Phổ biến phim trên không gian mạng: Cần thiết lập hệ thống kiểm soát trẻ em

21:36 | 28/10/2021;
Một số ĐBQH cho rằng, quy định về phổ biến phim trên không gian mạng tại dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) chưa thể hiện sự chặt chẽ.Trong đó, cần thiết lập hệ thống kiểm soát trẻ em, xây dựng các kênh tiếp nhận thông tin phản hồi về việc phân loại phim và các nội dung phim, tránh để lọt những phim trái thuần phong mỹ tục, nội dung thiếu lành mạnh.

Kiểm soát phim trên mạng với trẻ em

Tại phiên thảo luận trực tuyến về dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) chiều 28/10, ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) quan tâm đến nội dung phổ biến phim trên không gian mạng. Đại biểu Cảnh đồng ý ưu tiên hậu kiểm đối với phim phổ biến trên không gian mạng khi số lượng phim quá nhiều.

Vấn đề mà đại biểu này phân vân là làm sao kiểm soát để trẻ em xem phim trên không gian mạng phù hợp với độ tuổi của mình.

"Quyền lợi thì đi với trách nhiệm. Theo tôi, nếu tổ chức phổ biến phim trên không gian mạng có thiết lập hệ thống kiểm soát trẻ em, để người lớn quản lý được phim nào trẻ em được xem phù hợp với lứa tuổi của các em thì được áp dụng ưu tiên hậu kiểm. Tổ chức nào chưa có hệ thống kiểm soát trẻ em thì áp dụng tiền kiểm. Nội dung này giao cho Chính phủ quy định chi tiết"- ĐB Nguyễn Căn Cảnh đề nghị.

Phổ biến phim trên không gian mạng: Cần thiết lập hệ thống kiểm soát trẻ em - Ảnh 1.

ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) góp ý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) chiều 28/10. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng cho rằng, thời gian qua, nhu cầu xem phim trên truyền hình, không gian mạng của dân rất là phổ biến, nhất là mạng internet, theo quy định như dự thảo luật là cần thiết, nhưng cũng cần có cơ chế kiểm tra, giám sát chặt của cơ quan chức năng.

"Phim trên không gian mạng là thị hiếu của người dân, muốn xem là xem ngay, lúc nào cũng được, dễ dẫn đến loạn phim, nguy hiểm hơn là trẻ em, thanh thiếu niên bỏ học để xem phim. Cho nên, chúng ta quản lý yếu tố hàng đầu của các ngành chức năng là rất đúng, vừa cho người dân giải trí, vừa kiểm soát được nội dung phim, cũng vừa kiểm soát tổ chức nước ngoài cung cấp dịch vụ phổ biến phim trên không gian mạng" – ĐB Hòa nêu ý kiến.

Còn theo đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc), quy định phổ biến phim trên không gian mạng thuộc dự thảo Luật được hiểu là cho phép các nhà phát hành phim tự kiểm và tự chịu trách nhiệm.

Theo ông, quy định như vậy không đảm bảo bình đẳng, công bằng với các hình thức phổ biến phim khác, tạo nguy cơ để lọt các sản phẩm và đánh giá sai lịch sử, ảnh hưởng đến an ninh chính trị quốc gia.

"Mặt khác, khi máy chủ đặt ở ngoài lãnh thổ Việt Nam thì việc kiểm soát như thế nào, v.v.. Tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thống nhất về nguyên tắc quản lý theo tiêu chí chung, không phân biệt hình thức phổ biến phim để xác định loại phim tiền kiểm và loại phim hậu kiểm" – ĐB Tiến đề xuất.

ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) phân tích, dự thảo Luật quy định tổ chức, cá nhân phổ biến phim trên không gian mạng phải tự phân loại, hiển thị kết quả phân loại phim và chịu trách nhiệm về kết quả phân loại phim. Quy định này là phù hợp với bối cảnh bùng nổ công nghệ thông tin và chuyển đổi số hiện nay.

Tuy nhiên, theo ĐB Nga, bên cạnh đó dự thảo quy định Bộ VHTTDL thực hiện kiểm tra định kỳ theo kế hoạch hằng năm hoặc đột xuất là chưa phù hợp, bởi vì phim trên không gian mạng có tốc độ tiếp cận và phổ biến trên khán giả rất nhanh.

Thậm chí, đối với nội dung thu hút được nhiều sự quan tâm thì chỉ cần vài giờ đồng hồ là số lượng người chia sẻ và theo dõi đã rất lớn. Việc kiểm tra phân loại phim trên không gian mạng phải là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và thường trực chứ không thể kiểm tra định kỳ hay theo kế hoạch hằng năm.

"Cho nên, tôi đề xuất xây dựng các kênh tiếp nhận thông tin phản hồi về việc phân loại phim và các nội dung phim trên không gian mạng chưa phù hợp với thuần phong, mỹ tục, quy định pháp luật để kịp thời xử lý, hạn chế sự lan truyền, gỡ bỏ những bộ phim có ảnh hưởng xấu đến tâm lý và nhận thức của khán giả" – nữ ĐB đưa ra quan điểm.

Phổ biến phim trên không gian mạng: Cần thiết lập hệ thống kiểm soát trẻ em - Ảnh 2.

ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) tại phiên thảo luận trực tuyến dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) chiều 28/10. Ảnh: Quochoi.vn

Phân loại phim: Cân nhắc theo độ tuổi

Liên quan đến phân loại phim theo quy định của dự thảo Luật, ĐB Nguyễn Văn Cảnh đề nghị bổ sung thêm nhóm T.21 (phim phổ biến đến người xem từ 21 tuổi trở lên). Đại biểu này phân tích, thanh niên nhiều nước phương Tây 18 tuổi đã ra sống độc lập thì phân loại phim theo độ tuổi cao nhất là T.18 hợp lý. Còn ở Việt Nam hầu hết 18 tuổi còn sống với gia đình, có đi học xa cũng chưa hoàn toàn độc lập về nhiều mặt.

"Việc phân thêm loại phim T.21 sẽ tạo điều kiện để các nhà làm phim khai thác ý tưởng rộng hơn để phát triển thị trường phim trong nước và xuất khẩu, số lượng phim nhập khẩu được phép chiếu cũng nhiều hơn, người từ 21 tuổi trở lên được tiếp cận nhiều hơn các giá trị của phim thế giới" – Đại biểu Cảnh nói.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật cần quy định phân loại phim theo thể loại, theo đại biểu Nguyễn Văn Cảnh.

"Nếu chúng ta bổ sung phân loại phim theo thể loại như chính kịch, hài, lãng mạn, hành động, kinh dị, khoa học viễn tưởng, v.v.. Sau đó văn bản dưới luật sẽ phân loại phim theo độ tuổi có dựa theo thể loại thì nội dung trong các tiêu chí sẽ rõ ràng hơn, tạo điều kiện cho các nhà làm phim tạo ra các cảnh phim đáp ứng được yêu cầu của các tiêu chí của Hội đồng thẩm định và phân loại phim" – đại biểu Cảnh nói.

Còn theo đại biểu Trần Văn Tiến, việc phân loại phim theo độ tuổi cần cân nhắc thêm. "Khi phim được phổ biến tại những nơi có người kiểm soát thì việc phân theo độ tuổi hoàn toàn phù hợp, nhưng khi phổ biến trên không gian mạng, trên truyền hình thì ai, cơ quan nào kiểm soát độ tuổi xem phim? Do vậy, cần có quy định cho từng loại phim, cho từng loại hình thức phổ biến phim để phổ biến phim đến độ tuổi nào cho phù hợp"- ĐB Tiến đề xuất.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn