'Phố bánh mỳ vẫy': Không còn đất làm ruộng nên phải ra đường mưu sinh 

14:43 | 30/10/2018;
Bà Nguyễn Thị Hoa, 53 tuổi (xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm, Hà Nội) tâm sự: “Nhà tôi ở trong làng nhưng giờ đất nông nghiệp không trồng cấy được nên cho người ta thuê trồng cây cảnh. Không có việc làm, còn gánh nặng nuôi 2 con ăn học nên tôi phải ra đây ngồi bán bánh mỳ mong kiếm thêm để cùng chồng nuôi các con”.

Chúng tôi có mặt ở đoạn gầm cầu Thanh Trì (quốc lộ 5) và điểm nối cầu Thanh Trì giao với cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn (quốc lộ 1), vào lúc xế trưa của một ngày cuối tháng 10.

Đập vào mắt chúng tôi là những “cây bánh mỳ” được người bán khéo léo xếp theo một vòng tròn từ dưới lên cao trông lạ mắt. Hình ảnh những người phụ nữ bán hàng, tay cầm chiếc bánh mỳ vẫy vẫy mỗi khi có xe đi tới là những hành động quen thuộc với mỗi người khi có dịp qua 2 đoạn đường này.

 

bm.JPG
Những 'cây bánh mỳ' được bày bán trên đoạn đường 

 

Ngồi tỉ mẩn xếp lại những chiếc bánh từ trong hộp xốp lên “cây bánh mỳ”, bà Nguyễn Thị Gái, 56 tuổi (phường Phúc Lợi, Long Biên, Hà Nội), với thâm niên hơn 10 năm bán bánh mỳ ở đoạn đường này, trải lòng: "Chúng tôi ở cách trung tâm Hà Nội chỉ 1 cây cầu nhưng là dân nông nghiệp, trồng lúa và cây màu là chủ yếu. Nhưng từ ngày các dự án khu chung cư, khu biệt thự mọc lên, đất nông nghiệp bị thu hồi cho các dự án, người dân ở đây lại xoay xở đủ nghề để mưu sinh. Có người, khi có chút tiền đền bù đất thì chuyển sang kinh doanh; có hộ xây nhà và sắm vật dụng sinh hoạt xong thì hết tiền, quay ra buôn thúng, bán mẹt để mưu sinh. Như tôi đây chọn cách ra bám đường bán bánh mỳ kiếm sống qua ngày".

 

Với công việc vất vả bám đường từ 6h sáng cho đến tận 9h đêm nhưng bà Gái không thể nghỉ hay nói đúng hơn không cho phép mình nghỉ ngày nào. Dù trời mưa, nắng hay rét căm căm bà vẫn ra đây để bán từng chiếc bánh cho khách qua đường. Đã nhiều tuổi, lại mang bệnh thấp khớp, nhiều lúc chân đau nhức muốn ngã khuỵu nhưng trên lưng là bao tải bánh mỳ nên bà phải ráng đi, ráng làm, bởi "mình mà nghỉ ngày nào là y rằng ngày đó không có tiền để đong gạo, mắm muối lo cho gia đình".

 

img_1160.JPG
Bà Nguyễn Thị Gái, 56 tuổi, tâm sự về hoàn cảnh của mình

 

“Ở tuổi tôi, đáng ra được nghỉ ngơi, ở nhà trông cháu cho các con nhưng tôi thì không thể, ruộng hết, không có lương, không thu nhập, chồng lại không phụ giúp được vợ vì ông ấy “chậm” lắm. Xe máy ông ấy còn không biết đi nói gì đến chuyện chạy xe ôm kiếm đôi đồng phụ thêm cho vợ”, bà Gái lấy tay áo lau vội mồ hôi lấm tấm trên khuôn mặt tâm sự. 

Ngồi phía cuối “phố bánh mỳ vẫy”, bà Nguyễn Thị Hoa, 53 tuổi (xã Cổ Bi, Gia Lâm, Hà Nội), tâm sự: “Nhà tôi ở trong làng nhưng giờ đất nông nghiệp lại không trồng cấy được nên cho người ta thuê trồng cây cảnh. Không có việc làm, lại thêm gánh nặng nuôi 2 con ăn học nên tôi phải ra đây ngồi bán bánh mỳ mong kiếm thêm thu nhập để cùng chồng nuôi các con”.

“Thằng bé nhà tôi đang học cấp 2, còn đứa lớn học năm thứ 3 trường Đại học Nông nghiệp, may mắn là cháu học gần nên không phải thuê trọ, ăn uống thì về nhà cũng đỡ một phần chi phí nhưng vợ chồng tôi vẫn quay cuồng với công việc mưu sinh để đầu tư cho các con ăn học”, bà Hoa cho biết thêm.

 

img_1155.JPG
 

Công việc mưu sinh vất vả, phải chuẩn bị hàng từ lúc chưa rõ mặt người cho đến 10h đêm khi bóng xe cộ, người đi đường đã vắng thì mới nghỉ nhưng thu nhập của họ cũng phập phù. Hôm nào đông khách, bán được nhiều thì thu nhập hơn 200 ngàn đồng, còn những ngày ế, ngày mưa thì lời lãi chẳng được bao nhiêu.

 

"Hôm nào ế hàng thì phải ăn bánh mỳ cả ngày"

Chị Trần Thị Hà, 42 tuổi, quê Hà Nam, ra Hà Nội được 7 năm. Chị đã làm đủ nghề từ thu mua ve chai, "thợ đụng", giúp việc gia đình nhưng cuộc sống ăn nhờ ở đậu nhà người cũng lắm nỗi đắng cay. Sau này, có người cùng làng mách nước, chỉ mối lấy bánh nên chị ra đây bán bánh mỳ làm kế sinh nhai nơi đất khách mong có thêm thu nhập cùng chồng nuôi các con ở quê.

 

img_1179.JPG
Bán bánh mỳ cho khách đi đường

 

“Ban đầu, khi mới ra đường bán bánh, tôi cũng lạ lẫm, chưa quen, công việc lại vất vả, nắng, mưa hay trời lạnh run người vẫn phải bám đường để bán hàng, nên nhiều lúc nản lắm. Dần dần quen việc, còn được sự chỉ bảo của người đi trước nên "công cuộc" bán bánh mỳ trôi chảy hơn. Ngày nào may mắn, tôi bán được hơn trăm chiếc bánh mỳ thì thu nhập cũng được 200 ngàn đồng nhưng hôm trời mưa, ế hàng thì phải ăn bánh mỳ cả ngày. Hơn nữa, bánh bị cứng phải bỏ đi, coi như ngày đó làm công không”, chị Hà bộc bạch. 

Còn hoàn cảnh của anh Nguyễn Văn Nam, 46 tuổi quê Hưng Hà, Thái Bình, cũng không khá hơn là mấy. Ở quê cuộc sống vất vả với vài sào ruộng khoán, lại nuôi 3 đứa đang tuổi ăn tuổi lớn nên luôn thiếu trước hụt sau. Theo người làng lên Hà Nội được 5 năm nay, lúc đầu, anh cũng xoay xở với đủ nghề như phụ hồ, ngồi ở chợ lao động làm "thợ đụng" kiếm việc...

 

img_1138.JPG
Chọn bánh mỳ cho khách

 

"Vừa rồi tôi cũng tranh thủ về nhà đưa tiền cho mẹ con nó ở quê, mình làm ở đây chắt chiu 1 tháng thu nhập cũng được hơn 5 triệu đồng, dù vất vả mưa nắng, chường mặt ngoài đường hơn 10 tiếng hít khói bụi mỗi ngày nhưng có một khoản lo cho các con ăn học vậy là tốt rồi", anh Nam cười chia sẻ.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn