Phim "Những đứa trẻ thiên đường": Sự êm dịu của tâm hồn trẻ thơ

07:57 | 14/03/2023;
Khi cậu khóc nức nở vì không thể mang đôi giày về cho em, tôi cũng khóc theo. Tôi khóc vì buồn, vì cảm động và cả vì sự trong trẻo của trẻ thơ mà đã rất lâu rồi tôi mới lại được gặp.

Bộ phim "Những đứa trẻ thiên đường" (tựa gốc: Children of Heaven) sản xuất vào năm 1997 bởi đạo diễn người Iran Majid Majidi. Ngay khi vừa ra đời, bộ phim đã nhanh chóng được giới điện ảnh hàng đầu tán dương. 

Trên tờ Chicago Sun-Times, nhà phê bình gạo cội Roger Ebert nhận định đây là bộ phim gần như hoàn hảo cho trẻ em. Một số người khác thì so sánh nó với tác phẩm kinh điển "Kẻ cắp xe đạp" (năm 1948) của Vittorio de Sica.

Câu chuyện phim lấy bối cảnh ở một vùng đất nghèo của Iran, xoay quanh việc người anh Ali làm mất đôi giày của em gái Zahra. Vì không dám nói với bố nên hai anh em phải thay phiên cùng mang đôi giày của Ali đến trường. 

Mỗi ngày sau khi tan học, em gái Ali lại chạy vội về nhà để kịp đưa giày cho anh trai và Ali lúc này cũng chạy hết tốc lực để đến trường kịp giờ. Cứ thế, hai đứa trẻ chạy đua với thời gian chỉ với một đôi giày. Ali nói với em gái rằng, cậu không sợ bố đánh. 

Cậu chỉ sợ nhà mình nghèo quá, nếu biết em gái bị mất chiếc giày, bố sẽ lại phải đi vay mượn tiền, như thế cậu càng thêm có lỗi. Riêng chi tiết ấy thôi đã đủ lột tả được cái khó khăn của đời sống lúc bấy giờ, đồng thời cũng là bật lên được sự hiểu chuyện, trưởng thành của những đứa trẻ lớn lên trong cảnh khó khăn ấy.

Sự êm dịu của tâm hồn trẻ thơ - Ảnh 1.

Câu chuyện cũng khắc họa rõ nét tình yêu thương gắn bó giữa hai đứa trẻ, đặc biệt là tình cảm của Ali dành cho em gái

Câu chuyện cũng khắc họa rõ nét tình yêu thương gắn bó giữa hai đứa trẻ, đặc biệt là tình cảm của Ali dành cho em gái qua cuộc thi chạy mà Ali tham gia. Ban đầu, Ali không quan tâm lắm đến cuộc thi này. 

Tuy nhiên, khi được biết người đạt giải Ba trong cuộc thi sẽ nhận được phần thưởng là một đôi giày (giải Nhất và giải Nhì sẽ không nhận được giày, mà những phần thưởng khác có giá trị hơn), Ali nhất quyết tham gia. Khi ấy, thời hạn đăng ký đã hết nhưng Ali vẫn đến để gặp riêng thầy mình, nài nỉ cho mình đăng ký. 

Khi thầy một mực từ chối, Ali mếu máo: "Xin thầy hãy cho em tham gia, em nhất định sẽ đạt giải". Mủi lòng trước sự quyết tâm của cậu bé và chứng kiến tốc độ tuyệt vời của Ali trong buổi chạy thử, thầy quyết định cho Ali tham gia.

Trong cuộc thi, đã có những thời điểm Ali dẫn đầu cuộc đua nhưng khi ấy cậu bé lại cố tình giảm tốc độ để mình "được" hai cậu bé khác qua mặt. Nhưng cuộc đua diễn ra quá gay cấn, và ở đoạn đua nước rút, có đến 5 cậu bé chạy sít sao nhau để tranh giải. Ali không thể tính toán được nữa, cậu bé chỉ còn biết chạy thật nhanh. 

Và cậu bé đã giành giải Nhất. Tuy nhiên, khi nhận giải, cậu bé lại khóc nức nở, vì không mang về được đôi giày cho em gái mình.

Tâm hồn và trái tim thơ ngây của Ali khiến tim tôi thắt lại. Điều thôi thúc Ali tham gia cuộc thi và giành chiến thắng không có mong muốn gì hơn chính là mang về đôi giày mới cho em. Cậu không cần trở thành người giải Nhất, hay giải Nhì, điều cậu cần chỉ là một đôi giày mới. 

Khi cậu khóc nức nở vì không thể mang đôi giày về cho em, tôi cũng khóc theo. Tôi khóc vì buồn, vì cảm động và cả vì sự trong trẻo của trẻ thơ mà đã rất lâu rồi tôi mới lại được gặp.

Một bộ phim tuyệt vời về trẻ thơ. Nó nhắc nhở chúng ta sự giản dị, hồn nhiên đẹp đẽ trong tâm hồn mỗi đứa trẻ, nơi mà chúng ta ai cũng đã từng được trải qua. 

Tôi tin rằng bộ phim đã vượt ra khỏi biên giới quốc gia, để trở thành một bộ phim về mọi đứa trẻ trên thế giới này. Những đứa trẻ xứng đáng được yêu thương và nâng niu bằng tất cả sự trân quý của chúng ta.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn