Phó bí thư mang quân hàm xanh giúp dân có "bát ăn, bát để" nơi biên ải

11:09 | 26/10/2017;
Với sự hỗ trợ của những cán bộ biên phòng tăng cường, người dân nhiều xã biên giới từng bước thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Đi đôi với phát triển kinh tế, tình trạng trắng đảng viên ở nhiều xã vùng biên cũng từng bước được xóa bỏ.
Đổi thay vùng biên viễn

Sau 5 năm trở lại Tung Chung Phố (huyện Mường Khương, Lào Cai) chúng tôi ngỡ ngàng đến ngạc nhiên trước sự thay đổi của miền sơn cước này. Nhiều con đường đi về các thôn đã được mở rộng, trải nhựa hoặc bê tông hóa thay cho con đường đất lầy lội trước kia. Hai bên đường là những ngôi nhà kiên cố mới xây xen giữa những ngôi nhà sàn của bà con.

Đón chúng tôi tại trụ sở UBND xã, Thượng tá Trần Xuân Khánh, Phó Bí thư Đảng ủy xã Tung Chung Phố, nở nụ cười tươi cho biết: “Cuộc sống bà con nay đã khác rồi. Tỷ lệ hộ nghèo từ 78% năm 2010 đến nay giảm xuống còn gần 40%. Cái đói đã bị đầy lùi, bà con từng bước thoát nghèo, tiến tới làm giàu, xây dựng quê hương giàu đẹp”.
 
241016-can-bo.jpg
Thượng tá Khánh hướng dẫn bà con mô hình trồng quýt. Ảnh: TTXVN

Tung Chung Phố là xã biên giới với 9 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc Mông chiếm hơn 38%. Đây là địa bàn trọng yếu về an ninh chính trị. Do trình độ canh tác của bà con lạc hậu, nên bao năm nay đói nghèo vẫn bám lấy người dân. Sau khi bàn bạc, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Lào Cai, đã quyết định tăng cường cán bộ biên phòng xuống cơ sở. Năm 2007, Thiếu tá Trần Xuân Khánh được điều động về làm Phó Bí thư Thường trực xã Tung Chung Phố.

Những ngày đầu mới về công tác, anh về từng bản, vào từng gia đình, cùng ăn, cùng làm với người dân để nắm bắt thực tế. Anh thấy cuộc sống của bà con bao năm nay chỉ gắn với cây ngô, cây sắn và lúa nương. Hơn nữa, việc trồng cây lương thực này phụ thuộc rất nhiều điều kiện thời tiết. Vì vậy, bà con dù rất chăm chỉ nhưng thu nhập cũng chẳng được bao nhiêu.

Nói rồi, anh dẫn chúng tôi đến vườn quýt đang độ thu hoạch của gia đình ông Pờ Sí Hòa (thôn Dề Thàng). Anh cho biết, với người dân Tung Chung Phố, hiện nay cây quýt được xem là cây trồng chủ đạo của địa phương. Hiện nay, cả xã đã có hơn 100 hộ trồng với diện tích 120 ha. Giá quýt bán tại vườn dao động từ 15.000 - 20.000 đồng/kg. Thu hoạch tới đâu có người mua tới đó.

Chia sẻ về hành trình đưa cây quýt về xã vùng biên, anh Khánh cho biết, khi mới về xã đã nghiên điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương. Anh thấy trồng cây lương thực ở Tung Chung Phố cho hiệu quả không cao. Vì vậy, anh xoay sang nghiên cứu cây ăn quả. Sau khi tham khảo, nhờ các chuyên gia tư vấn, anh thấy cây quýt là phù hợp với điều kiện của địa phương nên quyết tâm trồng thử.

Năm 2009, thượng tá Khánh đưa giống quýt về đỉnh Dề Thàng trồng thử. Tuy nhiên, khi được đưa cây giống, người dân lắc đầu quầy quậy không nhận vì cây này lạ lẫm. Sau nhiều ngày vận động, gia đình ông Pờ Sí Hòa đã đồng ý trồng. Ông Hòa bàn với gia đình vay vốn, bán trâu mua hơn 1.000 gốc quýt trồng trên diện tích đất đồi của gia đình. Những ngày sau đó, anh Khánh hỗ trợ thêm cho gia đình ông Hòa về kỹ thuật. Sau 5 năm trồng, vườn quýt nhà ông Hòa đã cho thu hoạch. Ngay từ vụ đầu tiên, quýt sai trĩu quả. Không những thế, thương lái còn đến tận nơi thu mua. Trừ chi phí, gia đình ông Hòa lãi gần 200 triệu đồng. Sau thành công bước đầu, gia đình ông Hòa trồng thêm 3.000 gốc quýt.
img_2974.JPG
Thượng tá Trần Xuân Khánh thường xuyên đến từng nhà dân để trao đổi hướng làm ăn. Ảnh: Như Ngọc

Thấy cây quýt mang lại hiệu quả kinh tế cao, người dân bắt đầu thay đổi cách nhìn. Từ gia đình ông Hòa, nhiều gia đình khác cũng đã đầu tư để trồng cây quýt. Đến nay, nhiều diện tích trồng quýt đã cho thu hoạch, đời sống người dân khấm khá hơn. Chỉ riêng thôn Dề Thàng, nhiều hộ trong thôn cũng vươn lên thoát nghèo từ cây quýt, cả thôn hiện chỉ còn 8/34 hộ thuộc diện nghèo.

Không chỉ cây quýt, anh còn vận động người dân trồng hoa màu, trồng rừng kinh tế, nuôi bò, dê… Bắt đầu từ việc đổi mới cách nghĩ, cách làm, bây giờ, nhiều hộ dân người Mông đã có bát ăn, bát để, thoát nghèo. “Để đảm bảo nguồn gốc, chúng tôi sẽ đăng ký thương hiệu “Quýt Mường Khương” giúp người tiêu dùng an tâm khi lựa chọn sản phẩm. Hơn nữa, xã sẽ tính toán để quy hoạch diện tích trồng quýt và ớt trên địa bàn, từng bước hình thành vùng sản xuất tập trung, từ đó liên kết giữa các hộ sản xuất, tránh tình trạng tiêu thụ bấp bênh, phụ thuộc vào thương lái”, ông Hầu Xuýnh Củi, Chủ tịch UBND xã Tung Chung Phố, chia sẻ.

Xóa tình trạng bản trắng đảng viên

Theo Thượng tá Khánh, cơ sở Đảng là tổ chức gần dân nhất, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con để phản ánh lên cấp cao hơn. Vì vậy, đảng viên sẽ là người đi đầu trong phong trào, vận động gia đình và người thân, dân bản chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, giúp đỡ lẫn nhau cùng vươn lên làm kinh tế xóa đói giảm nghèo... 

Tuy nhiên, năm 2011, một nửa số thôn, bản của Tung Chung Phố được tách để sáp nhập về thị trấn Mường Khương. Các Chi bộ nòng cốt của Đảng bộ cũng chuyển đi, chỉ còn lại 3 chi bộ trên 10 thôn. Vì vậy, vấn đề đặt ra là phải phát hiện những quần chúng ưu tú để bồi dưỡng, giới thiệu cho Đảng, không để xảy ra tình trạng “trắng đảng viên”.

Trước tình hình đó, Đảng ủy xã phân công các đồng chí đảng ủy viên phụ trách từng bản, tăng cường bám cơ sở và tham gia sinh hoạt với bản, Chi bộ, qua đó phát hiện những quần chúng ưu tú, tạo nguồn kết nạp Đảng. Ngoài ra, Chính quyền và các đoàn thể cũng phát động phong trào thi đua để giới thiệu, bồi dưỡng những quần chúng ưu tú cho Đảng. Đặc biệt, Đảng ủy xã chú trọng phát huy vai trò của trưởng bản là những người có uy tín tại địa phương để động viên, giáo dục con cháu nỗ lực phấn đấu đứng trong hàng ngũ của Đảng.
dsc00480.JPG
Tình quân dân trên vùng biên giới. Ảnh: Như Ngọc

Chỉ trong vài năm, nhiều quần chúng ưu tú đã được kết nạp vào Đảng. Theo thống kê, từ năm 2011 đến nay, Đảng bộ xã Tung Chung Phố đã kết nạp thêm 48 đảng viên mới, nâng tổng số chi bộ lên 12 (10 chi bộ thôn, 2 chi bộ nhà trường) và không còn bản trắng đảng viên.

 
Các đảng viên được kết nạp sau này đều là những cán bộ nòng cốt của cơ sở, như Cư Khái Hoà, Trưởng thôn Séo Tủng. Thậm chí, Chủ tịch UBND xã Hầu Xuýnh Củi cũng do anh Khánh phát hiện, giới thiệu vào Đảng. “Các đảng viên mới luôn nêu cao tinh thần, nhận thức vai trò trách nhiệm của bản thân đối với nhân dân. Nhờ sự vào cuộc của đảng viên và các chi bộ Đảng mà đến nay bộ mặt của địa phương đã đổi thay từng ngày”, anh Khánh nói.

Hiệu quả của một chương trình

Đại tá Nguyễn Trọng Ngữ, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Lào Cai, cho biết: Xuất phát từ thực trạng chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở các xã vùng sâu, vùng biên giới thuộc địa bàn miền núi còn bất cập và yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh trong tình hình mới, Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh đã phối hợp với huyện ủy Mường Khương, Bát xát triển khai đưa cán bộ tăng cường xuống địa bàn. Từ năm 2008, Bộ tư lệnh biên phòng Lào Cai đã chọn 15 cán bộ xuất sắc tăng cường cho 14 xã biên giới của hai huyện Mường Khương, Bát Xát.

Theo ông Ngữ, cán bộ tăng cường là những người gắn bó với địa bàn biên giới nên rất hiểu phong tục, tập quán, điều kiện canh tác sản xuất và đời sống sinh hoạt của nhân dân.

Sau khi được đưa về các xã biên giới, các cán bộ tăng cường tìm hiểu, tham mưu cho Đảng ủy, UBND các xã phát huy tiềm năng, lợi thế ở từng địa phương để phát triển kinh tế. Trong đó, chú trọng khai hoang, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình. Do nhiều việc còn lạ lẫm nên các cán bộ tăng cường phải “cầm tay chỉ việc” hướng dẫn bà con. Nhờ đó, chỉ trong vài năm, các địa phương đã có nhiều mô hình sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao như trồng quýt ở Tung Chung Phố; mô hình trồng chuối, dứa ở Bản Lầu (huyện Mường Khương)…
img_3082.JPG
Cán bộ Đồn biên phòng Mường Khương và dân quân tuần tra trên biên giới. Ảnh: Như Ngọc

Ngoài ra, các cán bộ tăng cường còn tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền hướng dẫn, chỉ đạo các tổ chức đoàn thể các cấp xây dựng, bổ sung quy chế làm việc; thực hiện tuyên truyền, phổ biến và triển khai nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho cán bộ, đảng viên và nhân dân đẩy đủ và kịp thời hơn.
Các anh cũng phát hiện, bồi dưỡng những cán bộ trẻ, có năng lực để tạo nguồn cán bộ lâu dài cho địa phương.Không những vậy, việc phát triển đảng viên, tạo nguồn cán bộ trẻ được quan tâm. Chỉ riêng tại huyện Mường Khương, cán bộ tăng cường đã giúp xóa 18 thôn, bản trắng đảng viên, thành lập mới 10 chi bộ, hằng năm kết nạp từ 80 đến 90 đảng viên. Hiện nay, hàng chục cán bộ biên phòng đang được tăng cường cho các xã biên giới và giữ chức danh Phó Bí thư Đảng ủy xã biên giới.

“Trong những năm qua, bộ mặt của các địa phương đã có nhiều thay đổi, đời sống bà con nâng cao, an ninh chủ quyền được giữ vững, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của cán bộ tăng cường. Điều đó cho thấy, đây là chủ trương đúng nên chúng tôi vẫn tiếp tục triển khai tại các xã vùng biên”, Đại tá Nguyễn Trọng Ngữ cho biết.

 32 tỉnh thành đưa cán bộ tăng cường đến các xã vùng biên

Khu vực biên giới nước ta có 1.077 xã, phường, thuộc 228 huyện, thị xã, với dân số trên 8 triệu người. Đây là địa bàn “phên giậu” Tổ quốc, có vị trí chiến lược quan trọng, nhất là về quốc phòng - an ninh.

Tháng 8/1998, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã thống nhất với 32 tỉnh, thành biên giới về chủ trương tăng cường cán bộ Bộ đội Biên phòng cho các xã biên giới đặc biệt khó khăn. Theo đó, mỗi xã biên giới thuộc diện này được tăng cường một cán bộ Biên phòng trực tiếp tham gia cùng cấp ủy, chính quyền lãnh đạo.

Đội ngũ cán bộ Biên phòng tăng cường đã chủ động tham mưu, tham gia cùng cấp ủy, chính quyền các xã biên giới triển khai các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, y tế, giáo dục, xây dựng các mô hình giúp dân xóa đói, giảm nghèo; củng cố thế trận biên phòng toàn dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân; tổ chức thực hiện có hiệu quả các phong trào như quần chúng tham gia tự quản đường biên, mốc giới, giữ gìn an ninh, trật tự thôn, bản; kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới.

Đến nay, cán bộ biên phòng tăng cường đã góp phần xây dựng khu vực biên giới ổn định về chính trị, kinh tế có bước phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện; đưa 101 xã từ mức yếu, kém lên trung bình và 192 xã từ trung bình lên mức khá về kinh tế - xã hội.

Qua tham mưu, đề xuất của cán bộ Biên phòng tăng cường, các địa phương đã phát triển được 17.228 đảng viên, xóa 572 thôn, bản “trắng” tổ chức đảng, đảng viên; củng cố 5.955 lượt tổ chức quần chúng; phát hiện, tạo nguồn quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng 2.975 lượt cán bộ cấp xã và 5.124 lượt cán bộ cấp thôn, bản.  
 
 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn