Phình mạch máu não là gì? Cần phát hiện sớm để tránh tử vong

16:16 | 04/03/2020;
Phình mạch máu não là do thành mạch máu bị yếu và dãn to ra. Hầu hết, bệnh thường thầm lặng cho đến khi túi phình vỡ ra các triệu chứng mới bắt đầu xuất hiện rầm rộ.

1. Phình mạch máu não là gì?

Phình mạch máu não là một vị trí nào đó trên mạch máu bị yếu, mất một lớp nào đó và phồng to ra. Vị trí phình ra của mạch máu có thể tạo lực ép lên các dây thần kinh hoặc nhu mô não xung quanh. Phình mạch máu não có thể vỡ bất cứ lúc não gây chảy máu ra vùng lân cận. Vỡ túi phình mạch máu não là một bệnh cảnh cực kì nguy hiểm, có thể gây xuất huyết não, tổn thương nhu mô não, hôn mê, hoặc tử vong.

Một vài trường hợp túi phình mạch máu não nhỏ, thường không gây chảy máu hoặc các vấn đề sức khỏe khác. Các túi phình dạng này thường được phát hiện tình cờ thông qua các chẩn đoán hình ảnh học trong các bệnh lý khác. Túi phình mạch máu não có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trong não, tuy nhiên vị trí thường hay gặp là ở các mạch máu lớn trên nền sọ.

Phình mạch máu não có thể xuất hiện ở bất cứ ai, bất cứ lứa tuổi nào. Tuy nhiên, bệnh thường xảy ra ở nữ nhiều hơn nam và tập trung nhiều ở nhóm tuổi từ 30-60 tuổi. Đặc biệt, ở những người đã có các bệnh lý về di truyền nguy cơ mắc bệnh sẽ cao hơn.

Tất cả các bệnh nhân có túi phình mạch máu não đều có nguy cơ vỡ gây chảy máu nội sọ hoặc chảy máu vào các khu vực lân cận bất cứ lúc nào. Ở Mỹ, mỗi năm có khoảng hơn 30,000 người vỡ túi phình mạch máu não. Theo một vài thống kê, có khoảng 3-5% người Mỹ tồn tại túi phình mạch máu não.

2. Các loại phình mạch máu não:

Hiện nay, phình mạch máu não được chia thành 3 hình dạng chính:

Phình mạch hình túi (saccular aneurysm): phình mạch hình túi là một túi chứa đầy máu, túi này thường xuất hiện tại các mạch máu chính hoặc các nhánh của nó. Các mạch máu này thường ở nền sọ. Là một dạng thường gặp của phình mạch máu não ở người trưởng thành.

Phình mạch hình thoi (fusiform aneurysm): Tại vị trí đó mạch máu bị phình to, đều ở tất cả các mặt, nên có dạng như hình thoi.

Phình mạch hình nấm (mycotic aneurysm): dạng phình mạch này thường xuất hiện sao một tình trạng nhiễm trùng có ảnh hưởng đến hệ thống động mạch trong não. Nhiễm trùng làm yếu thành động mạch dẫn đến hình thành túi phình.

Về kích thước, túi phình mạch máu não được chia thành 3 kích cỡ: nhỏ, to và khổng lồ.

- Túi phình kích thước nhỏ thường có giới hạn đường kính nhỏ hơn 11mm.

- Túi phình kích thước trung bình đường kính dao động từ 11 đến 25 mm, tương đương khoảng 1 đồng xu.

- Túi phình kích thước khổng lồ > 25mm về đường kính.

3. Triệu chứng phình mạch máu não

3.1. Túi phình chưa vỡ

Thường hầu hết các túi phình mạch máu não sẽ không có triệu chứng cho đến khi quá to hoặc đã vỡ. Các túi phình có kích thước nhỏ đa số đều không xuất hiện triệu chứng.

Các túi phình lớn hoặc túi phình đang phát triển gây chèn ép các mô và dây thần kinh xung quanh gây các triệu chứng như:

- Những cơn đau xuất hiện ở phía trên và phía sau mắt.

- Tê tay, chân, có thể tê nửa mặt hoặc toàn mặt.

- Các triệu chứng yếu nửa bên người, hoặc yếu nửa người trên, nửa người dưới.

- Liệt một bên mặt.

Ảnh 2.

Liệt một bên mặt có thể là dấu hiệu phình mạch máu não (Ảnh: Internet)

- Dãn đồng tử của mắt.

- Nhìn đôi, nhìn mờ.

3.2. Túi phình đã vỡ

Khi túi phình vỡ, luôn luôn xuất hiện một cách đột ngột, và đau đầu dữ dội (thường được diễn tả là một cơn đau đầu khủng khiếp nhất trong cuộc đời) cùng với các dấu hiệu:

- Nhìn đôi

- Buồn nôn

- Nôn

- Cứng cổ, cổ gượng

- Nhạy cảm với ánh sáng

- Co giật

- Rối loạn tri giác, mất ý thức

- Nhồi máu cơ tim.

3.3. Nứt túi phình mạch máu não (leaking aneurysm)

Đôi khi các túi phình chỉ bị nứt gây rò rỉ một lượng nhỏ máu vào sọ não. Chỉ có một số ít người tiến triển từ nứt túi phình mạch máu não thành vỡ túi phình.

Các triệu chứng có thể gặp như đột ngột, đau đầu dữ dội, đặc biệt khi có các triệu chứng khác của phình mạch máu não đã nêu, bạn cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra.

3.4. Các chẩn đoán hình ảnh học thường được sử dụng để xác định túi phình mạch máu não

Hầu hết các túi phình mạch máu não đều không có triệu chứng cho đến khi được phát hiện tình cờ khi thăm khám một bệnh lý khác hoặc khi túi phình bị vỡ.

Hiện nay có rất nhiều các phương pháp chẩn đoán túi phình mạch máu não. Khi chẩn đoán chính xác kích thước, vị trí túi phình mới có thể đưa ra được quyết định điều trị tốt nhất cho người bệnh.

Chụp cắt lớp vi tính - chụp CT (computed tomography): Đây là một cận lâm sàng được thực hiện nhanh chóng và không gây đau, thường là lựa chọn đầu tay của các bác sĩ để xác định có máu chảy trong các nhu mô não hay không.

Trong một vài trường hợp, bác sĩ yêu cầu chụp CT có tiêm chất cản quang hay còn gọi là CTA (CT angiography). Chụp CTA là tiêm thuốc cản quang vào trong máu trước khi chụp CT, giúp quan sát các túi phình rõ nét hơn, đánh giá các mạch máu não chi tiết hơn. Trên CTA bác sĩ có thể đo chính xác kích thích túi phình, vị trí và biết được túi phình đã vỡ hay chưa vỡ dựa vào hình ảnh đường viền bao quanh túi phình có rxo nét hay không.

Chụp cộng hưởng từ - chụp MRI (magnetic resonance imaging). Cũng tương tự như chụp CT, MRI cũng cho hình ảnh chi tiết về các động mạch não, kích thước, vị trí và hình dạng túi phình.

Chụp mạch máu não (cerebral angiography): phương tiện hình ảnh học này chỉ ra được vị trí tắc nghẽn ở mạch máu trong não hoặc vùng cổ. Chụp mạch máu não giúp xác định nguyên nhân của tình trạng chảy máu não, cho biết vị trí chính xác, kích thước và hình dạng túi phình. Để thực hiện được phương pháp này, bác sĩ cần luồn một ống thông đủ dài và đủ độ uốn dẻo từ động mạch đùi lên đến động mạch ở cổ và tiêm thuốc cản quang.

Chất thuốc cản quang giúp tia X cho được hình ảnh chính xác của túi phình và bất kỳ vị trí bị tắc nghẽn nào trên hệ mạch máu não mà các chẩn đoán hình ảnh học khác không làm được.

Chọc dịch não tủy (cerebrospinal fluid analysis): Phương pháp này giúp phân tích các thành phần có trong dich não tủy, là một chất dich bao quanh có tác dụng bảo vệ bộ não và tủy sống. Kết qảu xét nghiệm giúp phát hiện có máu chảy trong não hay không. Nếu máu được phát hiện trong dịch não tủy, các phương tiện chẩn đoán khác sẽ được thực hiện để đánh giá chính xác nguyên nhân máu chảy.

4. Nguyên nhân gây nên túi phình mạch máu não

Phình mạch máu não xảy ra khi thành động mạch não trở nên yếu và mỏng hơn so với những vùng khác. Túi phình thường xuất hiện tại chỗ chia nhánh của động mạch vì đó là những vùng yếu nhất của mạch máu.

Các túi phình mạch máu não thường xuất hiện từ khi sinh ra, là hậu quả của bất thường cấu trúc mạch máu.

Yếu tố nguy cơ phát triển túi phình mạch máu não:

- Túi phình mạch máu não đôi khi là hậu quả của các bệnh lý di truyền, bao gồm:

Rối loạn mô liên kết gây yếu thành động mạch

Bệnh thận đa nang: dưới siêu âm, thận có nhiều nang với kích thước và hình dạng khác nhau, thường đây là một bệnh lý di truyền và có nguy cơ dẫn đến suy thận rất cao.

Dị dạng động tĩnh mạch: dị dạng động tĩnh mạch gây ra các dòng chảy bất thường, từ đó tạo ra các vòng xoáy dễ dẫn đến phình mạch. Một vài loại dị dạng động tĩnh mạch xuất hiện lẻ tẻ khắp nơi trong cơ thể.

- Tiền sử gia đình có người bị phình mạch máu não: con cái, anh chị em ruột hoặc ba mẹ.

Một vài yếu tố nguy cơ khác phát triển trong quá trình sống:

- Tăng huyết áp không điều trị

- Hút thuốc lá

- Nghiện ma túy, đặc biệt sử dụng các nhóm có chứa cocaine, amphetamines ( ví dụ ma túy đá). Các nhóm chất kích thích này làm tăng huyết áp đến mức khó kiểm soát. Tiêm chích ma túy là một trong những nguyên nhân gây phình mạch hình nấm (mycotic aneurysm) do nhiễm trùng.

- Tuổi lớn hơn 40.

Những yếu tố nguy cơ ít gặp hơn:

- Chấn thương đầu.

- U não

- Nhiễm trùng gây ảnh hưởng thành động mạch.

Bên cạnh đó, các bệnh lý như tăng huyết áp, hút thuốc lá kéo dài, đái tháo đường, tăng cholesterol máu là những yếu tố nguy cơ cao gây xơ vữa thành mạch máu. Xơ vữa mạch máu là một bệnh gây ra do các tế bào mỡ lắng đọng lại trong thành động mạch, và làm tăng nguy cơ phát triển túi phình mạch máu não, đặc biệt là các túi phình hình thoi (fusiform aneurysm).

Yếu tố nguy cơ cao dễ gây vỡ túi phình mạch máu não:

Không phải tất cả các túi phình mạch máu não đều vỡ. Các yếu tố như kích thước túi phình, vị trí túi phình, quá trình phát triển đều ảnh hưởng đến sự vỡ túi phình mạch máu não. Bên cạnh đó, các bệnh lý kèm theo cũng góp phần gây vỡ túi phình.

Yếu tố nguy cơ khiến túi phình dễ vỡ:

Hút thuốc lá: hút thuốc lá đều góp phần giúp cho túi phình phát triển nhanh hơn và dễ vỡ hơn. Thuốc lá còn là nguyên nhân hình thành nhiều túi phình với các hình dạng và kích thước khác nhau trong não.

Ảnh 3.

Thuốc lá còn là nguyên nhân hình thành nhiều túi phình trong não (Ảnh: Internet)

Tăng huyết áp: huyết áp cao thường xuyên gây tổn thương và làm yếu thành động mạch, tạo điều kiện cho các túi phình dễ vỡ hơn.

Kích thước túi phình: Túi phình càng to nguy cơ vỡ càng cao, kể cả ở những người không có triệu chứng trước đó.

Vị trí: túi phình nằm ở động mạch thông sau (là một cặp động mạch nằm ở phía sau não) và động mạch thông trước (là một động mạch đơn lẻ ở phí trước não) đều có nguy cơ vỡ cao hơn ở những phần còn lại của não.

Sự phát triển: nếu túi phình càng ngày càng lớn dần lên nguy cơ vỡ càng ngày càng tăng.

Tiền sử gia đình: tiền sử gia đình có người bị vỡ túi phình mạch máu não sẽ làm tăng nguy cơ vỡ túi phình.

Người có túi phình ở nhiều nơi và có tiền sử đã vỡ 1 túi phình hoặc nứt túi phình có nguy cơ vỡ tái phát rất cao.

5. Phương pháp điều trị

Không phải tất cả các túi phình mạch máu não đều cần điều trị. Đối với những túi phình nhỏ không có bất kì yếu tố nguy cơ cao nào của vỡ, người bệnh có thể chung sống hòa bình với túi phình. Nhưng, cũng cần kiểm tra định kỳ mỗi năm để kiểm soát sự phát triển của túi phình bằng MRA hoặc CTA. Đối với những trường hợp có bệnh lý kèm theo hoặc yếu tố nguy cơ cao, điều trị sớm là rất quan trọng.

Điều trị những trường hợp túi phình chưa vỡ và không có triệu chứng rất khó khăn và có nhiều biến chứng nguy hiểm, bên cạnh đó cần kiểm soát chặt chẽ và dự đoán nguy cơ vỡ sau này.

5.1. Phương pháp điều trị được đề nghị đối với túi phình mạch máu não chưa vỡ

Bác sĩ cần cân nhắc rất nhiều yếu tố để chọn lựa phương pháp điều trị tối ưu nhất cho những túi phình chưa vỡ:

- Hình dáng túi phình, kích thước, vị trí túi phình.

- Nguy cơ vỡ túi phình

- Tuổi và tình trạng sức khỏe hiện tại của người bệnh

- Tiền căn bệnh lý của bản thân và gia đình

- Nguy cơ của việc điều trị

Tuy nhiên, người bệnh cũng cần hợp tác và thực hiện tốt các biện pháp dưới đây để giảm nguy cơ vỡ túi phình:

- Kiểm soát huyết áp thật tốt

- Ngưng thuốc lá

- Tránh các thực phẩm, thuốc chứa cocaine hoặc những loại thuốc liên quan.

5.2. Các phương pháp điều trị dành cho túi phình mạch máu não đã vỡ

Phẫu thuật, điều trị nội mạch hoặc nhiều phương pháp khác đều có thể sử dụng để kiểm soát triệu chứng và phòng ngừa tổn thương do túi phình mạch máu não gây ra.

Phẫu thuật

Có rất ít phương pháp phẫu thuật được lựa chọn để điều trị túi phình mạch máu não. Các kỹ thuật đều có nhiều nguy cơ: gây tổn thương đến các mạch máu lân cận, nguy cơ tái phát hoặc tái chảy máu, nguy cơ đột quỵ.

Phương pháp kẹp (microvascular clipping). Phương pháp này yêu cầu phải mở hộp sọ, và ngưng dòng máu chảy đến túi phình. Bác sĩ sẽ xác định mạch máu nào cung cấp máu cho túi phình và dùng kẹp chuyên dụng kẹp ngay tại vị trí cổ túi phình. Thường các túi phình được điều trị bằng cách này ít nguy cơ tái phát.

Điều trị nội mạch

Phương pháp đặt coil (platinum coil embolization): phương pháp này ít xâm lấn hơn phương pháp kẹp nêu trên. Bác sĩ sử dụng một ống đưa vào lòng mạch máu thông thường đưa từ động mạch đùi, luồn ống thông này đến vị trí cần đặt coil. Khi đưa ống thông đến đúng vị trí túi phình, các bác sĩ sẽ đưa coil vào đúng túi phình. Coil ngăn không cho máu tiếp tục chảy vô túi phình. Đây là phương pháp có nguy cơ tái phát cao.

Phương pháp đảo ngược dòng chảy (flow diversion devices): đặt stent trong túi phình giúp giảm dòng chảy vào túi. Đây là phương pháp được thực hiện với các túi phình lớn mà không thể sử dụng được 2 phương pháp trên.

Các phương pháp điều trị khác:

Đa số các phương pháp điều trị khác chủ yếu là phòng ngừa triệu chứng và giảm biến chứng: thuốc chống co giật, thuốc ức chế kênh canxi, thay đổi lối sống.

6. Biến chứng có thể gặp túi phình mạch máu não

Túi phình mạch máu não có thể vỡ và chảy máu vào khoang giữa xương sọ và nhu mô não (xuất huyết dưới nhện) hoặc chảy máu vào trong các nhu mô não (xuất huyết nội sọ). Chảy máu vào trong não thường gây ra một loạt các triệu chứng, từ đau đầu đến tử vong.

Ngoài ra các túi phình cũng có nhiều biến chứng khác như:

Chảy máu tái phát: sau khi vỡ, nếu không được diều trị, túi phình có thể chảy máu lại dẫn đễn xuất huyết nặng nề hơn và nguy cơ tử vong cao.

Rối loạn điện giải: chảy máu trong sọ làm phá vỡ cân bằng của các chất điện giải đặc biệt là natri máu, có thể gây phù não.

Não úng thủy: xuất huyết dưới nhện có thể gây ra não úng thủy. Não úng thủy là tình trạng quá nhiều dịch não tủy có trong não, làm tăng áp lực nội sọ gây tổn thương não lâu dài và có thể dẫn đến tử vong. Não úng thủy thường xảy ra sau xuất huyết dưới nhện do máu đã ngăn các đường hấp thụ dịch não tủy. Nếu không được điều trị kịp thời, áp lực nội sọ tăng quá cao dẫn đến hôn mê và tử vong.

Co mạch: thường xuất hiện sau khi xuất huyết dưới nhện. Tình trạng xuất huyết khiến các mạch máu co nhỏ lại dẫn đến không cung cấp đầy đủ máu cho các vùng nhu mô não còn sống. Tình trạng này kéo dài gây đột quỵ do thiếu máu nuôi.

Động kinh: động kinh nếu không được điều trị có thể gây tổn thương não vĩnh viễn.

7. Phòng tránh

Bạn không thể phòng ngừa các túi phình mạch máu não, chỉ có thể hạn chế yếu tố nguy cơ vỡ bằng các kiểm soát tốt huyết áp và hạn chế thuốc lá.

Các biện pháp giúp giảm huyết áp cao:

- Ăn uống hợp lý: ăn nhiều rau xanh, trái cây, hạn chế muối

- Sử dụng rượu, bia vừa phải

- Duy trì cân nặng hợp lý

- Tập thể dục thường xuyên

- Hạn chế đồ uống có chứa caffein.

8. Chế độ ăn phù hợp cho người có túi phình mạch máu não

Thực phẩm có chứa nhiều calo, chất béo cả chất béo bão hòa và chất béo không bão hòa, muối đều gây tăng huyết áp, tăng cholesterol máu. Từ đó tăng nguy cơ xơ vữa mạch máu và béo phì là những yếu tố nguy cơ cao khiến túi phình dễ vỡ và dễ hình thành túi phình.

Một vài tips nhỏ giúp bạn kiểm soát tốt túi phình mạch mãu não:

- Chọn thực phẩm tươi, có nguồn gỗ xuất xứ rõ ràng

- Hạn chế dầu mỡ từ thịt.

- Ăn vừa phải các thực phẩm chiên và thức ăn nhanh.

- Tăng cường sử dụng các thực phẩm ít béo hoặc không chứa chất béo.

Ảnh 4.

Sử dụng thực phẩm chứa chất béo lành mạnh (Ảnh: Internet)

- Nên sử dụng thêm các loại ngũ cốc nguyên hạt.

- Tránh hoặc hạn chế tối đa các loại nước giải khát có gas: như soda, nước trái cây đóng hộp, nước tăng lực.

- Tiêu thụ các loại dầu tốt cho sức khỏe như dầu olive, dầu dừa, dầu cọ,..

9. Câu hỏi thường gặp

9.1. Tỷ lệ mắc bệnh của túi phình mạch máu não là bao nhiêu phần trăm?

Đây là bệnh khá hiếm gặp, trong 68 nghiên cứu ở 21 quốc gia khác nhua, tỷ lệ mắc bệnh là khoảng 3%. Tức cứ 100 người thì có khoảng 3 người mắc bệnh túi phình mạch máu não.

9.2. Sau bao lâu tôi có thể hồi phục bệnh?

Tùy thuộc vào ảnh hưởng của tình trạng phình mạch máu não khác nhau ở mỗi người. Tiến trình hồi phục còn phụ thuộc vào vị trí, mức độ tổn thương nhu mô não. Nếu bạn chăm chỉ luyện tập và vật lý trị liệu theo đúng hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa, quá trình hồi phục sẽ rất nhanh chóng.

Nguồn tham khảo:

1. https://www.ninds.nih.gov/Disorders/Patient-Caregiver-Education/Fact-Sheets/Cerebral-Aneurysms-Fact-Sheet#8

2. https://www.nhs.uk/conditions/brain-aneurysm/prevention/

3. https://www.everydayhealth.com/aneurysm/prevention-what-you-need-know/

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn