'Phím số diệu kỳ': Những câu chuyện rơi nước mắt sau 0 giờ

12:00 | 09/03/2019;
Khi những người khác đang chìm vào giấc ngủ thì những chị em phụ nữ ở Tổng đài Quốc gia Bảo vệ trẻ em 111 của Bộ LĐTB&XH vẫn đang miệt mài bên những “phím số diệu kỳ”. Ở đó, những câu chuyện, những mảnh đời cần sẻ chia, cần giúp đỡ hiện ra sau những tiếng chuông.

Vẫn chờ cuộc gọi lại của nữ sinh 14 tuổi 

Màn đêm buông xuống, thành phố lên đèn và những người đi làm trở về với ngôi nhà của mình thì các chị em ở Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 lại bước vào ca làm việc mới. Mỗi ngày, chị em nhân viên Tổng đài chia làm 3 ca trực. 8 tiếng liên tục ngồi... canh điện thoại và lắng nghe những tâm sự, nỗi niềm của trẻ hoặc người thân của trẻ chia sẻ, cầu cứu. Có những câu chuyện khiến các chị ám ảnh, buồn rầu mãi không thôi.

 

tong-dai-1.jpg
Chị Lê Thị Thảo đang tiếp nhận một cuộc gọi đến Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ 111

 

Câu chuyện mà chị Lê Thị Thảo (Cán bộ Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ 111) chia sẻ với chúng tôi là một trong số đó. Có nhiều năm làm việc với vai trò là tư vấn viên của Tổng đài 18001567 sau này nâng cấp thành Tổng đài 111 nên có thể gọi chị Thảo là người có rất nhiều năm kinh nghiệm lắng nghe, tâm tình với trẻ. Có lẽ chị sẽ không thể nhớ hết đã có bao nhiêu cuộc gọi điện đến mà chị cầm máy cũng như bao nhiêu mảnh đời, câu chuyện mà chị được nghe, nhưng câu chuyện về một cô bé 14 tuổi ở Hà Nội bị người thân xâm hại, sau đó nhờ bạn gọi điện đến để xin tư vấn đã ám ảnh chị, khiến chị day dứt vô cùng.

 

Theo chia sẻ của chị Thảo, khi nhận được điện thoại của một cô bé 14 tuổi, chị khá ngạc nhiên vì cô bé ấy không xin tư vấn cho mình mà kể về câu chuyện đau lòng mà bạn của bé đang gặp phải. “Khi nghe em ấy chia sẻ quả thật mình không quá bất ngờ nhưng rất muốn là chính em nạn nhân sẽ liên lạc với mình để mình có thể tư vấn trực tiếp hoặc có những hỗ trợ kịp thời. Nghe xong chuyện em ấy kể về bạn mà mình không giúp được gì nhiều thì thấy áy náy. Đến giờ vẫn chờ điện thoại của em ấy gọi lại...”, chị Thảo mở đầu.

 

Trong cuộc điện thoại của cô bé 14 tuổi ấy, bé lo lắng chia sẻ với chị Thảo về bạn của bé bị chú ruột xâm hại từ năm 11 tuổi. Đến nay 14 tuổi nhưng vẫn đang là nạn nhân của kẻ thủ ác. Sau nhiều năm chịu đựng, cô bé đã quyết định kể với bạn của mình thay vì kể cho người lớn. Hai đứa bé đang tuổi ăn tuổi lớn không dám nói với ai và người bạn này đã gọi điện đến Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ 111 để xin tư vấn.

 

Theo lời kể của chị Thảo, cô bé nạn nhân là một người rất có trách nhiệm với gia đình, bố em bị bệnh tim nên em không dám nói ra sự việc vì sợ bố sốc nên đành nín lặng chịu một mình. Không thể kết nối được với em gái kia nên chị Thảo đành tư vấn gián tiếp qua người bạn của em. “Mình đã nói về những nguy cơ, cách phòng tránh cũng như bảo với em ấy động viên bạn nói ra sự thật để chấm dứt thực tại khủng khiếp. Mình chia sẻ về nguyên tắc giữ bí mật của Tổng đài để cô bé động viên bạn gọi điện đến Tổng đài nhận sự chia sẻ, hỗ trợ kịp thời và can thiệp tốt nhất”, chị Thảo kể.

 

Suốt mấy tháng qua, chị Thảo vẫn mong nhận được một cuộc điện thoại từ cô bé ấy để có thể nắm bắt được tình hình và có những hỗ trợ cần thiết nhất. Vì điều này chưa xảy ra nên chị vẫn áy náy, thường xuyên nghĩ về câu chuyện của cô bé ấy.

 

“Alo, Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ xin nghe!”

 

Nói về một ấn tượng trong suốt những năm tháng “cầm ống nghe”, chị Thảo nhớ lại trường hợp một bé gái ở Đà Nẵng bị chính bố ruột xâm hại. Đó là trường hợp một nữ sinh lớp 10. Cháu có hoàn cảnh khá đặc biệt, mẹ mất từ lúc 2 tuổi, ở cùng mẹ kế và bố ruột. Trong một lần bố có những dấu hiệu không bình thường, cháu đã linh cảm về điều không lành nên kể với mẹ kế nhưng mẹ kế không tin nên không có biện pháp cách ly. Thế rồi, chỉ cách đó vài hôm em bị chính bố đẻ xâm hại. Em ấy mới chạy đến với dì ruột để cầu cứu. Dì của cháu gọi đến tổng đài và chúng tôi đã tư vấn, hướng dẫn các bước, thủ tục pháp lý và kết nối với Trung tâm trợ giúp Xã hội ở Đà Nẵng để giúp đỡ, hỗ trợ hai dì cháu.

 

dai-dien-2_uhkw.jpg
 

Tuy nhiên, trường hợp này cháu bé lại bị sốc thêm một lần nữa khi mẹ kế đến tận trường để năn nỉ cháu rút đơn tố cáo bố. Người mẹ kế này còn phân tích thêm rằng con mà tố cáo bố thì bất hiếu, thì không hay nên càng khiến cô bé bị khủng hoảng, lo sợ.

 

“Sau đó em đã được trị liệu về tâm lý và can thiệp về giáo dục khi chuyển cho em sang trường mới. Em đã ổn định và vượt qua được những ngày tháng đó. Đến nay em đã sắp tốt nghiệp và đang ở cùng với dì ruột của mình”, chị Thảo chia sẻ.

 

“Alo, Tổng đài bảo vệ trẻ xin nghe!”, câu nói nhỏ nhẹ vang lên trong đêm của tư vấn viên vừa dứt lời, đầu dây bên kia là giọng một đứa trẻ khóc nức nở. Cháu kể về việc vừa chứng kiến bố lao vào đánh mẹ dã man giữa đêm. Tiếng nức nở của trẻ, tiếng khóc của người mẹ vọng qua điện thoại khiến các nữ tư vấn lặng người.

 

Những câu chuyện, những mảnh đời cứ như vậy tìm đến với các nữ tư vấn viên ở Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ 111 suốt 24/24h hàng ngày.

 

Mồng 8/3, nhiều chị em vui vầy bên gia đình, bên những khu vui chơi với đầy ắp tiếng cười thì với các chị ở Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ 111, họ vẫn đang ngồi bên những chiếc điện thoại và sẵn sàng để tư vấn, chia sẻ, hỗ trợ cho những mảnh đời, những câu chuyện không vui ở bên ngoài xã hội.

 

20% cuộc gọi đến liên quan tới xâm hại, bạo lực trẻ

 

Theo thống kê, từ ngày 1/1/2018 đến ngày 15/12/2018, Tổng đài 111 đã tư vấn 27.407 ca (tăng 1.562 ca so với cùng kỳ năm 2017), hỗ trợ can thiệp cho trẻ em 806 ca (tăng 222 ca so với 2017). Trong số người gọi tới, trẻ em chiếm 25% (trẻ trong trường học 23,7%, trẻ ngoài trường học 1,3%); số còn lại là do người lớn gọi tới.Nội dung các cuộc gọi tư vấn tập trung vào các vấn đề: quan hệ ứng xử (trong gia đình, nhà trường, xã hội) chiếm 15,2%; xâm hại bạo lực chiếm 20%; trợ giúp pháp lý là 21%.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn