Về phần nội dung dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), cho ý kiến tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, cần chú ý rằng phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Luật là những người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, còn các chuyên gia đi làm việc ở các nước có thể theo nhiều hình thức khác nhau, không phải quy định theo Luật này.
Báo cáo một số nội dung chủ yếu xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, dự án Luật này đã được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9.
Với những nội dung của dự thảo, theo bà Nguyễn Thúy Anh, về đối tượng áp dụng, Thường trực Ủy ban thấy rằng, nội dung này nhận được sự quan tâm của nhiều vị đại biểu Quốc hội và ý kiến cũng khác nhau, nên đã tổ chức lấy ý kiến và khảo sát tại địa phương. Các địa phương đã thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế có liên quan đến đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài được Ủy ban khảo sát, lấy ý kiến thì đều giao cho Trung tâm dịch vụ việc làm thuộc ngành LĐ-TB&XH thực hiện.
Vì vậy, đa số Thường trực Ủy ban thống nhất tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội theo hướng quy định đơn vị sự nghiệp đó là Trung tâm dịch vụ việc làm do Chủ tịch UBND cấp tỉnh thành lập. Đồng thời, sửa đổi Điều 38 của Luật Việc làm để bổ sung nhiệm vụ này cho Trung tâm dịch vụ việc làm nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tính liên thông của lao động trong nước - ngoài nước, phù hợp với thực tế triển khai hoạt động này tại các địa phương, không phát sinh thêm tổ chức, bộ máy.
Về chính sách của Nhà nước về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Thường trực Ủy ban thấy rằng, ngoài quy định về chính sách của Nhà nước tại dự thảo Luật này thì Điều 20 của Luật Việc làm đã quy định chính sách đặc thù đối với lao động là người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, thân nhân của người có công với cách mạng có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Do đó, Thường trực Ủy ban dự kiến tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội theo hướng bổ sung tại Điều 4 của dự thảo Luật quy định dẫn chiếu Luật Việc làm và chỉnh lý các nội dung chính sách cho phù hợp để bảo đảm tính bao quát của chính sách việc làm trong nước cũng như việc làm ngoài nước đối với người lao động.
Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, ngoài 14 nội dung tại 17 điều, khoản trong báo cáo, Thường trực Ủy ban đã rà soát tiếp thu, chỉnh lý, còn có 23 điều khác ở tất cả các chương của dự thảo Luật và phụ lục, cùng các góp ý về kỹ thuật lập pháp sẽ được Thường trực Ủy ban phối hợp với Ủy ban Pháp luật, các cơ quan của Quốc hội và Ban soạn thảo rà soát tiếp thu, chỉnh lý, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Qua chỉnh lý bước đầu, dự thảo Luật còn 78 điều, giảm 01 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, bỏ 02 Điều và bổ sung 01 điều mới.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn