Ngày 14/9, Hội LHPN Thành phố Hà Nội phối hợp với Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước Hà Nội tổ chức tuyên truyền về phòng, chống xâm hại, bạo lực học đường cho học sinh thông qua phiên tòa giả định tại trường THCS Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai).
Thay vì tiếp cận những điều khoản, quy định của pháp luật một cách khô khan, phiên toàn giả định với các tình tiết chân thật, cụ thể đã giúp học sinh dễ tiếp thu, nắm bắt các nội dung và nâng cao nhận thức pháp luật khi trực tiếp chứng kiến toàn bộ quá trình xét xử theo quy định.
Các bị cáo bị đưa ra xét xử về tội "Làm nhục người khác" theo Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017. Cụ thể, các bị cáo đều đang ở độ tuổi rất trẻ, đang còn đi học nhưng không lo học hành mà lại yêu đương quá sớm, thậm chí đi đánh ghen và dẫn đến những hành động không phù hợp với lứa tuổi là tung ảnh khỏa thân của đối phương lên mạng nhằm mục đích làm xấu hình ảnh, gây ảnh hưởng tâm lý nghiêm trọng.
Tại phiên tòa giả định, Hội đồng xét xử đã giải thích cho các bị cáo rõ, hình ảnh cá nhân của một người là được pháp luật bảo vệ, không ai có quyền sử dụng hình ảnh cá nhân của người khác khi chưa có sự đồng ý của người đó. Trong khi đó, các bị cáo không những dùng gậy đánh bạn, dùng lời lẽ lăng nhục mà còn quay video lại, tung ảnh nhạy cảm của bạn để bêu xấu, nhằm làm nhục bạn, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của bạn.
"Mạng xã hội là để các bị cáo khai thác phục vụ cho học hành và công việc, chứ không phải là để các bị cáo sử dụng để lăng mạ và bêu xấu người khác như vậy, điều đó vi phạm quy định về các điều cấm theo Luật an ninh mạng..." - Hội đồng xét xử phiên tòa giả định giải thích.
Cũng tại chương trình, Phó Trưởng phòng Hành chính, tổng hợp, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước Hà Nội Nguyễn Thị Thanh Xuân tuyên truyền về trợ giúp pháp lý và phổ biến luật phòng, chống xâm hại, bạo lực học đường cho các học sinh trường THCS Thịnh Liệt.
Em Trần Xuân Mai, học sinh lớp 9A1, chia sẻ: "Tham gia phiên tòa giả định, vào vai một bị cáo, bản thân em nhận thấy những sai lầm của lứa tuổi học sinh và từ đó rút kinh nghiệm, tránh mắc lỗi tương tự như các bị cáo. Cũng nhờ phiên tòa giả định, chúng em được học tập, hiểu biết các hình phạt để không phạm lỗi và tuyên truyền đến các bạn học sinh khác".
Học sinh Nguyễn Hữu Lộc, lớp 9A3, cho biết, phiên tòa nói về vấn đề bạo lực học đường - vấn đề đang xảy ra trong nhiều trường học, nhưng hầu hết các em đều cho rằng đây là giải quyết mâu thuẫn giữa các bạn lẫn nhau chứ không nghĩ là vi phạm pháp luật. Các bị cáo đã xúc phạm bạn bằng lời lẽ, quay video đăng lên mạng xã hội, hành động này rất đơn giản nhưng hậu quả để lại không hề đơn giản. "Chúng em đã nắm được thông tin về việc cần hiểu hậu quả của vấn đề trước khi làm việc gì đó", em Lộc nói.
Cô giáo Nguyễn Thị Thiều, giáo viên trường THCS Thịnh Liệt, nhận định: "Phiên tòa giả định là hình thức mới mẻ, không bị nhàm chán trong tuyên truyền. Các em học sinh có sự tập trung và lắng nghe. Tôi mong muốn sẽ tổ chức nhiều phiên tòa giả định hơn tại các trường học với các nội dung bạo lực học đường, thuốc lá điện tử, hành vi lôi kéo, xâm phạm danh dự của người khác cả trực tiếp và trên mạng xã hội… để giúp các em nhận thức hành vi pháp luật, từ đó thay đổi hành vi của mình".
Hoạt động tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật là nội dung là các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn TP Hà Nội đặc biệt quan tâm và việc tuyên truyền pháp luật học đường là vô cùng cần thiết. Chương trình đã giúp cho các học sinh nhận thức đúng đắn về pháp luật, định hướng đúng trong hành vi ứng xử trên mạng xã hội, biết sử dụng mạng xã hội một cách thông minh.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn